Jack Ma cũng không mua nổi ngôi nhà của Hòa Thân: Mọi ngóc ngách đều giấu bảo vật quý hiếm

1 tòa Cung Vương phủ, nửa bộ sử Thanh triều

Câu nói “Tỷ phú Jack Ma cũng không mua nổi 1 ngôi nhà của Hòa Thân” quả thực không hề quá khi muốn ví von về sự đắt giá của căn biệt phủ này. Đó chính là dinh thự của Hòa Thân, người được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất tham quan” nổi tiếng nhất của lịch sử Trung Quốc.

Căn dinh thự này nằm ở phía Tây Bắc Thập Sát Hải (tên gọi của chuỗi ao hồ trong nội thành Bắc Kinh, Trung Quốc). Vào năm Càn Long thứ 4, Hòa Thân khi đó đã tiêu tốn rất nhiều lượng bạc để mua 1 mảnh đất gần Tử Cấm Thành. Hòa Thân tiến hành xây 1 phủ đệ chạy dọc theo Tiền Hải và sau hông Hậu Hải và đặt tên là “Hòa đệ” (nghĩa là phủ nhà họ Hòa). Ông ta tin rằng khu đất này nằm trên long mạch của nhà Thanh và là nơi có phong thủy bảo địa.

Dinh thự của Hòa Thân được coi là một trong những ngôi nhà đắt giá nhất của Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Không hề ngoa khi nói rằng dinh thự của Hòa Thân nguy nga tráng lệ chỉ đứng sau cung điện của hoàng đế Càn Long. Theo sử sách chép lại, Hòa Thân đã đích thân quy hoạch và trang trí dinh thự này theo những tiêu chuẩn khắt khe của 1 cung điện. Các chuyên gia sử học nhận định chỉ 1 cây cột nhà trong phủ của Hòa Thân đã có giá tới 2,7 tỷ NDT (gần 9.500 tỷ VND).

Tổng diện tích của dinh thự này lên tới hơn 60.000 m2, trong đó phủ đệ chiếm tới hơn 30.000 m2, còn lại là khu vực hồ nước, hoa viên chiếm tới 28.000 m2. Toàn bộ tổng thể căn biệt phủ đều hàm chứa những tinh túy trong văn hóa của nhà Thanh. Vì thế mới có câu “1 tòa Cung Vương phủ, nửa bộ sử Thanh triều” nhằm nhấn mạnh giá trị văn hóa, lịch sử căn biệt phủ này.

Độ xa hoa của phủ đệ Hòa Thân chỉ đứng sau cung điện của hoàng đế. (Ảnh: Baidu)

Ngôi biệt phủ đắt giá nhất Trung Quốc này được bố trí theo kiểu “Tam lộ ngũ tiến” với kiến trúc vô cùng tinh xảo. Cung Vương phủ có 99 căn phòng với ý nghĩa “mãi mãi dư thừa”. Trên các bức tường của tòa nhà phía sau có tới 88 cửa sổ, mỗi 1 cửa sổ lại có một hoa văn khác nhau. Có giả thuyết nói rằng, Hòa Thân cố tình thiết kế cửa sổ như vậy để phân biệt vị trí đặt các căn phòng chứa bảo vật trong biệt phủ.

Không chỉ có các kiến trúc đặc biệt, trong cuốn sử Thanh triều ghi lại rằng trong phủ Hòa đệ có vô số bảo vật trấn trạch ở mọi ngóc ngách. Tiêu biểu nhất 9.999 hình con dơi mang ý nghĩa tốt lành, phú quý được trang trí dọc theo hành lang của biệt phủ. Bên dưới mỗi hình con dơi đều có 1 chữ “Phúc”. 9.999 chữ ẩn này kết hợp cùng với tấm bia đá chữ “Phúc” do đích thân Khang Hy ngự bút sẽ tạo thành “Vạn Phúc”. Vì ở thời xưa, chỉ có hoàng đế mới được sử dụng chữ “Vạn” nên Hòa Thân đã nghĩ ra cách sắp đặt này để không ai phát hiện ra âm mưu của mình.

Ngoài ra, Hòa Thân còn cho xây dựng 2 ngọn núi nhân tạo. Trong lòng mỗi ngọn núi, ông ta còn đặt 1 con tỳ hưu lớn bằng ngọc phỉ thúy xanh hiếm có mất tới hàng ngàn lạng vàng mới có được. Trong khi đó Càn Long chỉ có 1 con tỳ hưu nhỏ làm bằng bạch ngọc. Trên mỗi ngọn núi là một tòa lầu để ngắm trăng, đọc sách, ngâm thơ. Đường lên các tòa lầu là một hành lang với lối đi dốc nhưng không có bậc để biểu thị cho con đường thăng quan tiến chức của Hòa Thân mãi hanh thông.

Hòa Thân đã mô phỏng theo thiết kế của Viên Minh Viên, cung Ninh Thọ. (Ảnh: Baidu)

Vào thời đó, Viên Minh Viên được coi là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc với kỹ thuật xây dựng cực kỳ công phu. Hòa Thân đã cho sao chép lại thiết kế cửa ở Viên Minh Viên và cho sửa đi 1 chút để tránh những lời đồn đoán. 

Để chứng tỏ độ chịu chơi của mình, Hòa Thân đã cho xây 1 sân khấu riêng để nghe hát hí kịch trong phủ của mình. Sân khấu này được coi là độc nhất vô nhị ở kinh thành, thậm chí còn lớn hơn sân khấu trong Tử Cấm Thành rất nhiều. Qua độ hoàng tráng của Cung Vương Phủ, ta có thể thấy được phần nào sự giàu có của Hòa Thân quả thực không phải là lời đồn.

https://soha.vn/jack-ma-cung-khong-mua-noi-ngoi-nha-cua-hoa-than-moi-ngoc-ngach-deu-giau-bao-vat-quy-hiem-20211221214653945.htm