Từ cái chết của cô gái bị 37 người ngó lơ đến bé gái 8 tuổi tử vong sau thời gian dài bị bạo hành nhưng không ai can thiệp, vì sao chúng ta thờ ơ đến vậy?

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành tử vong. Theo lời kể của hàng xóm, họ nhiều lần nghe tiếng đứa trẻ bị đánh trong nhà nhưng sau khi báo cho BQL chung cư, cơ quan này không kịp thời can thiệp, gián tiếp dẫn đến cái chết thương tâm của đứa trẻ.

Thực tế, trên thế giới đã xảy ra rất nhiều sự vụ, khi mà các nhân chứng hoặc những người có mặt sau đó ngó lơ sự việc, không giúp đỡ nạn nhân cũng không có hành động báo cáo cho cơ quan chức năng để can thiệp hoặc ngăn chặn sự việc. Chúng cũng là những minh chứng điển hình cho hiệu ứng “người ngoài cuộc”.

Vụ sát hại cô gái trẻ Kitty Genovese, 28 tuổi, ngay bên ngoài căn hộ của mình ở phố Queens ở Kew Gardens vào sáng sớm ngày 13 tháng 3 năm 1964 đã làm dấy lên dư luận khắp New York và cả thế giới.

Người ta đặt câu hỏi làm thế nào mà một cô gái trẻ, độc lập lại có thể dễ dàng bị đánh gục như vậy? Làm thế nào mà rất nhiều người xung quanh lại có thể nhìn và quay lưng khi cô bị đâm liên tục trên đường phố và ngay cả khi ở khu chung cư của mình? Việc một tập thể không có khả năng hành động tiết lộ điều gì về bản thân chúng ta, về xã hội và cả hệ thống niềm tin của chúng ta?

Con đường nơi Genovese bị giết.

Kẻ đã sát hại Genovese, Winston Moseley, đã chết trong tù. Vụ giết người buộc chúng ta đối mặt với sự thờ ơ của chính mình và thúc đẩy một loạt các nghiên cứu tìm ra nguyên nhân của thứ được gọi là “hiệu ứng người ngoài cuộc” (bystander effect).

Người đàn ông chịu trách nhiệm trong việc biến Kitty Genovese từ nạn nhân vụ giết người thành biểu tượng văn hóa của sự thờ ơ là phóng viên lâu năm của New York Times (và sau này là tổng biên tập) AM Rosenthal.

Hai tuần sau khi Genovese bị giết, Rosenthal đã kể một câu chuyện với tiêu đề: “37 nhân chứng của vụ giết người đã không gọi cảnh sát.” Con số nhanh chóng trở thành một hiện tượng – nhưng giống như rất nhiều phần về câu chuyện được kể, đều sai lệch so với sự thật.

Như chi tiết trong cuốn sách năm 2014 của Kevin Cook về vụ án này, có một người đã chứng kiến cuộc tấn công của Genovese. Nhân chứng ấy đã vừa khóc và gào lên: “Hãy để cô gái yên!”, cố xua đuổi kẻ giết người cho đến khi hắn ta quay trở lại để hoàn thành nốt những gì mình đã bắt đầu. Lúc ấy cảnh sát đã được gọi đến.

Sự thật về những gì đã xảy ra vào đêm Genovese chết có thể không hoàn toàn giống với báo cáo của New York Times. Nhưng cho dù số lượng nhân chứng là 37 hay chỉ 1 thì ảnh hưởng của vụ án đối với sự hiểu biết của chúng ta về hành vi của con người vẫn tồn tại. Khái niệm về “hiệu ứng người ngoài cuộc” và lý do tại sao chúng ta có thể quay mặt đi khi đối mặt với những tình huống như vậy vẫn là một thực tế nguy hiểm và nhẫn tâm.

Xem xét từ câu chuyện Hugo Alfredo Tale-Yax vào đầu năm 2010, Yax là một người nhập cư vô gia cư Guatemala đã chứng kiến một phụ nữ bị tấn công bởi một kẻ tấn công bằng dao ở Jamaica, phố Queens, cách khu Kew Gardens (thành phố New York) chưa đầy ba dặm. Anh ta bước vào và cứu người phụ nữ để rồi bị đâm vô số nhát vào người.

Trong hơn một giờ đồng hồ, anh ta đã chết trên vũng máu của chính mình khi hàng chục người đi qua. Một số người đã dừng lại để nhìn, có người lại gần để xem thử. Một người thậm chí lắc đầu rồi bỏ đi, trong khi có người khác quay video toàn bộ quá trình.

4 cuộc gọi đến tổng đài 911 đã được ghi lại, nhưng vào thời điểm các nhân viên cứu hỏa đến hiện trường thì Tale-Yax đã chết. (Không rõ liệu kẻ sát nhân đã được tìm thấy hay chưa, hay người phụ nữ mà anh ta cứu đã từng được công khai danh tính.)

Vương quốc Anh cũng không thể quên nỗi kinh hoàng về cái chết thảm khốc năm 1993 của cậu bé James Bulger, 2 tuổi, dưới bàn tay của Robert Thompson và Jon Venables – khi chúng đều chỉ mới 10 tuổi vào thời điểm đó.

Bằng chứng video cho thấy hai đứa trẻ đã dẫn James rời khỏi trung tâm mua sắm dưới con mắt theo dõi của hàng chục người. Có một sự trùng hợp kỳ lạ, lời khai sau đó đã củng cố số lượng người chứng kiến vụ bắt cóc James là 38 người.

