Những người may mắn chưa mắc Covid-19 dù đã tiếp xúc với nhiều F0 chia sẻ bí quyết "sinh tồn" giữa mùa dịch
Dù dịch bệnh COVID-19 vẫn không ngừng lây lan với tốc độ nhanh chóng nhưng nhiều người vẫn nhờ những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả mà có thể giữ an toàn cho sức khỏe của bản thân và cả những người xung quanh.
Số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời gian qua không ngừng tăng lên. Đặc biệt tại Hà Nội, 2 ngày vừa qua, số F0 mỗi ngày đã tăng lên đến hơn 10.000 ca/ngày.
Số người may mắn chưa từng nhiễm bệnh dù đã tiếp xúc và thậm chí chung sống cùng F0 trở nên hiếm hoi. Mỗi người trong số họ luôn có cho mình những “bí quyết” khi đứng trước nguy cơ trở thành nạn nhân của dịch bệnh.
Tuân thủ quy định cách ly, không sử dụng bừa bãi kit test nhanh
Chị Nguyễn Thanh Hương (28 tuổi, NVVP, Hà Nội) là một trong những trường hợp may mắn ít ỏi đó. Dù sống cùng nhà trọ với một người bạn là F0 nhưng sau 5 ngày cách ly, chị Hương vẫn không hề có dấu hiệu của việc nhiễm COVID-19.
Chị Hương chia sẻ: “Khi thấy bạn mình có dấu hiệu thì mình cũng xác định tinh thần sẵn rồi. Mình không quá hoang mang mà tìm hiểu các cách phòng bệnh, cách ly đầy đủ. Mình uống vitamin C, ăn nhiều hoa quả, sát khuẩn họng hàng ngày để đủ sức đề kháng.”
Đồng thời, chị Hương cũng cho hay, khi phát hiện bạn mình mắc COVID-19, chị vẫn phải ở chung cùng bạn và chỉ có một chút thay đổi trong cuộc sống hằng ngày như đeo khẩu trang, sát khuẩn đầy đủ, ăn uống, dùng đồ vật riêng và hạn chế tiếp xúc.
Khác với nhiều người vẫn đang trong tâm lý hoang mang, thực hiện việc test nhanh COVID-19 mỗi ngày dù không tiếp xúc hay có triệu chứng, chị Hương cùng bạn mình rất hạn chế việc này và chỉ test theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế:
“Bọn mình cũng không tốn quá nhiều tiền cho kit test. Như quy định thì bạn mình F0 cách ly đến ngày thứ 7 thì test, còn mình F1 thì đến ngày thứ 5 test. Hiện tại, bạn mình cũng đã âm tính rồi. Mình cũng sắp quay trở lại văn phòng làm việc sau thời gian cách ly.”
“Thấy may mắn khi tiếp xúc nhiều F0 nhưng vẫn chưa dương tính”
Cũng giống như chị Hương, anh Đinh Huy (27 tuổi, NVVP, Hà Nội) hiện đang chung sống với 2 F0 khác trong cùng một nhà. Anh Huy cho hay, trước khi 2 người bạn mình nhiễm bệnh thì cả 3 vẫn sinh hoạt và ăn uống chung.
“Mình thường xuyên vào phòng của một trong hai người. Khi anh ấy cảm thấy bản thân bị viêm họng và sốt thì chính mình đã test cho anh ấy và khá sốc khi thấy kit test lên 2 vạch rõ nét.” – anh Huy cho biết.
Hiện tại, anh vẫn hằng ngày chăm sóc cho 2 người bạn là F0 cùng nhà. Để phòng tránh lây nhiễm, anh Huy đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch được Bộ y tế khuyến cáo. Đặc biệt, anh đã thực hiện đeo khẩu trang mọi thời điểm, thậm chí cả khi đi ngủ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân khi có người cùng nhà là F0.
Anh Huy chia sẻ: “Mình cảm thấy may mắn khi bản thân tiếp xúc với nhiều F0 nhưng vẫn chưa bị dương tính. Tương lai mình có lẽ sẽ mắc bệnh nhưng hiện tại mình vẫn đủ sức để chăm sóc cho 2 người cùng nhà đang nhiễm COVID-19”.
Cùng với chị Hương và anh Huy, vẫn có rất nhiều người khá lạc quan và tin tưởng vào các biện pháp phòng chống dịch có thể bảo vệ bản thân cũng như gia đình vượt qua đợt dịch bệnh này:
“Dù không tuyên bố bất tử nhưng mình chưa từng nhiễm bệnh nhờ việc thực hiện nghiêm túc 5K, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và sát khuẩn mỗi khi từ ngoài về. Còn một điều quan trọng nữa là mình cực hạn chế việc đi chơi bên ngoài trong thời điểm dịch bệnh đang nghiêm trọng như hiện nay.”
“Cả nhà mình vẫn chưa ai bị nhé! Cứ thực hiện phòng tránh dịch, ra ngoài về bỏ luôn khẩu trang vào thùng rác, rửa tay sát khuẩn, súc miệng nước muối, ngày 3 lần nhỏ mũi cho trẻ em, ăn uống đủ chất.” – Chị T.H. kể về kinh nghiệm phòng chống dịch của gia đình mình.
“Ngậm kẹo C, uống nước ấm bất cứ mọi lúc có thể, uống vitamin C 1000mg hàng ngày. Về đến nhà thì mình tắm rửa liền. Áo quần tiếp xúc với F0 thì giặt luôn, không để qua ngày. Mình làm việc với 1 ‘rừng" F0 à.” – Một bạn có nick facebook N.T.T. cho rằng việc bổ sung dưỡng chất, tăng cường sức đề kháng quan trọng không kém những biện pháp phòng chống dịch khác.
Hiện, dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước. Thay vì tâm lý chủ quan vì đã tiêm đủ vaccine hay “buông bỏ” vì “trước sau gì cũng đến lượt mình”, mỗi người nên bình tĩnh và có những biện pháp bảo vệ tốt nhất bản thân và gia đình khỏi bệnh dịch.