Lão nông vừa khoe mình phát hiện ra "cổ vật nghìn năm", cảnh sát liền ập đến phong tỏa
Mùa hè năm 2017, mưa lớn liên tục khiến cho đập bảo vệ hồ chứa ở thượng nguồn quê nhà bác Lý bị vỡ. Sau khi nước rút bớt, ở vùng đất trũng gần thôn đột nhiên xuất hiện 1 con suối. Hôm đó, bác Lý muốn chạy ra suối xem xem có con cá nào bị mắc kẹt ở đó không. Nào ngờ mò 1 lúc thì bác Lý đụng trúng một thứ gì đó màu đen đen ở trong nước.
Thứ mà bác Lý phát hiện ra là 1 khối gỗ lớn nhưng lại có màu đen xì. Nó đen tới nỗi trông giống với 1 cục than đá khổng lồ hơn. Bác Lý chạm vào thì thấy nó cứng vô cùng. Bác Lý chưa từng nhìn thấy thứ gì giống như vậy nên đã dùng đá cậy ra một vài miếng nhỏ đem về nhà cho mọi người xem.
Hàng xóm hay tin đều kéo tới xem, người thì đoán là đá, người thì cho là chúng chỉ là những cục than bình thường. Sau đó, bác Lý gọi cháu của mình, một sinh viên đang theo học tại Đại học Lâm nghiệp trên thành phố ra kiểm tra thứ mình nhặt được. Theo người cháu, thứ mà bác Lý tìm thấy chính là gỗ mun đen rất quý hiếm và có giá trị rất cao.
Bác Lý hay tin cảm thấy vô cùng mừng rỡ, ông nhanh chóng gọi con trai và một vài trai tráng khỏe mạnh trong làng tới tận nơi để chuyển nó về. Tin đồn lão Lý tìm thấy kho báu truyền tới tai nhiều người, dân làng chạy đến xem ngày càng đông.
Sau đó, bác Lý cùng đám trai làng xuống nước thì nhận ra khối gỗ này quá lớn. Họ thử đủ cách vẫn không thể di chuyển được nó. Một số người sốt ruột cũng nhảy vào giúp nhưng đều vô ích. Bác Lý quyết định gọi xe đến kéo. Nhưng xe còn chưa tới thì ai đó nhanh nhảu đã báo cho trưởng thôn và cảnh sát.
Cảnh sát và trưởng thôn nhận được tin báo đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Họ còn nhờ một nhóm chuyên gia tới kiểm định. Nhóm chuyên gia đã xác nhận đây thực chất là gỗ âm trầm quý giá cần được bảo vệ. Nhận thấy tình hình cấp bách, cảnh sát lập tức cho phong tỏa hiện trường.
Cuối cùng, xe tải, máy xúc, xe cẩu đều được huy động đến. Nhóm chuyên gia phải buộc 2 dây thừng lớn vào khối gỗ âm trầm mới nhấc nó lên khỏi mặt nước được. Sau khi lấy được khối gỗ âm trầm, chuyên gia mừng vui khôn xiết: “Một cổ vật được bảo quản tốt như vậy là rất hiếm. Tuổi đời của nó được tính bằng vạn năm trở lên. Nó phải được liệt vào hàng bảo vật quốc gia mới đúng.”
Sợ làm mẻ khối gỗ âm trầm, nhóm chuyên gia còn trải 1 lớp thảm đỏ lên xe tải để bọc nó. Sau nhiều giờ khai quật, hóa ra trong nước còn tới 3 khúc cây âm trầm khác. Khúc gỗ âm trầm đầu tiên họ tìm thấy có kích thước lớn nhất. Nó có chiều dài tới hơn 10m, đường kính 60cm. Ba khúc ngắn dài từ 2 đến 4m, đường kính từ 20 đến 60cm. Cuối cùng, bác Lý đã được nhà nước cấp bằng khen chứng nhận vì phát hiện này của mình.
Gỗ âm trầm hay còn được gọi là gỗ cổ trầm, là loại gỗ đã ngâm mình trong nước suốt từ thời cổ đại. Nó được biết đến như là “Đông Phương Thần Mộc”. Vào thời điểm 2.000 đến 10.000 năm trước đây, do sự biến đổi của thiên nhiên như sạt lở, lũ quét, động đất…những khu rừng nguyên thủy của gỗ âm trầm bị chôn vùi dưới lòng đất, lòng sông hồ, dưới đáy biển.
Theo thời gian những phần cây bị chôn vùi dưới điều kiện thiếu oxy, chúng bị thay đổi các tính chất vật lý ban đầu. Một số bị phân hủy trong nước, một số theo dòng chảy tự nhiên thì kết lại thành những trầm tích. Từ đó nó trở thành nguồn tài nguyên khan hiếm không thể tái chế nên có giá trị vô cùng lớn.