2 kẻ sát nhân nhí đoạt mạng bé trai 2 tuổi.

Các ví dụ gần đây về “hiệu ứng người ngoài cuộc” càng làm dấy lên mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Một đứa trẻ 2 tuổi bị cán qua đến 2 lần ở Phật Sơn, Trung Quốc vì có quá nhiều người theo dõi mà không làm gì. Một người đàn ông chết đuối ngoài khơi bờ biển Alameda, California khi hàng chục người quyết định không lao ra cứu anh ta.

Một người phụ nữ trong lúc đợi ở phòng cấp cứu tại một bệnh viện ở Brooklyn đã ngã quỵ vì căn bệnh của mình, trong khi những bệnh nhân khác và cả nhân viên bảo vệ phớt lờ cho đến khi cô ấy chết. Tất cả nhân chứng của những vụ việc trên đều gây ức chế vì thiếu quyết đoán, phớt lờ trách nhiệm đối với người khác.

Nhận ra sự sai trái của hành vi là quan trọng, nhưng hành động để chống lại ảnh hưởng của “hiệu ứng người ngoài cuộc” vẫn không phải là điều dễ dàng. Vì thế, chúng ta tiếp tục quay lưng đi, bất chấp tội ác khủng khiếp như thế nào, ngay cả khi chúng ta biết rõ có thể làm tốt hơn thế.

Hiệu ứng người ngoài cuộc

Chúng ta biết về “hiệu ứng người ngoài cuộc” nhờ công trình nghiên cứu của John Darley và Bibb Latane.

Hai nhà nghiên cứu tâm lý xã hội này đã xuất bản một loạt bài nghiên cứu từ năm 1969. Họ muốn chỉ ra lý do tại sao các nhân chứng vụ sát hại Genovese – một vụ án mà cả hai đều theo dõi sát sao – lại có thể bàng quan như vậy và liệu họ có thể giả định số lượng người tối thiểu ở hiện trường để tạo nên hiệu ứng do dự tập thể không.

Một thử nghiệm được tìm thấy trong video quay vào đầu những năm 1970 cho thấy một người ngồi một mình trong căn phòng đầy khói, và sau đó lặp lại cùng một kịch bản với khi có ba người chứng kiến. Một nhân chứng đã rời khỏi phòng để yêu cầu giúp đỡ trong khi một nhóm chỉ ngồi đó lén nhìn và không phản ứng.

Sự thật rằng càng nhiều người chứng kiến một sự kiện thảm khốc, thì càng ít khả năng có bất kỳ ai hành động để ngăn cản nó vì họ đều nghĩ rằng sẽ có người khác chịu trách nhiệm.

Các thử nghiệm bởi các nhà nghiên cứu trong nhiều thập kỷ sau đó cho thấy rằng khi đối diện với khủng hoảng, việc hướng về một “người ngoài cuộc” và chỉ ra cách nhờ giúp đỡ có thể hạn chế được ảnh hưởng xấu của hiệu ứng này. Hành động để chống lại sự bàng quan là một cuộc đấu tranh lớn hơn và có nhiều lựa chọn khó khăn hơn, nhưng lại đang dần trở nên phổ biến.

“Chúng tôi muốn làm dấy lên một quan điểm mà con người đang có:” Nếu tôi ở trong hoàn cảnh đó, tôi sẽ hành xử đầy vị tha, một cách tốt hơn” – Darley nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2006. Điều mà Darley muốn chỉ ra những áp lực đến từ “hiệu ứng người ngoài cuộc” để từ đó mọi người có thể nhận biết rằng đó là dấu hiệu cho thấy có thể mọi người đang làm sai.

Ảnh minh họa.

Darley có thể không nghĩ đến, nhưng những gì anh ấy nói trong cuộc phỏng vấn của mình hoàn toàn trùng khớp với cách Winston Moseley bị bắt.

Một “người ngoài cuộc” đã quan sát thấy anh ta đột nhập vào một ngôi nhà và rời đi với một chiếc tivi. Một nhân chứng đó đã gọi cho cảnh sát để bắt giữ Moseley và rất nhanh sau đó anh ấy nhận ra mức độ khủng khiếp của tội ác mà hắn ta đã gây ra.

Tuy nhiên, hiểu biết về một điều gì đó trên lý thuyết và thật sự hành động dưới áp lực là hai phương diện khác nhau, thường là hai trạng thái đối lập. Dù chúng ta rất muốn lý trí và cảm xúc phối hợp cùng nhau, nhưng chúng đôi khi rất tách biệt và cản trở việc đưa ra quyết định đúng đắn.

Chúng ta muốn nghĩ rằng khi nghe thấy những tiếng hét đầy kinh hoàng trong đêm bên ngoài cửa sổ căn hộ, chúng ta sẽ làm điều đúng đắn như việc kêu gọi sự giúp đỡ. Nhưng chúng ta lại không thể biết chắc điều đó. Sự không chắc chắn đó sẽ ám ảnh bất kỳ con người tử tế nào.

https://kenh14.vn/tu-cai-chet-cua-co-gai-bi-37-nguoi-ngo-lo-den-be-gai-8-tuoi-tu-vong-sau-thoi-gian-dai-bi-bao-hanh-nhung-khong-ai-can-thiep-vi-sao-chung-ta-tho-o-den-vay-20211230132401352.chn?fbclid=IwAR0YJAPtd-94z0aWUYyZtyrJby1xukJgIrqBTRXEYxte9oiC5IF5zIOUARg