Thói quen ăn uống xa xỉ của Từ Hy Thái hậu: Mỗi bữa gồm 100 món ăn, hàng trăm người phục vụ
Từ Hy Thái hậu qua đời cách đây hơn 100 năm. Ảnh: SCMP.
Riêng phòng bếp có hơn 370 người hầu cùng hàng chục thái giám. Những người này đều phải được tuyển chọn vô cùng kỹ lưỡng.
Dưới Triều nhà Thanh, mọi bữa ăn trong Hoàng tộc đều do phủ nội vụ đảm trách bao gồm các phòng như: phòng bếp, phòng trà, phòng bánh, phòng rượu, kho thực phẩm và rất nhiều các gian phòng khác.
Riêng thời Từ Hy Thái hậu, gian bếp riêng chuẩn bị món ăn cho bà tập trung những đầu bếp giỏi nhất Trung Hoa, nguyên liệu được đưa từ khắp các nơi tuyển chọn về để làm ra những món ăn ngon nhất với vô vàn cách thức chế biến cầu kỳ.
Bữa sáng bắt đầu từ 6h và kéo dài đến 7h, bữa trưa bắt đầu từ 12h đến 14h, 18h là bữa tối. Vào những khoảng thời gian khác có thể tùy vào yêu cầu để phục vụ.
Đối với Từ Hy Thái hậu, thì bữa sáng là quan trọng nhất vì vậy, bữa ăn này của bà phải luôn luôn được đảm bảo từ khâu nguyên liệu cho tới khâu chế biến.
Theo quy định, mỗi bữa chính phải bao gồm 100 món khác nhau. Tuy nhiên, Từ Hy Thái hậu chỉ ăn vài món, mỗi món một đến hai miếng.
Khi Từ Hy Thái hậu bắt đầu dùng bữa, Đại tổng quản thái giám Lý Liên Anh sẽ dùng những cái đũa bạc để nếm từng món ăn. Nếu cái đũa bạc chuyển sang màu đen, đồng nghĩa món ăn đó đã bị nhiễm độc và sẽ không được ăn. Thức ăn thừa sẽ được ban cho các phi tần, quan lại và thái giám, những người coi đây là một vinh dự.
Mỗi bữa ăn gồm 100 món. Ảnh minh họa
Vào những ngày lễ như Tết Trùng Dương (một ngày lễ của người cao tuổi ở Trung Quốc), phòng bếp chuẩn bị thêm hoa cúc, táo, cháo bát bửu cùng rất nhiều các loại điểm tâm khác dâng lên Thái hậu. Tương truyền vào ngày này, Thái hậu thường đến Di Hòa viên ngắm mây và đến Bài Vân Điện thưởng thức món bánh nướng thịt mà bà yêu thích. Với món ăn này, đầu bếp phải dùng gỗ của cây tùng để nướng.
Những món ăn vặt được Thái hậu yêu thích có “tiểu oa đầu” (một món ăn của Trung Quốc làm từ bột ngô), đậu phụ thối. Trong đó, đậu phụ thối phải là đậu phụ thối Ngọc Trí Hòa được mang về từ “Ngọc Trí Hòa Nam Tương Viên” (một địa danh của Trung Quốc) ngay trong ngày.
Dụ Đức Linh trong “Thanh cung nhị niên ký” viết lại: “Từ Hy am hiểu ẩm thực, sự hiểu biết của bà về ẩm thực đều khiến cho những bậc chuyên gia phải kinh ngạc”.
Điều đặc biệt, “Lão phật gia” là một tín đồ của món lẩu. Các nồi lẩu trong cung thường được làm bằng gốm sứ, bạc, bạc mạ vàng hoặc men. Có một món ăn khiến Từ Hy Thái hậu “cưng chiều” vô cùng, đó là lẩu hoa cúc.
Nồi dùng để nấu lẩu của Từ Hy Thái hậu.
Thái hậu Từ Hy luôn ra lệnh cho những người hầu của mình hái hoa cúc tươi mỗi ngày trong thời gian mùa đông và rắc cánh hoa vào nồi lẩu sôi để bà thưởng thức với công dụng giúp người ăn trẻ mãi không già.
Các ngự ẩm triều Thanh cũng giữ thân nhiệt cho mọi người bằng hái hoa cúc tươi rắc cánh hoa vào nồi lẩu sôi sùng sục.
Về đồ uống, Từ Hy Thái hậu thích các loại trà hoa. Bà đặc biệt thích uống trà và đặc biệt kỹ tính trong việc thưởng trà.
Nước dùng để pha trà phải được lấy về trong ngày từ núi Ngọc Tuyền, các loại hoa dùng để ướp trà như hoa hồng, hoa nhài phải là hoa tươi vừa được hái sau đó được trộn với trà khô, khi pha vừa có hương thơm của hoa quyện trong hương trà.
Thái hậu dùng ly bạch ngọc uống trà, trên khay vàng đặt 3 chiếc ly bạch ngọc, ở giữa là trà, hai bên đặt hoa, 2 thái giám dâng khay trà lên bẩm rằng: “Lão phật gia trà đã được rồi!”. Sau khi thái giám bẩm vậy, Từ Hy mới bắt đầu thưởng trà.
Những món ăn được nấu cầu kỳ.
Thực khách trong bữa tiệc có 400 người, thực đơn 140 món, tiệc khai đúng vào 12h đêm giao thừa năm 1874, kéo dài cho đến giờ Tý đêm mồng 7 tết, chi phí 98 triệu hoa viên Trung Quốc, tương đương 374 ngàn lượng vàng và có đến 1750 người phục dịch.
Nhắc đến sự xa xỉ trong yến tiệc của vua chúa thời xưa, không thể không nhắc đến bữa tiệc Tết xuân Canh Tý (1874) của Từ Hy Thái hậu, được tổ chức trong vòng 7 ngày 7 đêm, gồm những món ăn đắt đỏ chưa từng có.
Để chuẩn bị cho bữa tiệc trọng đại, triều đình đã phải chuẩn bị trước tới gần một năm. Bên cạnh hình thức xa xỉ hoành tráng, bữa tiệc còn để lại dấu ấn trong các vị quan khách bằng nhiều món ăn nổi bật mà cũng có phần kinh dị. Điển hình như các món Sâm thử (chuột được nuôi bằng phương pháp đặc biệt, khi ăn chuột còn đỏ hỏn, vẫn cựa quậy), Não hầu (óc khỉ, người ăn trực tiếp xúc thìa não khỉ từ đầu khỉ), Tượng tinh (tinh khí của voi), trứng công….
Bữa tiệc còn vô số món ăn độc đáo và tốn kém khác như món “heo sữa Phúc Châu”, hay “Sơn Dương Trùng” – loại dê núi được chăm sóc cẩn thận, hàng ngày được cho ăn bằng loại cỏ “Đông trùng hạ thảo”, là vị thuốc bổ ở Vân Nam và Quảng Tây…
Cuộc sống xa hoa của Từ Hy Thái hậu cho đến nay vẫn là một chủ đề thú vị nhận được sự quan tâm của nhiều người yêu thích tìm hiển nền văn hóa truyền thống Trung Hoa.