Đi thi đại học môn Văn, thí sinh thách giám khảo ngay trên bài viết
Thi đại học mà dám chấp nhận đánh đổi điểm số, tương lai để được viết những gì mình nghĩ, nữ sinh hối hận muộn màng.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học đang đến gần, mấy hôm nay trên mạng tự dưng “đào” lại bài thi đại học 0 điểm từng chấn động một thời ở xứ Trung. Đây không phải bài thi để trắng, hay lạc đề. Ngược lại là một bài thi văn viết rất ý tứ, câu từ mạch lạc.
Lý do bài thi bị cho 0 điểm là bởi giám khảo chiều theo yêu cầu của thí sinh. Trong bài văn, em thể hiện một thái độ gay gắt và phóng tay quá mức. Đến nỗi thách thức người chấm thi “hãy cho em điểm 0”. Kết quả em được như mong muốn, bài văn nổi tiếng trên khắp cõi mạng một thời nhưng tương lai em về đâu thì chẳng ai biết.
Cứ tới mùa thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học là những câu chuyện chấn động xa xưa lại được khơi lên. Thôi coi như là chuyện thế giới đó đây, nhưng cũng là bài học cho các em sắp thi. Có viết văn thì cũng nhớ chừng mực nha các em, chứ phóng tay tới nỗi thách thức giám khảo chấm em 0 điểm đi thì có trách “sao nước biển lại mặn” thì cũng không ai nói đỡ giúp lời nào.
Bài thi 0 điểm trong kỳ thi đại học ở xứ Trung khiến giám khảo nỡ xuống tay chấm 0/150 điểm cũng có lý. Cái nết thí sinh cũng nông nỗi, ngông cuồng tới cỡ nào mới khiến giám khảo không ngần ngại chiều theo ý, cho đúng con 0 tròn trĩnh vào bài làm.
Học sinh có cá tính nói thẳng vấn đề, không ai cấm nhưng hành văn thách thức lại là chuyện khác. Mở đầu vào là em đã viết thế này: “Khi nhìn thấy đề bài, tôi đột nhiên muốn cười phá lên. Như thể tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt xám xịt của vị giám khảo khi nhìn thấy bài thi này”. Thậm chí còn viết hẳn kết bài kiểu giám khảo cứ cho em điểm 0 đi, em chẳng sợ đâu: “…em có một đề nghị cho thầy là chấm em điểm 0 ngay đi, rồi thầy có thể đi chơi.”
Đặt bản thân vào vị trí của người chấm thi, thử hỏi ai có thể chấp nhận thái độ này để cho em điểm cao? Rõ ràng có năng lực nghị luận, thấu đáo vấn đề xã hội nhưng lại dùng không đúng chỗ, không theo phép tắc, không trọng lễ độ thì cũng bằng không.
Có thể ở tuổi mới lớn nhưng già dặn trải nghiệm, em bức xúc với hiện thực, em khó chịu vì nhìn ra những bất công xã hội nhưng mang tất cả ý nghĩ tiêu cực vào cuộc đời ở độ tuổi thanh xuân rực rỡ đã là một tư tưởng thụt lùi, chứ chưa nói đến thái độ ngông nghênh, thách thức.
Người chấm thi lại là thầy cô có thâm niên, giàu kinh nghiệm, đáng tuổi cha chú. Bị em đem ra bỡn cợt thế kia, thử hỏi có ai còn bênh nổi. Thì thôi giám khảo chiều em, cho em điểm 0 cho vừa lòng em.
Mặc dù với cách hành văn sắc sảo, trôi chảy, bài văn thi đại học sau khi được công bố đã nhận về sự ủng hộ rất lớn từ dư luận nhưng bề nổi ấy không thể giúp em đặt chân vào ngưỡng cửa đại học sau bài văn gây xôn xao một thời.
Dù biết ở tuổi 18 ấp ủ rất nhiều ước mơ, hoài bão, các em cũng có quyền nhận định về xã hội, những bức bối, suy nghĩ riêng nhưng khi làm bài thi, các em phải biết tiết chế. Một số em cho rằng với cách viết táo bạo, không giống ai, đi ngược số đông như vậy sẽ gây ấn tượng với người chấm thi, nhưng khi mọi việc đi quá giới hạn lại phản tác dụng.
Đôi khi, chúng ta không thể lường trước được, từ ấn tượng chuyển sang phản cảm mong manh ra sao. Kỳ thi tốt nghiệp sắp tới rất quan trọng, đừng vì bất kỳ sự liều lĩnh dại dột hay bốc đồng lứa tuổi nào mà đặt dấu chấm hết cho mọi nỗ lực của 12 năm đèn sách mà sau đó còn là mồ hôi, nước mắt lao nhọc của cha mẹ. Hãy nhớ các em chỉ có cơ hội làm bài thi 1 lần cho mỗi bài thi. Muốn thêm lần nữa, sửa chữa sai lầm phải chờ sang tận năm sau. Đừng vì phút ta đây chơi ngông để bản thân hối hận như thí sinh trong câu chuyện trên nhé.
Lược dịch theo Sohu