5 thói quen xấu khi rửa bát mà nhiều gia đình mắc phải có thể làm tăng vi khuẩn gây bệnh lên 70 lần
Ăn xong là phải rửa bát, việc rửa bát quen thuộc với chúng ta đến mức mà hầu như thành viên nào trong gia đình cũng biết làm. Tuy nhiên, bạn có chắc mình đang rửa bát đúng cách, không làm số lượng vi khuẩn gây bệnh tăng lên hay không?
Theo kênh tin tức CCTV Life Circle (Trung Quốc), trước đây, Viện Thiết bị Gia dụng nước này đã tiến hành thí nghiệm. Đầu tiên, những người thử nghiệm khử trùng bát đĩa của họ rồi sử dụng nó để đựng thức ăn. Bát đĩa sau đó được chia làm 2 nhóm, nhóm 1 sẽ được đặt riêng từng chiếc bát, chiếc đĩa trong chậu rửa (không xếp chồng), nhóm còn lại được xếp chồng lên nhau trông rất gọn gàng và đặt trong chậu rửa.
Sau 3 ngày, kết quả so sánh cho thấy tổng số khuẩn lạc trong bát đĩa thuộc nhóm 1 là 8000cfu/bộ (cfu là đơn vị hình thành khuẩn lạc), vẫn nằm trong mức tiêu chuẩn vệ sinh an toàn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ở nhóm thứ 2, con số này đã lên tới 560.000cfu/bộ, gấp 70 lần so với nhóm đầu tiên – vượt quá tiêu chuẩn an toàn vệ sinh cho phép.
Tuy nhiên, đây chỉ là 1 trong 5 thói quen xấu khi rửa bát khiến cho lượng vi khuẩn có hại tăng nhanh mà nhiều gia đình mắc phải. Cụ thể bao gồm:
1. Xếp chồng bát lên nhau sau khi ăn xong
Các món ăn nhiều dầu mỡ, bát đĩa đựng chúng được xếp chồng lên nhau sẽ chỉ gây ô nhiễm lẫn nhau và tăng gấp đôi khối lượng công việc chà rửa. Sau khi ăn xong, bạn nên phân loại món ăn và đĩa/bát đựng chúng, món nào không dính dầu nên được rửa trước, sau đó mới đến đĩa/bát có dầu.
Ngoài ra, bát/đĩa đựng thịt sống nên được rửa riêng với bát, đĩa đựng thức ăn chín, rau củ quả, khăn lau bát/đĩa cũng nên phân biệt rõ như vậy. Rửa bát/đĩa thức ăn chín trước, sau đó đến bát/đĩa đựng thịt sống.
2. Ngâm bát/đĩa với nước, rửa khi rảnh
Bộ đồ ăn và đũa phải được làm sạch trong vòng 4 giờ, đặc biệt là bát đựng cháo, nếu không được làm sạch ngay lập tức, chúng sẽ trở nên khó làm sạch sau khi để khô.
Nếu có thể làm sạch trước khi khô, có thể dễ dàng và nhanh chóng làm sạch bằng cách rửa nhẹ với nước.
Nếu không vệ sinh kịp thời và để trên 4 tiếng thì nên rửa thật sạch bát đĩa trước, nếu không yên tâm có thể dùng nước sôi 100 độ C để khử trùng bằng cách đun sôi chúng khoảng 5 đến 10 phút, có thể loại bỏ hầu hết các vi khuẩn.
3. Sử dụng chất tẩy rửa để làm sạch mọi thứ
Bát và đĩa cũng như cháo, đĩa nguội cần được rửa sạch bằng nước trước khi lau khô.
Trước đây, khi chưa có chất tẩy rửa, người ta thường rửa bát bằng nước nóng và nước vo gạo, vừa nhẹ nhàng lại thân thiện với môi trường. Nước nóng có thể làm giảm độ nhớt của dầu và dễ bị rửa trôi; tinh bột trong nước gạo có thể kết hợp với dầu để loại bỏ độ dính.
Ngoài ra, cho một ít baking soda (muối nở) vào nước rửa bát sẽ không làm bỏng tay mà còn rửa bát, đĩa rất sạch sẽ. Baking soda cũng làm sạch chất tích tụ trong phích. Hòa tan 50 gam baking soda vào một cốc nước nóng, sau đó đổ vào chai và lắc lên xuống để loại bỏ cặn bẩn.
4. Không pha loãng chất tẩy rửa trước khi rửa
Có người cho rằng “chất tẩy rửa đổ trực tiếp lên bát thì tác dụng tẩy dầu càng mạnh”, nhưng điều này không chỉ gây lãng phí nhiều nước (để rửa sạch) mà việc lạm dụng chất tẩy rửa còn gây hại cho cơ thể nếu ăn phải chúng. Một khi rửa không sạch, cơ thể con người ăn phải chất tẩy rửa sẽ gây khó chịu cho đường tiêu hóa như tiêu chảy.
Cách làm đúng là nhỏ vài giọt nước rửa vào nửa bát nước, dùng khăn rửa bát nhúng để pha loãng nước rửa bát rồi mới bắt đầu làm sạch bát đĩa.
5. Quên làm sạch đáy bát
Đáy bát là nơi thường xuyên bị mọi người bỏ quên khi rửa bát.
Khi rửa bát, một số người chỉ chú ý đến mặt trong chứ không để ý đến đáy bát, dẫn đến khi chồng bát thì đáy bát này đè lên bát kia, vi khuẩn bám vào đáy của bát này ”nhảy” sang lòng bát kia một cách dễ dàng. Do đó, muốn rửa chén thật sạch thì đừng bỏ qua từng chi tiết nhỏ.