9X cải tiến chiếc xe máy của mình để chạy bằng khí metan: Mất 8 tiếng xúc bùn để lấy nhiên liệu đi trong 20km, đặt tên xe là "con mương"
Chàng sinh viên kỹ thuật người Hà Lan – Gijs Schalkx – đã gây chú ý khi thành công chế tạo chiếc xe máy chạy bằng khí metan. Chiếc xe này được anh chàng đặt tên là Sloot Motor – trong tiếng Hà Lan có nghĩa là “con mương” vì nó sử dụng nhiên liệu là khí metan – thứ mà anh đã phải vất vả “thu hoạch” từ các đầm lầy và ao hồ ven đường.
Theo đó, Schalkx đã sửa đổi chiếc xe máy dùng động cơ Honda GX160 của mình để nó có thể hoạt động với nhiên liệu là khí metan lấy từ bùn đất. Schalkx cho biết: “Sloot Motor được chế tạo để tồn tại lâu hơn bất kỳ loại năng lượng nào trong tương lai vì những vùng nước nông và ao hồ sẽ luôn ở đó”.
Theo thông tin từ trang web của Schalkx, anh đã khoan một lỗ trên buồng khí của động cơ để nhận khí metan và sau đó nối lỗ khoan đó tới quả bóng khí để cung cấp khí thu được cho động cơ. Động cơ này vẫn cần xăng để khởi động. Tuy nhiên, sau đó nó có thể hoàn toàn chạy bằng khí metan.
Động cơ Sloot không được chế tạo để có thể thuận tiện thay thế cho xe máy điện hoặc động cơ đốt trong – nó chỉ đạt tốc độ tối đa là 27 dặm/giờ (43km/h). Tốc độ tương đối thấp và hiệu suất nhiên liệu đáng thất vọng khiến nó trở thành một lựa chọn thay thế tồi, chưa kể đến việc tiêu tốn khá nhiều thời gian cho việc thu hoạch nhiên liệu.
Tuy vậy, Gijs Schalkx hy vọng rằng nó sẽ khiến mọi người xem xét lại mối quan hệ của họ với công nghệ. Thay vào đó, sáng tạo này ra đời với mục đích là để khuyến khích mọi người xem xét lại mối quan hệ của họ với công nghệ và nhắc nhở mọi người quan tâm hơn đến môi trường sống và việc sử dụng công nghệ hiệu quả.
“Nếu thế giới chúng ta đang sống này là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ toàn cầu, khai thác quá mức tài nguyên và bất bình đẳng trên toàn thế giới, thì tại sao chúng ta cứ mãi đánh giá tiến bộ bằng sự phát triển?”. Trên trang web của mình, Schalkx cho biết: “Chúng ta đang mù quáng chạy theo một mục tiêu mà không hề nghĩ đến hậu quả của nó và chỉ trông chờ vào công nghệ sẽ cứu vớt chúng ta”.
“Lái xe ô tô điện không có nghĩa là bạn được miễn trách nhiệm đối với mạch dầu mà xã hội của chúng ta đang vận hành. Ném nhiều tiền hơn vào một vấn đề sẽ không giải quyết được nó, chúng ta là vấn đề và chúng ta phải thay đổi”, chàng sinh viên người Hà Lan nói thêm.
Gijs Schalkx cho biết anh có ý tưởng sáng tạo này khi đọc được tin về những ngư dân đã sử dụng khí metan thu được trong một chuyến đánh cá để chiên trứng. Và rồi, Schalkx đã “điều chỉnh” khái niệm này và bắt đầu công việc nghiên cứu và tạo ra một công cụ để thu thập khí metan mà anh đặt tên là Plompstation.
Plompstation sử dụng một thùng chứa bị lật ngược để thu thập khí metan tự nhiên thông qua quá trình phân hủy tự nhiên trong ao và một máy bơm áp suất cho phép người sử dụng bơm khí metan vào thùng chứa nhiên liệu.
Theo Schalkx, anh phải mất khoảng tám tiếng “xúc bùn” để tăng tốc quá trình thu thập lượng khí metan có thể đi trong 12 dặm (tương đương 20km).
Nhiều người có thể nghĩ rằng sáng tạo của chàng sinh viên kỹ thuật hầu như không đáng giá. Tuy nhiên, trên trang web của mình, Schalkx nhấn mạnh rằng chiếc xe máy của anh được chế tạo vì sự cần thiết chứ không phải vì sự tiện lợi.
Schalkx cho biết: “Tốc độ hiện tại chưa được như mong muốn. Tốc độ cao hơn có nghĩa là nhiều mã lực hơn, là nhiều CC hơn, dẫn đến mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn”.
Anh cũng nhấn mạnh một thực tế rằng “rất dễ dàng tìm thấy một cái ao hoặc con mương nhỏ ở bất cứ nơi nào trên đất nước Hà Lan để làm nguồn cung cấp nhiên liệu cho chiếc xe.”
Metan tất nhiên là một nguồn nhiên liệu dồi dào và có tính ứng dụng cao. Một dẫn chứng tiêu biểu là gần đây, một nhà vệ sinh của một toàn nhà sinh viên Hàn Quốc đã sử dụng năng lượng được cung cấp từ việc hút khí từ phân.
Nếu những dự đoán về thảm họa Trái Đất là chính xác thì chiếc xe máy chạy bằng khí metan của Schalkx có thể sẽ không bị coi là điên rồ, kỳ quặc mà sẽ là một phát minh tiện lợi vì nó có thể hoạt động trong bất kể hoàn cảnh nào.
Dự án này chưa đủ tính thuyết phục và khả thi để đưa vào sản xuất hàng loạt trên quy mô thương mại, tuy nhiên, nỗ lực nhỏ này của chàng sinh viên Hà Lan đã nói lên rất nhiều điều về thế hệ trẻ. Khi mà Trái Đất đang ngày càng thay đổi nhanh chóng, cả thế giới đang nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu thì ngay cả một nỗ lực nhỏ bé cũng có thể góp phần tạo ra sự khác biệt.
(Tổng hợp từ nguồn: interestingengineering.com, odditycentral.com, planetcustodian.com)