4 mãnh tướng Tào Tháo yêu thích: Quan Vũ "đội sổ", có người cầu mà không được
Trong Tam Quốc, Tào Tháo là vị quân chủ đứng đầu thế lực mạnh nhất Tam Quốc. Dưới trướng của ông có rất nhiều mưu sĩ, binh hùng, tướng mạnh.
Tào Tháo là người đặt nền móng vững chắc để lập ra nhà Tào Nguỵ. Ông khởi đầu từ việc tiêu tán của cải để nuôi quân, sau lên ngôi Nguỵ Công,…
Để hiện thực hoá giấc mơ thống nhất thiên hạ, Tào Tháo nổi danh là người yêu quý hiền tài. Để có được nhân tài, vị quân chủ này từng không ít lần tìm đủ mọi cách để chiêu mộ.
Tuy nhiên, trong cuộc đời lẫy lừng trên vũ đài chính trị Tam Quốc, chỉ có 4 mãnh tướng này được Tào Tháo yêu mến hơn cả.
Họ là những ai?
4. Quan Vũ và ranh giới giữa được – mất
Tào Tháo từng hết lòng chiêu mộ Quan Vũ.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Quan Vũ là một trong những võ tướng được Tào Tháo vô cùng yêu mến và mong muốn có được.
Những ngày đầu xây dựng cơ nghiệp, khi Lưu Bị chưa có căn cứ, Quan Vũ luôn sát cánh cùng với vị quân chủ này.
Đầu năm 200, khi Tào Tháo dẫn quân gấp rút đánh Từ Châu, quân của Lưu Bị không chống nổi, kết quả thua chạy tan tác.
Khi ấy, Lưu Bị chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu, Trương Phi thì trốn về Nhữ Nam. Còn Quan Vũ, do cùng đường nên buộc phải đầu hàng Tào Tháo, theo về Hứa Xương. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Quan Công chỉ hàng Hán, không hàng Tào. Điều này cho thấy sự trung nghĩa của ông dành cho Lưu Bị. Đặc biệt, để bảo vệ hai phu nhân của Lưu Bị, Quan Vũ ra điều kiện với Tào Tháo, gọi là “ước pháp tam chương” (hay còn gọi là giao hẹn 3 điều).
Do đã ngưỡng mộ từ lâu, nên Tào Tháo đối đãi với Quan Vũ rất tốt, phong làm Hán Thọ Đình Hầu, thậm chí còn ban cho mỹ nữ, vàng bạc… nhằm chiêu mộ vị tướng tài giỏi này về với mình.
Trong thời gian này, Quan Vũ đã giúp Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu khi giết chết hai tướng là Nhan Lương và Văn Sú.
Sau khi hay tin tức về Lưu Bị, Quan Vũ quyết định viết thư cáo biệt Tào Tháo và ra đi.
Nhưng do muốn giữ chân Quan Vũ nên Tào Tháo không cấp giấy qua ải cho ông. Kết quả, Quan Vũ bắt buộc phải mở đường máu để đi. Ông qua 5 ải và chém 6 tướng của Tào Tháo. Tuy nhiên, cuối cùng Tào Tháo vẫn cho truyền công văn đến các ải để thả cho Quan Vũ đi. Điều này có thấy Tào Tháo ái mộ tài năng và sự trung nghĩa của Quan Vũ đến mức nào.
3. Triệu Vân: Cả đời cầu mà không được
Triệu Vân là võ tướng mà Tào Tháo cầu cũng không được.
Triệu Vân là danh tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Không chỉ dũng mãnh hơn người, Triệu Vân còn có khả năng quân sự xuất chúng, văn võ song toàn. Ông được ca tụng là dũng tướng hoàn mỹ nhất Tam Quốc.
Tào Tháo vô cùng trọng nhân tài. Với một dũng tướng tài giỏi như Triệu Vân, Tào Tháo cũng vô cùng ái mộ, khao khát có được.
Tại trận Trường Bản, khi một mình Triệu Vân liều mạng lao vào phá vòng vây của đại quân Tào để cứu A Đẩu (tức Lưu Thiện, con trai của Lưu Bị), đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng Tào Tháo.
