Phổi là "màng lọc bụi bẩn" cho cơ thể: 5 món giúp phổi tự chữa lành vết thương và phục hồi cực nhanh, rất cần thiết trong thời điểm dịch bệnh
Những món này cực kỳ rẻ tiền, ngoài chợ bán đầy nhưng lợi ích với phổi lại vô vàn, giúp phổi nhanh chóng phục hồi sau tổn thương.
Khoa học ngày càng phát triển kéo theo nhiều hệ lụy đằng sau, một trong số đó là việc môi trường đang phải đối mặt với sự ô nhiễm nặng nề. Với những người sống ở thành phố lớn, việc phải hít lượng lớn khói bụi hàng ngày là điều khó tránh khỏi. Về lâu dài sẽ tổn thương chức năng phổi, tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp lên nhiều lần. Hơn nữa, trong thời điểm dịch bệnh, sức khỏe của phổi lại càng cần được quan tâm hơn bao giờ hết.
Ngoài việc cải thiện môi trường xung quanh, bạn hãy tích cực sử dụng 5 món ăn sau đây để cải thiện sức khỏe phổi.
5 thực phẩm tốt cho phổi, giúp lọc sạch bụi bẩn tồn đọng
1. Táo
Cứ nhắc đến táo thì ai cũng nhớ tới câu “ăn 1 quả táo mỗi ngày giúp bạn tránh xa bác sĩ” nổi tiếng. Quả đúng như vậy, táo sở hữu nhiều loại vitamin và chất chống oxy hóa tuyệt vời, đặc biệt là vitamin C nâng cao hệ miễn dịch và giúp hệ hô hấp khỏe mạnh. Ngoài ra, chất quercetin đặc trưng của táo sẽ bảo vệ phổi khỏi các chất ô nhiễm ngoài môi trường.
Theo khảo sát từ chuyên trang sức khỏe Healthline, những người ăn táo thường xuyên sẽ giảm nguy cơ suy giảm chức năng phổi chậm hơn. Bên cạnh đó, việc ăn 5 quả táo mỗi tuần có thể nâng cao sức khỏe phổi và giảm nguy cơ mắc hen suyễn, đặc biệt là ngừa ung thư phổi hiệu quả.
2. Trà xanh
Không chỉ giúp trẻ lâu mà trà xanh cũng có công dụng tuyệt vời với phổi. Cụ thể, loại nước này chứa nhiều chất chống oxy hóa và epigallocatechin gallate (EGCG), có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư phổi. Thêm vào đó, trà xanh còn chứa theophylline làm giãn phế quản để cải thiện chức năng đường thở, giảm bớt chứng khó thở.
Chất EGCG còn giúp phổi tự phục hồi, bằng cách ức chế sự xơ hóa hoặc sẹo trong các mô phổi. Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng, uống trà xanh đều đặn sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Mỗi ngày nên duy trì uống 1-2 tách trà xanh, nên uống vào buổi sáng để đầu óc minh mẫn hơn.
3. Chuối
Theo Lisa Richard – chuyên gia dinh dưỡng kiêm tác giả của nhiều đầu sách sức khỏe nổi tiếng, kali trong chuối có thể giúp phổi co lại và giãn ra, ngăn ngừa các vấn đề về hô hấp. Loại quả này cũng bảo toàn chức năng phổi và làm giảm nguy cơ thở khò khè do hen suyễn ở trẻ nhỏ.
Để đạt hiệu quả tối đa khi ăn chuối, bạn hãy ăn vào bữa sáng hoặc ăn sau bữa cơm 1-2 tiếng để thúc đẩy hệ tiêu hóa. Có thể ăn chuối cùng sữa chua hay mật ong để làm giảm tính axit và kích thích hormone melatonin giúp ngủ ngon hơn. Mỗi ngày ăn điều độ 1-2 quả, phổi sẽ rất “biết ơn” bạn đấy.
4. Cà chua
Ít ai biết cà chua cũng là một thực phẩm tốt cho phổi. Chúng sở hữu lượng lớn lycopene – một hợp chất tạo màu đỏ tươi cho cà chua, giúp phổi chống viêm cũng như giảm bớt triệu chứng của bệnh hen suyễn. Lycopene cũng giúp loại bỏ chất nhầy trong đường hô hấp, giúp bạn thở thoải mái hơn.
Có một nghiên cứu vào năm 2019 trên 105 bệnh nhân hen suyễn cho thấy, ăn nhiều cà chua thực sự có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc loại bệnh này. Cà chua cũng nâng cao chức năng phổi, kể cả khi lớn tuổi cũng giúp phổi hoạt động trơn tru.
5. Sữa chua
Có lẽ gia đình nào cũng mua nhiều sữa chua để ăn hàng ngày. Nhưng ít ai biết, ngoài tác dụng nâng cao hệ tiêu hóa thì sữa chua cũng cải thiện chức năng phổi hiệu quả. Chúng rất giàu canxi, kali và photpho giúp tăng cường sức khỏe phổi và bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Theo một báo cáo từ Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ trên 1,4 triệu người, ăn sữa chua có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi đến 33% so với những người không ăn. Tuy nhiên bạn nên ăn sữa chua ở nhiệt độ bình thường, tránh ăn đông lạnh vì sẽ gây kích thích khí quản, gây ho và tạo đờm.
Ngoài ăn uống, làm sao để phổi khỏe mạnh hơn?
– Tránh xa khói bụi ô nhiễm hết sức có thể, không hút thuốc hoặc đứng gần khu vực có khói thuốc.
– Tập thể dục thường xuyên, tập hít thở sâu vào bất cứ thời điểm nào trong ngày để không khí tràn vào phổi, giúp phổi nhận oxy và thải bỏ CO2 hiệu quả hơn.
– Hãy tập thể dục cho riêng lá phổi bằng cách: Hít vào bằng bụng, hạn chế hít bằng ngực, sau đó thở ra hết sức để đẩy luồng khí cặn trong phổi.
– Nên chạy bộ hàng ngày để vừa giảm cân mà còn cải thiện chức năng phổi, giúp phổi bơm oxy vào tốt hơn.
– Không nên ngồi sai tư thế (ngồi méo mó, không thẳng lưng, lưng cong…) vì sẽ chèn ép phổi không mở rộng đúng mức. Vậy nên hãy tự chỉnh lại tư thế khi ngồi học và làm việc để bảo vệ sức khỏe phổi.