Sao Giáng sinh xuất hiện 80.000 năm một lần
Do sự tiếp cận diễn ra ngay trước đêm Giáng sinh, Leonard còn được đặt biệt danh là “sao Giáng sinh“. Trong đêm 23-12, sao chổi có thể được nhìn thấy trực tiếp bằng mắt thường bên dưới sao Kim sau khi Mặt trời lặn ở khu vực Tây bán cầu, trước khi di chuyển về hướng trái của sao Kim vào đêm Giáng sinh.
Tất cả các sao chổi đi vào hệ Mặt trời và sáng lên khi chúng quay xung quanh Mặt trời – một điểm cận nhật. Sau đó, chúng phân mảnh khi nóng lên, sẵn sàng cho một quỹ đạo khác trong hàng chục ngàn năm nữa.
Theo các nhà khoa học, nếu muốn quan sát sao chổi, nên tránh mọi nguồn sáng gây nhiễu. Sao chổi xuất hiện dưới dạng một điểm màu xanh nhạt. Qua kính viễn vọng, nó thực sự ấn tượng với một chiếc đuôi mỏng manh (ảnh).
Những người yêu thích thiên văn tận dụng cơ hội này để thưởng lãm hiện tượng nhiều thế hệ mới xuất hiện một lần. Theo tính toán, sao chổi Leonard sẽ không quay lại Trái đất trong 80.000 năm nữa.
Sao chổi Leonard bắt đầu chu du đến hệ Mặt trời cách đây 35.000 năm, ở khoảng cách 523 tỷ kilômét so với Mặt trời của chúng ta, theo Space.com.
Sau khi sao chổi Leonard biến mất trên bầu trời đêm của địa cầu, vẫn chưa rõ đến khi nào một sao chổi khác có thể xuất hiện và tỏa sáng đến mức cho phép con người nhìn thấy bằng mắt thường.