12 khám phá “mang tính lịch sử” của năm 2021
Chiếc nhẫn “chống say” độc nhất vô nhị
Tháng 11 vừa qua, cơ quan quản lý cổ vật Israel đã tìm thấy một chiếc nhẫn bằng vàng và thạch anh tím “chống say” tại một trong những nhà máy rượu cổ đại lớn nhất từng được biết đến cho đến nay. Viên ngọc này nằm ở thành phố Yavne của Israel, gần với tàn tích của một nhà kho chứa rượu được gọi là amphorae. Chủ nhân của chiếc nhẫn có lẽ là một người Byzantine giàu có sống từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 7.
Bức tranh quý của danh họa Rembrandt bất ngờ được tìm thấy
Bức tranh quý của danh họa Rembrandt được biết đến là đã mất tích từ lâu và chỉ còn được lưu lại bằng các bản sao trên các viện bảo tàng lớn lại bất ngờ được phát hiện trong một ngôi nhà nông thôn ở La Mã.
Khám phá thành phố 3000 năm tuổi
Được khai quật dưới lớp cát, đây là thành phố cổ đại lớn nhất từng được phát hiện ở Ai Cập cho đến nay. Thành phố này được tìm thấy ở bờ Tây Luxor, vào tháng 9 năm 2020 với cái tên “Sự trỗi dậy của Aten”.
Betsy Bryan, giáo sư Ai Cập học tại Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Việc phát hiện ra thành phố đã mất này là khám phá khảo cổ quan trọng thứ hai kể từ lăng mộ Tutankhamun”.
Tính đến tháng 4, các nhà khảo cổ học đã khám phá phần lớn nửa phía nam của thành phố, tìm thấy những ngôi nhà còn nguyên vẹn với bức tường cao tới 10 feet (3 mét), một tiệm bánh lớn và một khu chôn cất chứa một bộ xương. Các phòng trong ngôi nhà chứa đầy bình gốm, công cụ quay, dệt và chế tạo thủy tinh và đồ trang sức.
Hình ảnh động vật cổ xưa nhất từng được phát hiện
Tại một hang động của Indonesia trên đảo Sulawesi, người ta đã phát hiện ra hình vẽ mô tả một con lợn có niên đại ít nhất 45.500 năm tuổi. Đây được cho là hình ảnh động vật lâu đời nhất trên thế giới từng được biết đến cho đến nay.
Adam Brumm, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu về Tiến hóa Con người của Griffith, cho biết : “Khám phá này nhấn mạnh sự cổ xưa đáng chú ý của nghệ thuật đá Indonesia và ý nghĩa to lớn của nó đối với việc tìm hiểu lịch sử nghệ thuật cũng như câu chuyện sơ khai của nhân loại”.
Mặt nạ vàng từ hố hiến tế
Vào tháng 6, một chiếc mặt nạ bằng vàng là một trong số khoảng 500 di vật được khai quật gần đây từ một nhóm hố hiến tế ở tây nam Trung Quốc, tại địa điểm khảo cổ Sanxingdui nằm gần Thành Đô. Chiếc mặt nạ vàng này có khả năng là một phần của một chiếc đầu bằng đồng được tạo ra vào cuối triều đại nhà Thương. Ngoài chiếc mặt nạ, các cổ vật có giá trị cao khác được tìm thấy phải kể đến các di vật bằng ngà voi, các bức tượng nhỏ bằng đồng và một con dao bằng ngọc,…
Những món đồ châu Âu đầu tiên ở Bắc Mỹ
Christopher Columbus được biết đến là người đầu tiên tìm ra châu Mỹ, tuy nhiên những hạt Venetian này lại được cho thấy, chúng đã xuất hiện trước khi ông đặt chân đến châu lục này vài thập kỷ. Những hạt Venetian này được khai quật ở phía bắc Alaska và được cho là những món đồ châu Âu đầu tiên được biết đến ở Bắc Mỹ, trước cả chuyến hành trình xuyên Đại Tây Dương của Christopher Columbus.
Vào tháng 1/2021, đại học Alaska Fairbanks đã công bố một nghiên cứu phát hiện rằng các hạt Venetian có thể đã có mặt ở châu Mỹ từ năm 1440 đến 1480, nhiều thập kỷ trước khi Columbus ra khơi vào năm 1492.
Những phát hiện thú vị khác
– Tháng 3, chính phủ Israel thông báo rằng, một nhà khảo cổ học làm việc tại sa mạc Judean đã bất ngờ tìm thấy hàng chục mảnh vỡ của Cuộn Sách Biển chết mang văn bản kinh thánh.
– Cũng trong tháng 3, một bức tranh tường 3.200 năm tuổi mô tả thần nhện đang cầm dao, được phát hiện ở miền bắc Peru. Bức tranh nằm bên hông một ngôi đền cổ bằng gạch nung mà các chuyên gia tin rằng được xây dựng bởi những người Cupisnique thời tiền Colombia ở tỉnh Virú của Peru, cách Lima khoảng 300 dặm về phía bắc.
– Vào tháng 5, một chiếc đầu bằng đá cẩm thạch của Augustus Octavian, vị hoàng đế đầu tiên của Rome, được các nhà khảo cổ học phát hiện ở thị trấn Isernia (Ý). Tác phẩm điêu khắc này có niên đại khoảng 2.000 năm tuổi.
– Tháng 8, kết quả phân tích DNA mới cho thấy một chiến binh được tìm thấy trong một ngôi mộ thời kỳ đồ sắt ở Phần Lan có thể là người “phi nhị giới” (không phải cả hai giới tính).
– Tháng 10, Bảo tàng Nghệ thuật Dallas đã trưng bày những phát hiện mới về các bức tranh rừng ô liu của Vincent Van Gogh, bao gồm dấu vết của một con côn trùng không may đậu vào sơn của ông. Thậm chí, trước đó, trong một bức tranh khác của danh họa, người ta còn tìm thấy một phần của con châu chấu bị mắc kẹt trong bức tranh.
– Vào tháng 11, các nhà khoa học tin rằng họ đã tìm thấy một trong những “ngôi đền mặt trời” bị thất lạc của Ai Cập có niên đại từ giữa thế kỷ 25 trước Công nguyên, bên dưới một ngôi đền khác ở Abu Ghurab.