Bộ hài cốt hé lộ bí mật kinh hoàng dưới chân tường "Cung điện Mặt trăng" của Hàn Quốc
Wolseong ôm trọn quả đồi có địa hình giống như nửa cầu tròn, hao hao vầng trăng khuyết nên được gọi là Cung điện Mặt trăng.
Khai quật đoạn tường thành ngắn, phát hiện 3 bộ xương
Theo ghi chép của lịch sử Hàn Quốc, Nhà Silla tồn tại 992 năm, bắt đầu từ năm 57 trước Công nguyên và kết thúc vào năm 935. Suốt gần 1000 năm này, họ đóng đô ở Gyeongju và các đời vua Silla trải qua trong Cung điện Mặt trăng.
Khi Nhà Silla tàn, các triều đại kế tiếp đã bỏ hoang Gyeongju. Ngày nay, kinh đô 1000 năm Silla chỉ còn là di tích. Tuy nhiều công trình đã biến mất, nó vẫn còn hầu hết các dấu vết, được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm 2000.
Kể từ nửa cuối thế kỷ XX, Gyeongju đã là điểm nóng khảo cổ. Những năm 1980, Hàn Quốc tập trung khai quật Cung điện Mặt trăng. Họ phát hiện một số xương người và động vật nằm rải rác khắp nơi. Các nhà nghiên cứu suy đoán, đây chỉ là hài cốt tử vong tự nhiên.
Năm 2017, Hàn Quốc tiến hành khai quật 1 đoạn tường thành bao quanh cung điện. Nó dài khoảng 36m và cao 9,1m. Bất ngờ, dưới chân đoạn tường thành này, người ta thấy 2 bộ xương đặt cạnh nhau. Chúng thuộc về 1 nam và 1 nữ tuổi khoảng 50, nghi là vợ chồng.
Năm 2021, Hàn Quốc tiếp tục phát hiện thêm 1 bộ xương khác. Nó chỉ nằm cách 2 bộ xương được tìm thấy vào năm 2017 vài mét, là hài cốt 1 thiếu nữ.
Giết người hiến tế, chôn trong móng tường thành
Lịch sử phong kiến Triều Tiên không có bất cứ ghi chép nào về hiến tế con người. Dân gian cũng chỉ truyền miệng các câu chuyện nửa hư nửa thực rằng quý tộc bắt giết nô lệ, chôn trong lăng mộ làm nô linh.
Sau phát hiện năm 2017, Hàn Quốc kiểm tra kỹ lưỡng 2 bộ xương nghi phu phụ, không thấy có dấu vết thương tổn trước khi tử vong. Tại nơi nằm của 2 người này chỉ có vài mảnh gốm vỡ, phân tích xương và răng thấy dấu hiệu thiếu hụt dinh dưỡng. Các nhà khảo cổ kết luận, đây là cặp vợ chồng nông dân nghèo, có khả năng là nạn nhân hiến tế.
Phát hiện năm 2021 củng cố suy đoán trên. Ngoài vị trí gần nhau, phân tích xương và răng hài cốt thiếu nữ cũng chỉ ra sinh thời bị suy dinh dưỡng. “Tôi đoán, cả 3 người họ đều là những cư dân cổ đại nghèo, thuộc tầng lớp thấp nhất xã hội Silla,” – Jang Ki Myeong, nhà khảo cổ thuộc Viện Quốc gia Gyeongju (Gyeongju National Institute), chia sẻ.
Kiểm tra kỹ vị trí phát hiện 3 bộ xương, Hàn Quốc thấy dấu vết chôn cất cố ý. Có vẻ như, các thợ xây dựng thời Silla đã chừa 2 khoảng trống trong đoạn móng tường thành này, 1 cái vừa đủ xếp thi thể cặp vợ chồng nông dân luống tuổi, 1 cái vừa đủ đặt thiếu nữ. Rất có khả năng, nghi lễ hiến tế đã được tổ chức vào ngày đặt móng. 3 nạn nhân trên bị sát hại cùng lúc, xếp vào vị trí chuẩn bị sẵn. Sau khi lấp miệng khoảng trống, người ta hoàn thành lớp móng và lên tường thành, chôn chặt các thi thể dưới bức tường cao ngất.
Bất chấp vì khao khát bình ổn
Quay trở lại thời điểm Nhà Silla thành lập đô vương, Triều Tiên đang trong Thời kỳ Tam Quốc. Ngoài họ, bán đảo này còn 2 thế lực lớn: Baekje (án ngữ phía tây nam) và Koguryo (bao trùm phía bắc và 1 phần Trung Quốc). Cả 3 liên tục xâm phạm bờ cõi, đánh chiếm lẫn nhau liên miên.
Cung điện Mặt trăng không chỉ là nơi ở của các đời vua Silla, mà còn đóng vai trò đại diện vương triều. Sự vững chãi của nó tượng trưng cho sự vững vàng của triều đại. “Vì tương lai đời đời an ổn, các nhà cai trị đã bất chấp và thực hiện mọi điều hứa hẹn bảo vệ cung điện,” – Jack Davey (Mỹ), nhà khảo cổ thuộc Đại học George Washington, khẳng định.
“Công trình tường thành đồ sộ và việc hiến tế con người cho thấy, các nhà vua Silla đã bất an và cảm thấy bị đe dọa nghiêm trọng đến mức nào” – Davey nói thêm. “Nó kéo dài suốt nhiều trăm năm, cho đến khi họ thống nhất Triều Tiên (668 – 935)”.
Tường thành Cung điện Mặt trăng được khởi công vào khoảng năm 400, chia thành nhiều giai đoạn. Đây là thời gian nhiều biến động, lắm chiến sự, tạo áp lực nặng nề lên các đời vua Silla. Tuy Triều Tiên không có mê tín hiến tế người xây thành, nhưng có lẽ đã nghe được từ Trung Quốc. Họ bí mật thực hiện và không ghi chép, lưu truyền.
Phải mất khoảng 600 năm, công cuộc xây dựng Kinh đô Gyeongju mới hoàn thành. Từ thế kỷ VII – X, nó liên tục là trung tâm của Vương quốc Silla. “Ngay cả khi không có khám phá về sự việc hiến tế, Gyeongju vẫn là địa điểm khảo cổ quan trọng,” – Davey nói. Chí ít, nơi này vẫn còn trên 7000 di tích văn vật, bao gồm từ lăng mộ, đình đền đến vô số cổ vật, phác họa chi tiết lịch sử Vương triều Silla.
Tham khảo: Atlas Obscura