''Ai làm đau tiếng Việt?''
Theo Tiến sĩ ngôn ngữ học Hồ Xuân Mai, trong khoảng vài chục năm qua đã có rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng viết/nói sai tiếng Việt, thậm chí sai đến mức đáng giận. Ông đã dẫn hàng trăm trường hợp sai ấy trong cuốn sách của mình, phân tích chúng một cách đơn giản và dễ hiểu. Đọc những ví dụ của ông, độc giả chợt nhận ra đã và đang có rất nhiều cách viết, cách nói chúng ta lâu nay vẫn sử dụng theo thói quen mà chưa từng nghĩ đó có thể là trường hợp sai về cấu trúc tiếng Việt, thừa từ, khó hiểu hoặc gây hiểu nhầm. Việc sử dụng thiếu cân nhắc như thế có hại cho tiếng Việt.
Trong cuộc sống, hẳn mỗi người đều có lúc vô tình viết hớ, nói ngọng tiếng Việt, tuy nhiên đó không phải là bản chất. Bởi những cái sai này chỉ ảnh hưởng tới giao tiếp giữa những người tham gia chứ không để lại bất cứ ảnh hưởng nào tới đời sống ngôn ngữ cộng đồng. Nhưng nếu những người có trình độ học vấn cao, những cơ quan có chức năng bảo vệ, phát triển và truyền bá ngôn ngữ như các phương tiện truyền thông đại chúng mà sai thì hậu quả khôn lường. Tiến sĩ Hồ Xuân Mai cho rằng, “cần sớm có giải pháp về tiếng Việt, cụ thể là lập pháp ngôn ngữ. Chừng nào chưa có cơ sở xử phạt, chừng nào còn buông lỏng tiếng Việt, chừng nào còn tình trạng không ai kiểm soát tiếng Việt, cái sai trong sử dụng tiếng Việt còn tồn tại”.
Không trình bày theo dạng chuyên mục để giảm tính hàn lâm, tác giả Hồ Xuân Mai nêu ra thực trạng và nguyên nhân, cách khắc phục trong mỗi bài viết với lời khuyên “chỉ nên xem đây là những bài tập thực hành về tiếng Việt”. Từ ngữ đơn giản, “Ai làm đau tiếng Việt?” rất dễ hiểu với đa số độc giả, kể cả học sinh, nhưng những giới chuyên môn vẫn có thể sử dụng cuốn sách như tài liệu về ngôn ngữ. Được biết, sau “Ai làm đau tiếng Việt?”, nhà ngôn ngữ Hồ Xuân Mai đang tiếp tục hoàn thành công trình “Ai bôi nhọ tiếng Việt?” với mong muốn “nêu ra để cùng nhau sửa, cùng nhau làm cho tiếng Việt ngày một trong sáng và đẹp hơn”.