Chính nhờ lòng ái mộ nhân tài nên Tào Tháo đã ra lệnh chỉ bắt sống và không được bắn tên trong trận đấu này. Vì vậy, Triệu Vân có thể một mình chiến vạn quân.
Tuy nhiên, do Triệu Vân quá trung thành với Lưu Bị nên rốt cục Tào Tháo cũng không có cơ hội để chiêu mộ được danh tướng này. Đây thực sự là điều đáng tiếc cho Tào Tháo.
2. Hứa Chử: Mãnh tướng tuyệt đối trung thành
Hứa Chử rất được Tào Tháo tin tưởng.
Hứa Chử là một trong những công thần khai quốc của nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông nổi tiếng với sức khỏe phi thường và tinh thần gan dạ, dũng cảm, hết lòng vì chủ.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Hứa Chử còn được gọi là Hổ hầu. Ông là tướng hộ vệ được Tào Tháo rất tin tưởng, thậm chí giao cả tính mạng cho ông bảo vệ.
Hứa Chử được mô tả là một mãnh tướng tận tụy, hết lòng vì Tào Tháo. Ông từng hai lần cứu mạng vị quân chủ này. Lần đầu vào năm 200, tại trận Quan Độ, khi quân Tào đang giao chiến với quân của Viên Thiệu, hộ vệ tên là Từ Tha có âm mưu ám sát Tào Tháo. May nhờ có sự nhạy bén và có mặt kịp thời của Hứa Chử, nên Tào Tháo mới thoát khỏi tai họa này.
Lần thứ hai, năm 211, tại trận Đồng Quan, khi trốn chạy khỏi quân Tây Lương, Hứa Chử đã lấy thân mình che chở cho Tào Tháo thoát khỏi trận mưa tên đột kích của quân địch. Điều này giúp Tào Tháo thoát chết và qua sông an toàn.
Đến khi Tào Tháo qua đời, Hứa Chử khóc đến mức ói ra máu. Sau đó, ông tiếp tục phục vụ cho con trai của Tào Tháo là Tào Phi, một lòng trung thành với nhà Tào Ngụy.
1. Điển Vi: Vị tướng sẵn sàng bỏ mạng vì Tào Tháo
Điển Vi chính là võ tướng được Tào Tháo yêu mến nhất. Năm xưa, Tào Tháo mong có được Quan Vũ vì quý trọng sự trung nghĩa hiếm có của ông. Nhưng với Điển Vi, vị quân chủ này đánh giá cao về võ lực, ví ông như “cổ chi Ác Lai”, một mãnh tướng rất khỏe thời Trụ vương.
Điển Vi là võ tướng khiến Tào Tháo phải rơi lệ khóc thương.
Ban đầu, Điển Vi đầu quân cho Trương Mạo, sau mới theo Tào Tháo. Cũng như Hứa Chử, Điển Vi trở thành tướng hộ vệ và rất được Tào Tháo tin tưởng.
Năm 197, tại Uyển Thành, khi Trương Tú dấy binh làm phản, Điển Vi đã một mình chống lại phản quân, chặn giữ cửa trước để giúp Tào Tháo có thể chạy thoát lúc đêm tối. Nhưng do kẻ địch vây hãm quá đông nên Điển Vi cuối cùng tử trận.
Khi biết tin này, Tào Tháo đã thương khóc Điển Vi và cho người đi lấy thi thể của ông về để an táng ở Tương Ấp. Trong trận chiến này, Tào Tháo chịu thất bại nặng nề khi mất đi cả con trai trưởng, cháu trai và dũng tướng Điển Vi. Tuy nhiên, đối với ông, mất Điển Vi là tổn thất lớn nhất.
Điển Vi tử trận vì liều mạng cứu chủ khiến Tào Tháo vô cùng thương tiếc. Biết Điển Vi có một con trai tên là Điển Mãn, nên Tào Tháo đã đón về phủ nuôi dưỡng, còn phong cho Điển Mãn làm Lang Trung. Sau này, để tưởng nhớ đến Điển Vi, Tào Tháo phong cho Điển Mãn làm Tư Mã và cho theo hầu bên cạnh.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu