Thanh Thúy: "Tôi chạy chữa đủ đường vì con 3 tuổi chỉ biết nói vài từ"
Nữ diễn viên Thanh Thúy tiết lộ cô từng rơi vào trầm cảm nhiều lần sau khi sinh con. Nhưng việc làm cô đau đầu và trầm cảm nặng nề nhất chính là bé trai thứ 2 chưa chịu nói chuyện dù đã được 3 tuổi.
Vào năm 2009, cuộc hôn nhân của diễn viên Thanh Thúy và đạo diễn Đức Thịnh có “trái ngọt” đầu tiên là một bé trai, đặt tên Thiên Phúc. Trải qua 14 năm mặn nồng bên nhau, đến đầu năm 2019, Thanh Thúy hạ sinh bé trai thứ 2 tên Thiên Phú vô cùng kháu khỉnh và dễ thương. Quá trình sinh nở và chăm sóc con nhỏ đầy vất vả từng nhiều lần khiến Thanh Thúy áp lực và rơi vào trầm cảm. Nhưng điều làm cô căng thẳng và lo lắng nhất là việc cậu con trai út vẫn chưa chịu nói chuyện dù đã được 3 tuổi, mặc hai vợ chồng đã làm hết mọi cách chỉ được nghe bé bập bẹ một chữ… “Cha!”.
“Sao dạy con” đã liên lạc Thanh Thúy để cùng nghe cô chia sẻ về những bí quyết chăm con. Qua đây, những khó khăn mà vợ chồng nữ diễn viên phải đối mặt trong quá trình nuôi dạy con trai út cũng lần đầu được hé lộ.
Chào chị Thanh Thúy! gần đây “mái ấm nhỏ” của chị được khá nhiều khán giả quan tâm qua chương trình thực tế chăm con. Cảm giác chị ra sao?
Một chữ thôi!… “Vui” (cười). Thật ra, bản thân Thúy đang rất cố gắng làm sao bên cạnh việc hoạt động kinh doanh và các dự án phim nghệ thuật tốt, khi về nhà cũng phải là một người mẹ dạy con và quán xuyến gia đình thật tốt trong khả năng mình. Thuý cảm thấy vui vì các khán giả ủng hộ cho gia đình Thanh Thúy – Đức Thịnh. Đó là một động lực cũng như trách nhiệm để mình tu dưỡng mỗi ngày phát triển hơn, sản xuất nhiều Vblog với các hoạt động bổ ích và ý nghĩa về gia đình, mang lại cảm giác ấm áp, hạnh phúc cho người xem. Từ đó, có thể truyền được cảm hứng cho những bạn trẻ đang chuẩn bị xây tổ ấm hạnh phúc cho mình trong tương lai.
Trong chương trình, anh Đức Thịnh rất xúc động khi bé Tết nhà chị lần đầu tiên nói tiếng “Ba”. Trong khi đó, chị là người luôn tìm cách dạy bé nói trong các Vblog đăng tải trên kênh cá nhân nhưng đành “bó tay”. Chị có cảm thấy ghen tị với ông xã mình không?
Thúy còn nhớ là sau đêm đó, anh Thịnh gọi điện thoại kể lại mà cứ nghĩ là anh ấy nói xạo (cười). Đến khi phát sóng tập đó, Thúy mới bị sốc thật sự luôn xen lẫn những cảm xúc khó nói lắm chứ không có ghen tị với ông xã (cười). Mình nghĩ không biết có phải là người ta hay gọi trẻ bị “khủng hoảng tuổi lên 3” không? Hiện giờ, ở nhà bé cũng chậm nói lắm, mình kêu “Ạ!” thì chỉ khoanh tay gật đầu hoặc vẫn chỉ chịu nói 1 chữ “Cha!” thôi, nhất quyết không gọi “Mẹ!”
Có nhiều bé khoảng 1 tuổi đã có thể nói bập bẹ khá sớm, riêng “cậu 3” Phú đã 3 tuổi, nhưng lại chưa nói nhiều. Chị có khá vất vả trong việc này không?
Mỗi giai đoạn đều có khó khăn vất vả khác nhau, các bậc cha mẹ đều phải luôn học mỗi ngày nâng cấp bản thân trong việc chăm con nhỏ. Thúy cũng phải tự trau dồi mọi thứ để làm mẹ, có những lúc mình khá lo lắng bởi vì không biết cách xử lý làm sao cho con tốt nhất. Có một lần bé Phú bỏ ăn tới 3 ngày liền, chỉ uống sữa và uống nước dù bé vẫn sinh hoạt vui vẻ, khiến mình rất hoang mang và lo lắng. Rồi Thúy bình tĩnh tìm ra được nguyên nhân và khắc phục nó, thông qua đọc sách báo mạng và học những kinh nghiệm chia sẻ của người đi trước.
Theo chị, nguyên nhân vấn đề con bị chậm nói là gì? Và có đi đưa bé đến bác sĩ để giúp con tốt hơn không?
Từ lúc sinh con đầu tiên tới bé thứ 2, Thúy áp lực khá nhiều, nhưng với “cậu 3” út này là giai đoạn trầm cảm nặng nhất. Thúy có hỏi rất nhiều bạn bè xung quanh nguyên nhân của con mình để nhờ họ chia sẻ kinh nghiệm, rồi dẫn bé đi bác sĩ khắp nơi. Từ bệnh viện Nhi đồng tới trung tâm bác sĩ tâm lý, đều khuyên cứ bình tĩnh không nóng vội, hạn chế con xem tivi, dẫn con đi dạo chơi và tương tác nhiều hơn với bé. Thúy đều làm hết nhưng rồi bé vẫn chưa khá lên nhiều, hi vọng thời gian sau, bé sẽ có những thay đổi tốt hơn, đó là điều mình mừng nhất (cười).
Anh Thịnh và bé Phúc đồng hành cùng chị thế nào để vượt qua giai đoạn đó?
Trước tiên là bé Phúc lớn và hiểu chuyện, nên khi thấy em trai chậm nói, anh hai luôn rất biết tương tác và chơi đùa cùng em. Riêng anh Thịnh khi đi làm về, đều giúp đỡ Thúy trong việc chăm con để đỡ một phần cho vợ. Mặc dù rơi vào trầm cảm nhưng có ông xã bên cạnh an ủi cũng là động lực cho Thúy vượt qua giai đoạn đó một cách nhanh nhất.
Nhìn lại lần đầu làm mẹ, có những khó khăn gì khiến chị vẫn ấn tượng không?
Thúy là người luôn rất hay quan sát trong việc chăm sóc con, khó khăn thì chắc kể không biết bao nhiêu trường hợp (cười). Nhưng có lần bác sĩ chẩn đoán bé Phúc có khả năng bị vẹo cột sống do đi học ngồi sai tư thế. Bạn biết không? Đó là đứa con đầu lòng của mình sinh ra, tự tay chăm biết bao nhiêu vất vả, nghe được bác sĩ nói khiến tâm lý làm mẹ ai cũng hoang mang lo lắng. May mắn phát hiện sớm và kịp thời nên bé không sao. Nay bé Phúc đã lên lớp 8 khá điển trai và cao to khoẻ mạnh.
Chị từng chia sẻ rằng việc mang thai và chăm sóc bé thứ 2 vất vả hơn vì phải học lại mọi thứ từ đầu. Sau quá trình đó, chị có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ cho các chị em phụ nữ làm mẹ ở độ tuổi U40 hay không?
Nếu chị em phụ nữ xác định chuẩn bị làm mẹ, thì chúng ta phải dành thời gian cho con ít nhất 3 năm đầu đời, bởi vì não trẻ sẽ phát triển mạnh nhất trong giai đoạn đó. Bé sẽ hình thành tư duy trí não nhanh hay chậm so với các bé khác là ở thời điểm này, qua việc tiếp xúc với những thứ xung quanh. Thời buổi bây giờ, các mẹ bỉm sữa có thể chọn cho mình công việc phù hợp tại nhà để có thể vừa kiếm thu nhập, vừa bên cạnh chăm con. Trường hợp phải buộc đi làm thì bạn nên đợi bé 18 tháng là có thể gửi nhà trẻ, cố gắng tranh thủ đi làm về trước 4h chiều để đón và chơi với con buổi tối. Khi bé khoảng 4 tuổi thì chúng ta có thể quay trở lại công việc như trước cũng chưa muộn.
Người ta thường nói rằng nuôi con trai khó hơn nuôi con gái. Chị suy nghĩ gì về điều này?
Thật ra không có trường lớp nào dạy đào tạo người lớn làm cha mẹ, mà chính con của mình mới là dạy cha mẹ trưởng thành hơn từng ngày trong việc chăm con. Việc nuôi con trai hay con gái thì đều vất vả như nhau, chúng đều là con của mình. Bạn chỉ cần nghĩ đơn giản, thoải mái thì mỗi ngày nuôi con là một niềm vui, là niềm hạnh phúc trong cuộc sống gia đình không phải ai muốn có đều được đâu (cười).
Hai bé đang trong độ tuổi phát triển khác nhau, việc chị chọn những loại thức ăn cho bé làm sao để an toàn mà vẫn phát triển tốt?
Hầu như các trẻ em đều thích các loại bánh kẹo, kem, nước ngọt… Các loại thực phẩm này đều chứa hàm lượng đường khá cao sẽ khiến bé dễ bị sâu răng và tăng cân rất nhanh. Thúy hay lựa chọn thức ăn có ít tinh bột, tập cho con mình ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước lọc, trái cây tươi ép…. Lâu lâu thì cho con ăn “thả ga” một bữa như gà rán, khoai tây chiên (cười), đừng chiều con quá sẽ khó kiểm soát được cân nặng của trẻ.
Việc thúc ép con luôn phải học ngày đêm để có thật nhiều kiến thức, khiến con dễ có những hành động dại dột, thiếu suy nghĩ. Nhiều gia đình khi nhận ra hối hận cũng đã muộn, chị nghĩ sao về điều này?
Mỗi người chúng ta, không ai thích bị ép buộc phải làm bởi một điều gì dù người lớn hay là trẻ con. Cá nhân của Thúy và anh Thịnh cũng chỉ đưa ra định hướng cho con học tập. Thúy lập ra trường đào tạo nghệ thuật dành cho các bé thiếu nhi, một phần là ước mơ của mình từ nhỏ, một phần mở trường cũng là “chiêu” để hai vợ chồng dụ bé có thể tiếp xúc trong môi trường đó sớm để sau này theo nghề của bố mẹ. Nhiều khi anh Thịnh còn nói: “Con học đàn guitar đi, khi đàn hay sẽ có nhiều bạn gái thích con hơn” (cười). Tuy nhiên, nếu bé đã nói không thích thì ta không nên bắt con phải làm. Hãy để chúng phát triển tự nhiên theo bản năng mà chúng có được, bạn càng làm điều ngược lại như la rày hay phạt…, thì có thể sẽ xảy ra những hệ luỵ sai lầm không đáng có, hãy hiểu và yêu thương con mình nhiều hơn nhé!
Bé Phúc đang ở độ tuổi dậy thì, bé có hay tâm sự những vấn đề xung quanh cùng anh chị không? Cách chia sẻ của chị với bé như thế nào?
Thúy luôn chủ động chia sẻ tâm sự với bé Phúc từ khi còn nhỏ. Có năm Phúc chỉ mới khoảng 7 tuổi, mình đã dẫn bé ra công viên ngồi nói chuyện tạo cảm giác cho con xem mình như là người bạn thân, một người có thể tin tưởng nhất trong cuộc sống này. Con cũng hiểu và rất hay kể với mẹ về bạn bè, tình hình trong lớp học…. Giờ bé Phúc cũng 13 tuổi, ở độ tuổi đang phát triển về thể chất lẫn cả về mặt tâm sinh lý, cũng khiến bé ít cởi mở hơn, nhiều khi Thúy hỏi gì cũng chỉ trả lời cho qua chuyện.
Cách tốt nhất, cha mẹ nên lựa chọn thời điểm hợp lý để tâm sự với con, hãy đừng quá nghiêm túc trong cách chia sẻ sẽ khiến bé thêm áp lực, ta nên đưa những trường hợp và phân tích để cho con thấy được mặt đúng sai ở điều con đang thắc mắc. Từ đó, trẻ sẽ thấy được những lợi ích hoặc tiêu cực để phòng tránh cho bản thân mình.
Thanh Thuý hướng dẫn bài tập thể dục giúp mẹ bầu khỏe mạnh
Bây giờ vài tình huống “Sao dạy con” dành cho chị nhé! Một ngày bé Phúc bảo với mẹ “con có bạn gái”, chị sẽ phản ứng gì?
Nếu bé Phúc đang còn trong tuổi đi học chưa qua 18 tuổi, Thúy sẽ luôn làm công tác tư tưởng cho con về việc yêu đương sớm như: “Mẹ không thích nhưng không cấm con chuyện yêu một bạn gái. Tụi con có yêu nhưng phải làm sao để tình yêu được thăng hoa nhất, giúp cả hai cùng nhau tiến bộ trong học hành, chứ đừng “lao đầu” vào yêu rồi bỏ bê việc học tập là không thể được”.
Một ngày bỗng 2 vợ chồng đi về nhà, thấy 2 bé “quậy tung nhà”, chị sẽ làm gì?
Chuyện này là mỗi ngày xảy ra trong nhà của Thúy và anh Thịnh, lúc bé Phúc còn ở độ tuổi nhỏ, tuy nhiên “quậy tung nhà” thì chưa tới mức độ đó (cười). Thúy luôn dạy con việc ý thức giữ gìn đồ chơi của mình, tập cho bé biết lấy và cất lại chỗ cũ khi đã chơi đùa xong. Anh hai Phúc giờ đã lớn, cũng đang làm vai trò tập cho bé Phú điều đó khá tốt (cười).
Khi chị cấm cản điều gì đó, bé bỗng nói “tại sao bạn kia làm được, mà con không làm được?”, chị sẽ giải quyết thế nào?
Thúy hiểu bé Phúc sống rất tình cảm nên việc gì mình cũng luôn phân tích mặt đúng và sai. Bạn phải làm sao nói cho bé hiểu được cảm giác của chính bạn trong lòng hiện giờ ra sao: “Con làm vậy là sai! Ba mẹ đi làm về khá mệt mà nhìn con tái phạm lỗi đó, thật sự khiến ba mẹ buồn lắm”… Các phụ huynh nên nói nhẹ nhàng thôi, bạn càng lớn tiếng ngăn cản điều đó thì trẻ càng chống đối. Nhiều khi thể hiện sự giận dỗi, im lặng của mình sẽ có tác dụng hơn là việc răn đe nói liên tục với bé (cười).
Chị có lời khuyên nào dành cho các bà mẹ bỉm sữa 4.0 đang trong giai đoạn nuôi dạy con như chị không?
Bản thân Thúy cũng đang làm mẹ, cũng phải cố gắng vượt qua giai đoạn giúp bé Phú nói chuyện nhiều hơn, nên cho lời khuyên thì không dám. Thúy chỉ muốn nhắn nhủ rằng, để làm mẹ bỉm sữa ở thời đại 4.0 này, bạn phải có đủ bản lĩnh kĩ năng và sự mạnh mẽ khá lớn thì mới có thể dạy dỗ, chăm con tốt được. Không phải sinh con ra là sẽ hiểu được con của mình 100%, các bậc cha mẹ nên dành thật nhiều thời gian bên cạnh con, đừng tạo cho mình những căng thẳng. Điều quan trọng nhất hãy chia sẻ cùng chồng và những bạn bè xung quanh mình, đó là cách tốt nhất bạn vượt qua áp lực để mỗi ngày dạy chăm con là một niềm vui khi nhìn chúng lớn khôn.
Rất cảm ơn Thanh Thúy về buổi trò chuyện ngày hôm nay, chúc chị thật nhiều sức khoẻ để có thể chăm sóc con thật tốt, gặt hái nhiều thành công hơn trong lĩnh vực kinh doanh cũng như các dự án nghệ thuật sắp tới nhé!