Bí ẩn ngọn lửa đã cháy suốt 6.000 năm cho đến tận bây giờ
Trong một công viên quốc gia cách Sydney, Úc, khoảng bốn giờ lái xe, có một đám cháy đang âm ỉ ngoài tầm kiểm soát và nó đã như vậy trong ít nhất 6.000 năm.
Được gọi là công viên “Burning Mountain” (Núi Cháy), ngọn lửa bí ẩn dưới lòng đất này là ngọn lửa lâu đời nhất được biết đến trên hành tinh của chúng ta. Một số nhà khoa học thậm chí dự đoán nó còn có thể cổ xưa hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ.
Nằm dưới núi Wingen ở bang New South Wales (Wingen có nghĩa là ‘lửa" trong ngôn ngữ của người Wanaruah bản địa), ngọn lửa âm ỉ dưới lòng đất này là một đám cháy vỉa than.
Sau khi bùng cháy, những đám cháy dưới lòng đất này gần như không thể dập tắt. Chậm rãi nhưng mạnh mẽ, chúng di chuyển qua vỉa than, một lớp than tồn tại tự nhiên bên dưới bề mặt Trái đất.
Guillermo Rein, giáo sư khoa học về lửa tại Đại học Imperial College London, Anh, nói: “Không ai biết quy mô của ngọn lửa dưới Burning Mountain, mà chỉ có thể suy luận. Nó có thể có hình dạng như quả bóng với đường kính khoảng 5 đến 10 m và đạt nhiệt độ 1000 độ C”.
Rein trong chuyến đi đến Núi Cháy năm 2014
Không giống như đám cháy điển hình, đám cháy vỉa than xảy ra dưới lòng đất, nó cháy âm ỉ, có nghĩa là không có ngọn lửa và nó giống như than hồng trong một bữa tiệc nướng. Nó cũng khác với các đám cháy khí vỉa than hung hãn hơn, có thể khiến cả mặt nước bốc cháy.
Đám cháy khí vỉa than
Ngọn lửa ở núi Wingen hiện đang cháy khoảng 30 mét dưới lòng đất và di chuyển về phía nam với tốc độ khoảng 1 mét mỗi năm. Bạn không thể tận mắt nhìn thấy nó, nhưng nếu có cơ hội đến núi Wingen, bạn sẽ thấy bằng chứng về sự tồn tại của nó là khói, mặt đất trắng, ấm khi chạm vào, đá đổi thành màu vàng và đỏ, mùi lưu huỳnh tỏa ra khi ngọn lửa bên dưới đốt các khoáng chất của núi.
Bạn có thể quan sát con đường mà ngọn lửa đi qua khi nó bao phủ bởi tro và không còn sự sống của thực vật.
Rein nói: “Trước khi ngọn lửa lan đến, bạn sẽ thấy khu rừng bạch đàn tuyệt đẹp. Nơi ngọn lửa đi qua hoàn toàn không có gì sống sót, thậm chí không có cỏ. Và ở nơi ngọn lửa cách đây 20 đến 30 năm, khu rừng đã trở lại, nhưng đó là một khu rừng khác – ngọn lửa đã định hình cảnh quan”.
Nhiều đám cháy vỉa than, đặc biệt là ở Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, là do sự can thiệp của con người như khai thác than. Một đám cháy khét tiếng là bên dưới Centralia, Pennsylvania, thị trấn hoang vắng đã truyền cảm hứng cho Silent Hill, nơi đã bốc cháy trong gần 60 năm. Nhưng đó chỉ là một cái chớp mắt so với Burning Mountain đã cháy ngàn năm.
Điều thú vị là không ai dám chắc điều gì đã tạo ra nó. Lần đầu tiên hiện tượng này được ghi nhận là vào năm 1828, khi một người nông dân địa phương tuyên bố đã phát hiện ra một ngọn núi lửa ở vùng núi Wingen.
Chỉ một năm sau, năm 1829, nhà địa chất học Reverend CPN Wilton kết luận đó ngọn núi lửa đó thực ra là một đám cháy vỉa than. Kể từ đó, các phép đo cho thấy ngọn lửa đã di chuyển khoảng 6,5 km, các nhà địa chất ước tính nó đã cháy trong ít nhất 6.000 năm. Nó đã dịch chuyển 150 m kể từ năm 1828.
Bức tranh núi Wingen của Emma Macpherson, 1833-1915
Nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về vùng đất này, vì nó được coi là nơi linh thiên được trông coi bởi những người Wanaruah. Thần thoại Wanaruah kể rằng nước mắt của một góa phụ đã châm ngòi cho ngọn lửa, cũng có truyện kể rằng đó là ngọn lửa từ đuốc của một chiến binh bị bắt bởi ác quỷ dưới chân núi.
Theo Rein, nguyên nhân tự nhiên là có khả năng nhất. Ông giải thích: “Không thể loại trừ sự can thiệp của con người, nhưng rất có thể đó là nguyên nhân tự nhiên. Có thể là tia chớp gây ra ngọn lửa và bùng phát cháy rừng vào thời xa xưa. Hoặc nó có thể là do quá trình tự đốt cháy xảy ra dưới mặt đất.”
Quang cảnh Núi Cháy
Quá trình tự đốt cháy xảy ra khi vỉa than đủ gần với bề mặt để than tiếp xúc với oxy. Nếu có đủ ngày nắng và nóng liên tiếp, bề mặt than nóng lên, cuối cùng phát ra lửa. Các nghiên cứu chỉ ra rằng điểm tự đốt cháy của than có thể dao động chỉ từ 35 đến 140 độ C.
Có lẽ là chúng ta cũng không biết chính xác ngọn lửa bao nhiêu tuổi. Rein nói: “Nó không chỉ là 6.000 năm tuổi… mà ít nhất là 6.000 năm tuổi. Nó thực sự có thể hàng trăm nghìn năm tuổi”.
Núi Wingen sẽ cháy trong bao lâu? Không ai thực sự biết điều đó; chúng ta không biết vỉa than trải dài bao xa. Hiện tại, nó không thiếu nguồn cung cấp oxy. Nó có thể cháy hàng nghìn năm nếu không có sự can thiệp của con người.
Khi đám cháy lan ra, sức nóng khiến ngọn núi nứt ra, cho phép oxy vào để ngọn lửa có thể di chuyển về phía trước. Ngay cả khi có sự can thiệp của con người, đám cháy vỉa than vẫn rất khó dập tắt, đòi hỏi hàng tấn nước và nitơ lỏng. Năm 2004, Trung Quốc tuyên bố đã dập tắt ngọn lửa đã cháy trong 50 năm, nhưng vài năm sau, các du khách lại nhìn dấu hiệu nó đang còn cháy.
Một tấm biển tại Vườn quốc gia Núi Cháy
Nếu có dịp đến Úc, bạn hãy thử ghé thăm khu bảo tồn này và tận mắt chứng kiến dấu vết ngọn lửa nhé.
Tham khảo: ScienceAlert