Chọn Quan Vũ giữ Kinh Châu, Lưu Bị mắc sai lầm lớn: Nếu chọn người này, kết cục hoàn mỹ!

Trong Tam Quốc, Lưu Bị bước chân vào vũ đài chính trị ở thế yếu hơn hẳn so với Tào Tháo và Tôn Quyền. Nửa đời chinh chiến khắp nơi, từ chỗ mang tiếng là “kẻ ăn nhờ, ở đậu”, cuối cùng Lưu Bị cũng có được Kinh Châu, căn cứ địa trọng yếu thời Tam Quốc. Đây cũng chính là vốn liếng vững chắc đầu tiên mà Lưu Bị có được theo đúng như trong “Long Trung đối sách” mà Gia Cát Lượng đề ra.

Để có thể xây dựng cơ nghiệp thống nhất thiên hạ trong Tam Quốc, Kinh Châu chính là căn cứ quan trọng mà Lưu Bị cần chinh phục được. Kinh Châu trọng yếu bởi có vị trí địa lý đặc biệt, là cửa ngõ ở ba nước và đây cũng chính là chiến trường của các thế lực quân sự mạnh nhất.

Quan Vũ bất cẩn để mất Kinh Châu, gián tiếp gây nên thiệt hại nghiêm trọng cho Thục Hán.

Tuy nhiên, năm 219, Quan Vũ lại bất cẩn để mất Kinh Châu. Sau đó, vị tướng đứng đầu “Ngũ hổ tướng” cũng bị quân Đông Ngô giết chết. Sự mất mát nặng nề này đã làm thay đổi cục diện của Thục Hán, tiêu biểu là thất bại nặng nề tại trận Di Lăng và sự ra đi của Lưu Bị khi sự nghiệp phục hưng Hán thất vẫn còn dang dở. Thục Hán từ đó cũng suy yếu, đánh mất cơ hội thống nhất thiên hạ.

Nhìn kết cục này, nhiều người cho rằng nếu Lưu Bị chọn người khác trấn thủ Kinh Châu thì có lẽ sự biến đã không đến nông nỗi trên.

Tuy nhiên, nếu xét trên cục diện của Thục Hán lúc bấy giờ, không phải Quan Vũ hay Trương Phi, Mã Siêu, mà có lẽ chỉ một người mới có thể nắm giữ trọng trách trấn giữ Kinh Châu. Đó là ai?

Quan Vũ không phải là lựa chọn hoàn hảo?

“Ngũ hổ tướng” của Thục Hán.

Chiếm được Kinh Châu nhưng Lưu Bị bấy giờ phải quay về Thục. Vậy, ai mới là người nên được giao trọng trách trấn giữ Kinh Châu? Trong các mãnh tướng dưới trướng của Lưu Bị, “Ngũ hổ tướng” là mạnh nhất. Nếu xét trong 5 người gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu, ai mới là người thích hợp nhất để làm nhiệm vụ này?

Thứ nhất, nếu chọn Hoàng Trung thì có lẽ Quan Vũ sẽ là người phản đối, bởi ông vốn không coi trọng lão tướng này. Hơn nữa, Hoàng Trung đã lớn tuổi nên việc trấn thủ Kinh Châu cũng không thích hợp.

Trong khi đó, mãnh tướng Mã Siêu thì vừa quy hàng Lưu Bị chưa được bao lâu nên vị quân chủ này chưa tin tưởng nhiều. Mặt khác, Mã Siêu giỏi về kỵ binh nên việc trấn giữ Kinh Châu rõ ràng là không thích hợp.

Trương Phi vô cùng bản lĩnh, võ lực địch vạn người, nhưng lại có nhược điểm chí mạng.

Võ tướng Trương Phi tuy là người có võ lực địch vạn người, nhưng tính tình nóng nảy, cục cằn, thường hay đánh binh sĩ, gây sự sau khi uống say, nên Lưu Bị cũng không thể chọn ông cho nhiệm vụ quan trọng này.

