Cá mập có 1 thứ "xử được" virus corona mà kháng thể của con người bất lực
Theo một nghiên cứu mới, loại protein giống như kháng thể (gọi là VNAR) được lấy từ hệ miễn dịch của cá mập có thể trung hòa các loại virus tương tự Covid. Đây được cho là phát hiện mới, có thể hỗ trợ quá trình phát triển phương pháp điều trị đối với các bệnh liên quan tới virus corona trong tương lai, RT đưa tin.
Được đăng tải hôm 16/12, nghiên cứu cho rằng VNAR của cá mập có thể trung hòa WIV1-CoV, một loại virus corona có khả năng truyền sang người. Chủng virus này hiện có ở loài dơi.
Mặc dù VNAR chưa thể được sử dụng ngay để điều trị cho bệnh nhân trong đại dịch Covid-19 hiện thời nhưng các nhà khoa học cho rằng, thông tin protein từ cá mập có thể trung hòa được virus corona sẽ giúp phát triển phương pháp điều trị và các loại thuốc phòng ngừa trong trường hợp đại dịch bùng phát trong tương lai.
“Vấn đề lớn nằm ở chỗ, có nhiều virus corona có khả năng lây truyền ở con người”, giáo sư bệnh lý học của Đại học Wisconsin-Madison Aaron LeBeau, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho hay.
Ông LeBeau cho biết thêm rằng việc phát triển phương pháp điều trị đối với các căn bệnh liên quan tới động vật trước khi bệnh truyền sang người có thể hữu hiệu.
“Chúng tôi đang chuẩn bị một loạt các phương pháp điều trị từ VNAR của cá mập, những phương pháp có thể được sử dụng trong trường hợp bùng dịch SARS trong tương lai. Việc này kiểu như một hình thức bảo hiểm cho tương lai”, ông LeBeau nói.
Với kích thước chỉ bằng 1/10 kháng thể của con người, VNAR của cá mập có thể gắn chặt vào các protein truyền nhiễm và khiến chúng ngừng lây lan.
“Những protein nhỏ nhoi giống như kháng thể có khả năng len lỏi vào các ngóc ngách mà kháng thể của con người không thể tiếp cận”, ông LeBeau nhấn mạnh rằng VNAR có thể “nhìn thấy” các cấu trúc mầm bệnh mà kháng thể con người không thấy.
Nghiên cứu của nhóm ông LeBeau không phải nghiên cứu đầu tiên lưu ý tới khả năng trung hòa virus corona của VNAR. Một nghiên cứu tại Anh hồi tháng 6/2021 đã viện dẫn các thí nghiệm trong ống nghiệm, cho thấy khả năng chống lại virus SARS-CoV-2 của VNAR.