Quên chó đi, trong tương lai bạn có thể được giải cứu bởi chuột khổng lồ đấy

Khi nói đến những động vật làm nhiệm vụ cứu hộ, có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến những chú chó, nhưng một tổ chức phi lợi nhuận của Bỉ có trụ sở tại Tanzania muốn thay đổi hình tượng của bạn về động vật cứu hộ, thay vì chó, hãy nghĩ đến những con chuột, cụ thể là chuột túi khổng lồ châu Phi, hay còn gọi là chuột túi Gambia.

Chuột có túi Gambia là chuột lớn nhất trong tự nhiên từng được biết tới. Loài chuột này hoạt động về đêm, có thể dài tới 92 cm (cả đuôi) và nặng hơn 4 kg, tương đương với một con mèo nhà, một số con có chiếc răng cửa dài gần 3 cm. Chúng có thể sinh sản rất nhanh (khoảng 50 con/năm) và chuột con có thể sinh đẻ ngay khi chúng được 5 tháng tuổi. Sau khi đẻ con, chuột Gambia chỉ phải đợi 9 tháng để tiếp tục đẻ. Chúng nuôi sáu con nhỏ cùng lúc. Loài chuột này ăn tạp, cả thực và động vật.

Donna Kean và các đồng nghiệp của cô tại APOPO, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên huấn luyện chuột để làm các nhiệm vụ có thể cứu mạng con người, đã dành 2 thập kỷ qua để dạy loài động vật này đánh hơi phát hiện bệnh lao và tìm kiếm bom mìn dưới đất. Bây giờ, chúng đang được huấn luyện để chuyển sang tìm kiếm và cứu hộ.

Kean cho biết, những con chuột có khứu giác tương đương chó, chúng có thể được huấn luyện và không bị ràng buộc với chỉ một người huấn luyện, đó là những ưu điểm bạn thấy ở những chú chó cứu hộ.

Thân hình thon gọn của chúng rất hữu ích vì chúng có thể vào những khu vực nhiều đá và mảnh vụn dày đặc mà loài chó không thể làm được. Tuổi thọ của những con chuột trong điều kiện nuôi nhốt là khoảng 8 năm, một số con chuột đã sống tới 10 đến 11 năm sau khi nghỉ hưu.

APOPO đã huấn luyện chuột trong 20 năm qua với nhiệm vụ phát hiện bom mìn. Với nhiệm vụ cứu hộ mới này, đầu tiên, chúng sẽ được huấn luyện trở về điểm xuất phát khi nghe tiếng bíp, chúng sẽ được thưởng thức ăn ngon lành khi làm như vậy.

RescueRATs

Sau đó, huấn luyện lũ chuột kéo một nút nhỏ trên ba lô mà chúng đeo trên người. Nút này được gắn với một công tắc siêu nhỏ, phát ra tiếng bíp. Điều này sẽ cung cấp tín hiệu cho những người cứu hộ. Khi chúng đã làm điều đó một cách đáng tin cậy, huấn luyện viên sẽ bắt đầu giới thiệu mục tiêu con người. Mục đích là để con chuột đi tới chỗ nạn nhân giả này, kéo nút, quay trở lại nơi chúng được thả khi chúng nghe thấy tiếng bíp.

Trung bình, những con chuột mất 14 buổi học để có thể quay trở lại điểm ban đầu một cách đáng tin cậy trong vòng 3 giây (giai đoạn một) và 10 buổi học để kéo nút trong 3 giây (giai đoạn hai). Những con chuột thành thạo nhất có thể thực hiện trình tự hành vi cơ bản một cách đáng tin cậy (đi tới chỗ nạn nhân, kéo nút và quay trở lại điểm cơ bản) trong vòng bảy buổi học. Cho đến nay, tất cả chín con chuột đã thành thạo giai đoạn một và hai; sáu đã học được toàn bộ trình tự một cách đáng tin cậy.

Đối với tìm kiếm và cứu hộ, loài chó không thể đi qua mảnh vỡ, chúng chỉ đánh hơi xung quanh bên ngoài. Vì vậy, chuột sẽ được triển khai sau khi các đội tìm kiếm và chó đã tìm đến được địa điểm có người bị nạn nằm trong vùng đổ nát.

Có thể sẽ có vấn đề với một số người sợ chuột, nhưng bất cứ nơi nào chúng được giới thiệu và sử dụng cho mục đích này, đều sẽ có các chiến dịch tiếp thị để mọi người biết đến. Những con chuột cũng sẽ đeo ba lô và sẽ có micrô, đèn và camera. Có thể có âm thanh phát ra từ ba lô nói, “Tôi là một chuột cứu hộ, tôi ở đây để giúp bạn”.

Tuy nhiên, loài chuột này cũng cần phải được quản lý cẩn thận. Chuột túi Gambia đã bị cấm nhập khẩu vào Mỹ kể từ năm 2003 khi chúng được cho là nguyên nhân gây ra dịch bệnh ảnh hưởng tới 100 người. Chúng đang sinh sản nhanh trên quần đảo Florida Keys bất chấp nỗ lực xóa sổ chúng. Ngoài ra, chúng cũng là thủ phạm gây ra cái chết thương tâm cho 2 em bé ở hai thị trấn của Nam Phi vào khoảng tháng 5/2011. Tháng 4/2011, cụ bà 77 tuổi, Nomathemba Joyi cũng đã chết sau khi những con chuột khổng lồ gặm mất một nửa khuôn mặt phải.

Tham khảo: Science