Xét trên Ngũ hổ tướng, bấy giờ chỉ còn lại Quan Vũ và Triệu Vân là ngang tài, ngang sức. Nhưng cuối cùng, Lưu Bị lại chọn Quan Vũ bởi ông là người có danh vọng, nhiều kinh nghiệm và uy tín lớn, đồng thời là võ tướng nổi tiếng từ cuối thời Đông Hán, đã chinh chiến nhiều nơi, và từng được cả ba thế lực (Ngụy – Thục – Ngô) mong muốn chiêu mộ và kiêng dè.

Mặt khác, Quan Vũ cũng là võ tướng rất mạnh về thủy chiến, thích hợp canh giữ Kinh Châu, nơi có nhiều sông ngòi dày đặc.

Tuy nhiên, quyết định chọn Quan Vũ cũng khiến Thục Hán rơi vào tình thế bấp bênh sau này. Chỉ vì nhược điểm chí mạng là quá kiêu ngạo, Quan Vũ đã bất cẩn để mất Kinh Châu, gián tiếp khiến Thục Hán suy yếu.

Nếu Lưu Bị chọn Triệu Vân, kết cục có gì khác?

Thứ nhất, trong thời gian Lưu Bị đánh Lưu Chương, Triệu Vân từng cùng Trương Phi ra tay giúp đỡ. Vì vậy, vị tướng này rất quen thuộc với việc phòng ngự Kinh Châu.

Thứ hai, khác với Quan Vũ, Triệu Vân là một Nho tướng điển hình. Ông tuy dũng mãnh hơn người nhưng lại là người chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo. Có thể nói Triệu Vân là một mãnh tướng văn võ song toàn hiếm có trong Tam Quốc.

Quan Vũ quá kiêu ngạo nên có thể khiến quan hệ với Tôn Quyền trở nên căng thẳng, trong khi Triệu Vân lại là người có nhiều phẩm chất đáng quý, có tài thao lược. Hơn nữa, do từng ở bên Lưu Bị suốt thời gian dài nên Triệu Vân cũng học được cách xử lý hài hòa với Đông Ngô. Ông nhất định xây dựng và duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với Tôn Quyền.

Nếu Lưu Bị chọn Triệu Vân trấn thủ Kinh Châu, cục diện và số phận của Thục Hán sẽ khác.

Ngoài ra, nếu Triệu Vân trấn thủ Kinh Châu, ắt hẳn sẽ không xảy ra xích mích với Sĩ Nhân và My Phương. Khi Đông Ngô đánh Kinh Châu, Sĩ Nhân và My Phương cũng sẽ không đầu hàng. Từ đó, nếu có tổn thất thì cũng không đến mức để mất Kinh Châu.

Sau khi biết tin Quan Vũ bị sát hại, do nóng lòng muốn báo thù nên Lưu Bị định tấn công Đông Ngô. Lúc này, Triệu Vân đã can ngăn, đồng thời khuyên Lưu Bị tấn công Tào Tháo trước, nhưng vị quân chủ của Thục Hán nhất quyết không nghe. Kết quả, Thục Hán đại bại ở trận Di Lăng.

Cả về bản lĩnh và tài thao lược, Triệu Vân rõ ràng không hề thua kém Quan Vũ, thậm chí còn có phần vượt trội hơn bởi nhiều phẩm chất hiếm có.

Nếu Lưu Bị chọn Triệu Vân trấn giữ Kinh Châu thì có lẽ vùng đất này cũng không mất, Quan Vũ không bỏ mạng đầy tiếc nuối như vậy, Lưu Bị vì thế cũng không đánh Đông Ngô, Thục Hán có cơ hội tốt để thống nhất thiên hạ.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, QQ, Toutiao

https://soha.vn/chon-quan-vu-giu-kinh-chau-luu-bi-mac-sai-lam-lon-neu-chon-nguoi-nay-ket-cuc-hoan-my-2021122523094538.htm