F0 khỏi bệnh, tại sao vẫn ho dai dẳng tưởng chừng "bay cả lồng ngực"?
Nhiều người bệnh sau khi âm tính với SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục ho, thậm chí dai dẳng và dữ dội hơn.
Bác sĩ Hoàng Sơn, thành viên nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà cho biết, nhiều người sau âm tính với SARS-CoV-2 vẫn ho dai dẳng. Một số nguyên nhân được bác sĩ Sơn đưa ra gồm do phản xạ tống xuất đào thải “xác” virus, niêm mạc đường hô hấp đã liền sau viêm nhưng hình thành “sẹo” vẫn dễ gây kích thích vào đầu mút dây thần kinh nên 1 kích thích nhỏ đã gây ra cơn ho, hoặc có thể do trào ngược dạ dày hậu quả của việc dùng thuốc trước đó gây tổn thương dạ dày.
Ngoài ra, nhiều F0 ho nhiều sau âm tính do tổn thương xơ của phế quản phổi hoặc các yếu tố tiền sử có hen suyễn.
Theo bác sĩ Sơn, hầu hết người bệnh ho sau khỏi Covid-19 không cần dùng thuốc, chỉ tập phục hồi chức năng với các bài tập làm tăng dung tích phổi hoặc dùng các thuốc ho thảo dược, các bài thuốc dân gian như ngậm chanh mật ong.
“Người bệnh nên đi khám khi có biểu hiện đau tức ngực, khó thở và chỉ số SpO2 thấp hơn bình thường (dưới 96%) hoặc ho kéo dài trên 3-4 tuần”, bác sĩ Sơn tư vấn.
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng nêu hướng xử trí đối với tình trạng ho kéo dài sau âm tính.
Ho khan:
– Nguyên nhân: vẫn còn virus chưa hết hẳn, ho do dị ứng, do khói thuốc, hóa chất, hoặc nhiễm virus đường hô hấp khác.
– Cách xử trí: dùng giảm ho bổ phế, thuốc chống dị ứng thế hệ cũ như alimemazine, diphenhydramin (Theralene hoặc Benadryl hoặc các loại có thành phần tương tự).
– Một số trường hợp là do trào ngược dạ dày thực quản, do khi bị Covid-19 dễ lo lắng, mất ngủ, suy nghĩ nhiều… có thể gây tăng tiết acid dạ dày, gây rối loạn co thắt dạ dày thực quản, cũng gây ho khan. Trường hợp này cần dùng kháng acid để trung hòa dịch vị dạ dày, thuốc an thần nhẹ để giảm lo lắng, căng thẳng.
Ho có đờm:
– Nguyên nhân: có thể do viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này phải thăm khám bác sĩ để dùng kháng sinh và long đờm (thường dùng loại ambroxol).
– Nếu ho do các bệnh phổi khác như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản,… người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để được xử lý triệt để.
Ho do nấm đường hô hấp:
– Việc dùng kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch… có thể khiến một số loại nấm phát triển dù bình thường không gây bệnh.
– Nếu dùng các biện pháp điều trị ở trên mà vẫn ho kéo dài thì cần nghĩ đến nhiễm nấm. Khi đó cũng phải có bác sĩ chuyên khoa thăm khám và sử dụng thuốc chống nấm (thường rất hại gan) để điều trị triệt để.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khuyến cáo, với những người ho kéo dài sau Covid-19 có thể xuất hiện khi cười, nói, hít không khí lạnh, hít phải mùi lạnh, nhiều khi khiến thức giấc ban đêm. Nhiều người bị ho sặc sụa, thường là ho khan, ít khi ho có đờm.
Để giảm cơn ho, người bệnh nên tập thở, hít vào thở ra bằng mũi cho đến khi hết ho, kết hợp uống từng ngụm nước ấm, ngậm kẹo, tránh để khô họng.