Dung mạo Hòa Thân trong thực tế lịch sử khác xa ông chú trên phim, như thế nào mà được mệnh danh “đệ nhất mỹ nam nhà Thanh”?
Loạt phim Tể tướng Lưu Gù hay Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam có thể coi là kinh điển trong dòng phim cổ trang Trung Quốc vào thập niên trước. Trong đó, vai diễn Hòa Thân – nhân vật phản diện mưu mô, tham lam được thủ vai bởi diễn viên Vương Cương đã trở thành huyền thoại khắc sâu trong ký ức cả một thế hệ.
Hình ảnh Hòa Thân của Vương Cương là một ông chú già, có thân hình béo và nét mặt mưu mô, xảo trá. Trong lịch sử, Hòa Thân cũng là một tham quan bị phê phán không ít nên hình ảnh trong phim rất phù hợp với hình dung của đại chúng về một nhân vật như vậy.
Thế nhưng trong thực tế, các chuyên gia sử học cho biết một thông tin có thể khiến nhiều người bất ngờ, đó là xét về mặt ngoại hình, “kẻ tham ô nhất trong lịch sử Trung Quốc” lại là một mỹ nam, khác xa một trời một vực với ấn tượng Vương Cương mang lại.
Trong hàng loạt tài liệu sử sách nhà Thanh, Hòa Thân đều được ghi nhận là có vẻ ngoài ưa nhìn, dễ gây thiện cảm. Khi mới vào cung, ông bắt đầu từ chức thị vệ riêng cho Càn Long nhờ diện mạo khôi ngô và vóc dáng cao lớn. Viên quan tham nổi tiếng cũng được nhận định là người có duyên và giỏi lấy lòng phụ nữ. Hòa Thân thăng tiến trên con đường quan lộ phần nào cùng nhờ cuộc hôn nhân với Phùng Tế Văn, một tiểu thư “cành vàng lá ngọc” con gái quan Tổng đốc Phùng Anh Liêm. Khi kết hôn, Hòa Thân khi đó mới 18 tuổi, gia cảnh nghèo nàn, thi cử nhiều lần không đỗ, so với vợ thì hoàn toàn không môn đăng hộ đối. Vậy nên có không ít chuyên gia cho rằng nhờ vẻ ngoài tuấn tú và cái duyên của mình mà Hòa Thân mới có được cuộc hôn nhân này.
Năm 1793, Hòa Thân từng nhận nhiệm vụ tiếp đón đoàn sứ giả của nước Anh do George Macartney dẫn đầu. Trong cuốn hồi ký của mình, Macartney miêu tả lại Hòa Thân như sau: “Tướng mạo anh tuấn, trắng trẻo, cử chỉ khoáng đạt, lịch sự và luôn bình tĩnh, giao hòa với mọi người”. Còn theo Thanh sử cảo, Hoàng đế Gia Khánh từng nhận xét Hòa Thân là người “tuấn tú, nhanh nhẹn, tinh anh”.
Ngoài ra, còn có một hiểu nhầm thường thấy khác về Hòa Thân là ông kém vua Càn Long tới 40 tuổi. Thế nhưng trên màn ảnh, tuổi tác của hai nhân vật vua tôi này lại do những diễn viên không chênh lệch tuổi tác nhau là mấy đóng.
Trong các bức tranh chân dung do họa sĩ thời nhà Thanh vẽ, tham quan Hòa Thân có vóc dáng cao ráo, nước da trắng, gương mặt thanh tú và rõ ràng không hề giống với tạo hình quen thuộc của Vương Cương.
Không những vậy, vào năm 2018, một số chuyên gia còn phục chế hình ảnh Hòa Thân từ ảnh chân dung và cho ra kết quả cực kỳ ấn tượng. Hình ảnh 3D của nhân vật phản diện lẫy lừng này đẹp chẳng kém gì các “nam thần” thời nay. Vậy nên hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi có chuyên gia gọi Hòa Thân là “mỹ nam” nổi tiếng của thời đại nhà Thanh, thậm chí còn là một trong những nhan sắc nổi bật nhất.
Nguồn: Sohu