Tháng Chạp cuối năm đừng quên 3 lễ cúng quan trọng kẻo thần phật trách phạt
Trong tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) có 3 lễ cúng quan trọng đối với người Việt, đó là lễ cúng rằm tháng Chạp, cúng ông Công ông Táo, cúng Tất niên.
Cúng Rằm tháng Chạp
Trong tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) có 3 lễ cúng quan trọng đối với người Việt, đó là lễ cúng rằm tháng Chạp, cúng ông Công ông Táo, cúng Tất niên. Như vậy, rằm tháng Chạp được coi như là sự mở đầu của mùa Tết Nguyên đán. Vì thế, mọi gia đình đều có ý thức chuẩn bị tươm tất, kỹ càng cho mâm cỗ và nghi lễ cúng cẩn thận hơn những ngày rằm bình thường.
Truyền thống của người Việt Nam thường cúng rằm tháng Chạp đúng ngày. Rằm tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Hai ngày 17/1/2022. Các gia đình có thể chuẩn bị sẵn lễ cúng vào dịp cuối tuần để thứ Hai thực hiện.
Tuy nhiên, những gia đình mà mọi người đều bận rộn công việc, không thể thu xếp thời gian để cúng đúng ngày thì vẫn có thể thực hiện vào ngày 14, tức Chủ nhật. Vào ngày cuối tuần thong thả, việc chuẩn bị đồ lễ, mâm cỗ cũng như thực hiện các nghi thức cúng cũng dễ tươm tất, cẩn thận hơn.
Nhiều người tin rằng, lễ cúng rằm tháng Chạp không nên diễn ra quá sớm, tốt nhất là đúng rằm hoặc trước một ngày.
Lễ cúng rằm tháng Chạp đầy đủ nhất thường có các lễ vật sau: Hương, hoa tươi, hoa quả tươi, trầu cau, nước sạch, nến. Ngoài lễ chay như trên thì cũng có thể cúng thêm lễ mặn vào ngày này gồm: Xôi (hoặc bánh chưng), thịt gà luộc, khoanh giò/chả, các món mặn khác như canh, đồ xào…
Với lễ cúng mặn, gia đình nào muốn bày biện tươm tất hơn thì có thể chuẩn bị các món ăn truyền thống như xôi gấc tượng trưng cho sự may mắn, gà luộc đại diện cho sự sung túc, giò/chả, nem rán, các món xào, món canh măng miến hoặc có thể thêm bánh chưng (hương vị đặc trưng của ngày Tết).
Lễ cúng rằm tháng Chạp không cần quá cầu kỳ nhưng gia chủ phải thành tâm, thành ý thì mới được. Cúng rằm tháng Chạp là nghi lễ tâm linh tưởng nhớ, thức tỉnh và gửi gắm nhiều hy vọng. Trong lễ cúng này, các gia chủ chủ yếu cầu khấn về sức khỏe, may mắn, bình an cho cả gia đình.
Lễ cúng ông Công, ông Táo
TS Vũ Thế Khanh – Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết, lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân đặt ở phòng bếp thì thắp hương ở ban thờ này. Nếu không có, gia đình thắp hương ở ban thờ gia tiên.
Những đồ lễ mà các gia đình đều sắm cho ông Công, ông Táo là mũ, hia, tiền vàng…và không quên 3 con cá chép. “Tuy nhiên, sắm lễ ra sao quan trọng nhất vẫn là thành kính, không phải làm cho có lệ. Không phải cứ lễ to theo kiểu chơi trội là mang lại phúc đức, may mắn cho mình. Lòng thành là quan trọng nhất. Xưa các cụ vẫn có câu “lòng thành thắp một nén nhang” – TS Vũ Thế Khanh cho hay.
Sau khi bày biện đồ lễ, gia chủ thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn thì lễ tạ. Xong xuôi các công đoạn đó, đồ vàng mã được đem đốt, cá chép được thả ra ao, hồ… để cá chở ông Táo lên chầu trời. Mọi gia đình cũng bắt đầu từ sau ngày cúng ông Công ông Táo là dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, trang trí Tết.
Lễ cúng Tất Niên
Lễ cúng Tất niên thường được tổ chức vào chiều 30 Tết như để kết thúc một năm, chuẩn bị đón chào những ngày năm mới. Tuy nhiên, với cuộc sống tất bật hiện nay, nhiều gia đình vì điều kiện mà thường tổ chức trước đó một hai ngày.
Mâm cơm cúng Tất niên thường được các gia đình làm rất thịnh soạn. Gia chủ sẽ mời ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết cùng với con cháu. Tùy theo mỗi vùng miền mà mâm cơm cúng Tất niên cũng có những đặc trưng riêng. Chẳng hạn, ở miền Bắc hay có bánh trưng, giò, canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, giò xào…; miền Trung hay có bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm…; miền Nam hay có canh măng, gỏi tôm thịt, thịt kho tàu… Ngoài ra, lễ cúng còn có mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, trầu cau, rượu, trà, đèn nến…
Tục xưa vẫn rất coi trọng bữa cơm tất niên chiều 30 Tết. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ và nếu gia đình nào càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó “phúc lộc đề đa”.
Ngoài ý nghĩa gia đình đoàn tụ sum vầy, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ và mời ông Công Ông Táo trở lại trần gian để tiếp tục công việc của mình là coi sóc bếp lửa cho các gia đình nơi trần thế. Sau bữa cơm tất niên, các thành viên trong gia đình chuẩn bị làm lễ cúng giao thừa đón chào một năm mới.