Kình lạc - bài ca bất tận của đại dương: Không hề biết cái chết của cá voi lại ý nghĩa đến thế!
“Kình ngư lạc, vạn vật sinh”. Cá voi chìm xuống đáy biển, vô số loài sinh vật nhờ đó sinh sôi nảy nở, phát triển lên tầm cao hơn.
Cá voi là động vật có vú lớn nhất hành tinh. Chúng sở hữu cơ thể to lớn, “tiếng hát” vang vọng khắp đại dương, thỉnh thoảng lại cứu giúp tàu thuyền lạc lối trên biển khơi. Vẻ đẹp của cá voi không chỉ là thân hình khổng lồ bên ngoài, mà còn ở sự cống hiến vĩ đại của chúng dành cho đại dương bao la.
Con người chúng ta thường nói: “Chết thì về với đất mẹ”. Cá voi cũng vậy! Sau khi chết đi, cơ thể của chúng sẽ trở về với mẹ thiên nhiên.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một hệ sinh thái đặc biệt được hình thành sau khi cá voi chết đi.
Cái chết tự nhiên của cá voi có một tên gọi vô cùng xinh đẹp: Kình lạc.
Kình lạc – sự cống hiến to lớn dành cho đại dương
Kình lạc (Whale fall) là một thuật ngữ để chỉ khi cá voi chết đi, xác của chúng chìm xuống đáy biển ở độ sâu lớn hơn 1.000m, và khi chạm xuống đáy, những cái xác này trở thành thức ăn cho các sinh vật ở biển sâu trong hàng chục năm.
Người ta quan sát được hiện tượng này vào những năm cuối của thập niên 1970 vì công nghệ để khám phá biển sâu phát triển hơn trước. Từ đó, nhà nghiên cứu tiếp tục quan sát những xác cá voi này bằng tàu ngầm và nhiều thiết bị khác để hiểu rõ hơn về các kiểu của diễn thế sinh thái nơi biển sâu.
Những xác cá voi ở vùng nước không sâu lắm, thậm chí là nổi lên mặt nước hay dạt vào bờ thường bị các loài ăn xác chết “xử gọn” trong tích tắc.
Bạn cũng thấy nhiều xác cá voi nổi lên mặt nước là vì phổi của chúng chứa đầy không khí. Như vậy thì không thể xảy ra hiện tượng Kình lạc.
Xác cá voi chìm xuống dưới biển sâu có thể xảy ra ở vùng nước mở vì nhiệt độ thấp và áp suất cao. Nếu xác chìm ở vùng nước nông hơn thì nhiệt độ sẽ thúc đẩy vi khuẩn phân hủy cái xác kết hợp với các loài ăn xác chết.
Kình lạc diễn ra, cũng tức là thời khắc cá voi rời khỏi thế gian này. Nhưng nó không cứ thế đi. Máu thịt, xương cốt trở thành thức ăn của các loài động vật dưới đại dương, được dòng nước sâu cuốn đi nơi xa, trôi đến mọi ngóc ngách của biển khơi sâu thẳm. Đại dương ban tặng sự sống cho cá voi, chúng cống hiến cả thân mình cho đại dương bao la.
4 giai đoạn của Kình lạc
Hệ sinh thái Kình lạc diễn ra với 4 giai đoạn liên quan mật thiết đến sự phân hủy của xác cá voi.
Giai đoạn 1 – “thợ dọn rác di động”: Đây là giai đoạn đầu tiên của hiện tượng Kình lạc. Các loài động vật đến xâu xé mô mềm xác cá voi. Giai đoạn này kéo dài từ vài tháng đến tối đa 1,5 năm, 90% cơ thể cá voi bị động vật ăn hết.
Giai đoạn 2 – “những kẻ cơ hội”: Các sinh vật khác như động vật thân mềm, sâu biển sẽ ở trong xương và trong chất nền quanh bộ xương để tìm những mô mềm còn sót lại hay những mảnh vụn hữu cơ. Giai đoạn này kéo dài hàng tháng và lên đến 4,5 năm.
Giai đoạn 3 – vi sinh vật tế bào phân giải: Các sinh vật hóa dưỡng bẻ gãy các liên kết trong các lipid ở xương. Thay vì tạo ra oxi, chúng tạo ra Hydro sulfide. Các màng vi khuẩn này là thức ăn cho các loài trai, sò, sao sao, ốc biển. Trong xương cá voi chứa nhiều lipid, lượng chất này là khoảng từ 4 đến 6% trọng lượng cơ thể. Giai đoạn này kéo dài khoảng 50 năm và có thể lên đến 100 năm.
Giai đoạn 4 – trở về với cát bụi: Đương nhiên, những gì còn lại của xác cá voi chỉ là bộ xương trắng trống rỗng, hay nói đúng hơn là các chất khoáng như Can-xi, trở thành chất nền cứng dưới đáy biển.
Kình lạc – sự dịu dàng cuối cùng của cá voi
“Kình ngư lạc, vạn vật sinh”. Cá voi chìm xuống đáy biển, vô số loài sinh vật nhờ đó sinh sôi nảy nở, phát triển lên tầm cao hơn.
Bạn có thể thấy Kình lạc là một sự tàn nhẫn đối với thân xác của cá voi. Nhưng sự tàn nhẫn này đã đổi lại sự sống của rất nhiều loài động vật trong đại dương.
Có một quan điểm “thân thương” hơn để lý giải cho hiện tượng này đó là: Cá voi có lẽ biết rằng bản thân rồi cũng trở về với tự nhiên, nên chúng chọn cách chết đi đầy giá trị như vậy!
Cá voi, loài vật to lớn lặn ngụp nơi biển cả, đã mang lại hy vọng cho nhiều loài động vật bằng cả tấm thân của mình. Trở về với biển theo vòng tuần hoàn vật chất là sự cống hiến của chúng để biến cái chết trở nên đẹp đẽ hơn.
Kình lạc chính là sự dịu dàng cuối cùng của cá voi dành cho đại dương. Khi còn sống, chúng cất tiếng hát trong trẻo vang vọng, chẳng mấy ai nghe thấy. Cá voi chết đi, Kình lạc diễn ra, trở thành linh hồn hòa vào biển cả để tiếng hát còn vang mãi.