Chớ thấy cù lần mà khinh rẻ: Loài vật đầy vườn này hóa ra nguy hiểm gấp bội lần cá mập
“NHỎ MÀ CÓ VÕ”
Muỗi vẫn tiếp tục đứng đầu danh sách các động vật nguy hiểm nhất hành tinh, gây ra khoảng 725.000 ca tử vong mỗi năm cho con người. Ngay sau đó ở hạng 2 không ai khác chính là con người với 475.000 ca tử vong mỗi năm. Xếp thứ 3 trong danh sách này lại là một loài vật gây ngạc nhiên bởi ta thường gặp chúng ngay trong vườn, nhỏ bé, chậm chạp và tưởng chừng như vô hại: Ốc sên.
Theo ghi nhận của tổ chức The World, ốc sên chính là thủ phạm cho khoảng 200.000 ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Đáng ngạc nhiên là con số này lớn hơn nhiều lần so với cá mập, khi mỗi năm trên thế giới chỉ ghi nhận khoảng 77 vụ cá mập tấn công và chỉ 10% trong số đó dẫn tới tử vong, theo Australia Wide Firstaid.
Ảnh: dailygeekshow.com
Trên thực tế, loài vật này nguy hiểm vì chúng là nguồn lây của căn bệnh đáng sợ do ký sinh trùng mang tên Bilharziosis gây ra; căn bệnh đó được gọi là “sốt ốc sên” hay “bệnh sán máng”.
Người ta có thể dễ dàng bị lây nhiễm do tiếp xúc với nước bị nhiễm khuẩn qua các hoạt động tưởng chừng là bình thường như bơi lội, rửa tay, chèo thuyền, uống hoặc ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn. Dù không gây tử vong ngay lập tức, bệnh Bilharziosis là một căn bệnh cấp tính và mãn tính nguy hiểm, có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cũng như gây nhiễm trùng và hủy hoại các cơ quan nội tạng quan trọng của người như lá lách, gan, phổi, tủy sống hay não.
SÁT THỦ TRONG CƠ THỂ MONG MANH
Theo số liệu của WHO, năm 2016 ước tính có ít nhất 206,5 triệu người cần điều trị dự phòng căn bệnh do sán máng gây ra. Chỉ hơn 88 triệu người trong số họ đã được điều trị. Cũng theo WHO, căn bệnh này đã được phát hiện ở hơn 78 quốc gia, phần lớn là ở các quốc gia nghèo đói và kém phát triển.
Ấu trùng có thể xâm nhập qua da trong vòng vài phút sau khi phơi nhiễm và chuyển thành sán kí sinh ở các mạch máu, từ đó di chuyển tới các cơ quan nội tạng nơi chúng tiếp tục phát triển, gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe của con người.
Ảnh: smhs.gwu.edu
Không dừng lại ở đó, sán trưởng thành có thể tiếp tục đẻ trứng ở trong cơ thể người. Một số lượng trứng nhất định sẽ được thải ra khỏi cơ thể qua phân và nước tiểu, chúng sẽ nở ra khi tiếp xúc với nước ngọt, phát triển thành ấu trùng và xâm nhập trở lại vào ốc sên. Một số trứng khác thì kẹt lại trong các mạch, mô của cơ thể gây ra các phản ứng miễn dịch và tổn thương cho các cơ quan nội tạng.
Các triệu chứng của căn bệnh đến từ loài ốc sên nhỏ bé mong manh có thể kể đến như viêm da, sau vài tuần sẽ chuyển thành các cơn sốt, ớn lạnh, buồn nôn, đau bụng, đau cơ, thậm chí là tiêu chảy có máu và tiểu ra máu.
92% những người mắc phải bệnh này sống ở Châu Phi. Theo WHO, có từ 24.000 đến hơn 200.000 trường hợp tử vong mỗi năm do sán máng từ ấu trùng ký sinh trên ốc sên gây ra.
Giải pháp chính để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này là đảm bảo quyền tiếp cận với nguồn nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, giáo dục vệ sinh và đặc biệt là phòng chống ốc sên.
https://soha.vn/cho-thay-cu-lan-ma-khinh-re-loai-vat-day-vuon-nay-hoa-ra-nguy-hiem-gap-boi-lan-ca-map-2021123010555139.htm