Dùng hỏa công "đánh úp" Tư Mã Ý, lửa bị dập tắt: Vì sao Gia Cát Lượng lại không đuổi theo?

Trong Tam Quốc, cuộc đối đầu giữa hai tập đoàn chính trị là Tào Ngụy và Thục Hán luôn là chủ đề hấp dẫn và kịch tính. Đặc biệt, ở giai đoạn sau này, khi Tào Tháo và Lưu Bị đều đã qua đời, cuộc đọ sức và tài trí trên vũ đài quân sự giữa Gia Cát LượngTư Mã Ý diễn ra vô cùng sôi nổi.

Trong chiến dịch Bắc phạt, Gia Cát Lượng hiểu rằng muốn đánh bại được Ngụy thì phải trừ khử được Tư Mã Ý, trướng ngại lớn nhất khiến thừa tướng của Thục Hán hao tâm tổn trí.

Tư Mã Ý chính là địch thủ khiến Gia Cát Lượng phải hao tâm tổn trí nhiều nhất.

Một trong những cuộc đối đầu nảy lửa cho thấy tài trí và khả năng thao lược hơn người của Gia Cát Lượng, chính là trận đánh úp ở Thượng Phương Cốc.

Theo Tam Quốc diễn nghĩa, vào mùa xuân năm 234, Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý đang chuẩn bị cho một trận chiến. Gia Cát Lượng dẫn theo 350.000 binh mã, trong khi Tư Mã Ý thống lĩnh 400.000 quân. Về quân số, đương nhiên Tư Mã Ý có ưu thế lớn, nhưng Gia Cát Lượng nổi tiếng là bậc tài trí nên không thể xem thường.

Xét trên tình thế về lương thảo có hạn, không thể trường kỳ kháng chiến, nên Gia Cát Lượng nhất định phải tìm ra một nơi có địa thế phù hợp để tiến hành một trận đánh quyết định nhằm hạ gục kỳ phùng địch thủ là Tư Mã Ý.

Trong lúc còn đang suy tính, tình cờ Gia Cát Lượng tìm thấy một nơi có địa thế lý tưởng này. Đó là Thượng Phương Cốc.

Theo đó, Gia Cát Lượng phát hiện một nơi có hình dạng như quả bầu, nằm giữa hai sườn núi, ở giữa phình rộng ra, lối vào hẹp chỉ cho phép một người một ngựa đi vừa, nhưng bên trong có thể chứa tới hàng nghìn người.

Khi nhìn thấy nơi này, Gia Cát Lượng mừng rõ và hỏi người dẫn đường thì được biết nơi đây gọi là Thượng Phương Cốc. Ông quyết định chọn nơi này để bày mai phục triệt hạ Tư Mã Ý.

Khích tướng khiến kẻ địch ra mặt và sa bẫy

Ban đầu, Gia Cát Lượng ra lệnh cho người vận chuyển củi khô, hỏa dược và các quân dụng khác đến Thượng Phương Cốc để phục vụ cho kế hỏa công, đồng thời bịt kín đường lui, cho quân mai phục sẵn. Mọi thứ đã sẵn sàng và giờ chỉ còn cách dẫn dụ kẻ địch Tư Mã Ý sa bẫy mà thôi.

Để có thể ép được đối thủ nổi tiếng là đa nghi và cẩn trọng như Tư Mã Ý ra mặt, Gia Cát Lượng đã thực hiện nhiều mưu kế “khích tướng”.

Thứ nhất, Gia Cát Lượng phái người đem ngựa gỗ, trâu máy chở lương thảo tới Thượng Phương Cốc. Thứ hai, ông phái Ngụy Diên dẫn theo một nhóm quân đi khiêu khích Tư Mã Ý, nhưng chỉ có thể bại, không được phép thắng, sau cùng dẫn dụ kẻ địch tới nơi mai phục là Thượng Phương Cốc.

Ngay khi Tư Mã Ý cùng đại quân Ngụy tiến vào Thượng Phương Cốc, Gia Cát Lượng đã lệnh cho quân mai phục phóng hỏa, kích nổ số hỏa dược đã chuẩn bị từ trước, thành công biến Thượng Phương Cốc trở thành một biển lửa.

Tư Mã Ý không ngờ bị mai phục hỏa công trong Thượng Phương Cốc.

Tư Mã Ý tưởng như lúc đó không còn đường lui thì bất ngờ trời đổ trận mưa lớn khiến lửa trong cốc đều bị dập tắt. Mưu kế của Gia Cát Lượng chỉ còn thiếu một chút nữa là đã thành, nhưng cuối cùng lại thất bại. Đúng là người tính không bằng trời tính.

Thoát chết trong gang tấc, Tư Mã Ý sau đó liền vội vàng tháo chạy, còn Gia Cát Lượng chỉ đành than rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” (có nghĩa là “Mưu việc tại người, thành việc do trời”).

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, ngay khi lửa ở Thượng Phương Cốc vừa tắt, tại sao Gia Cát Lượng không dùng cung tên để kết liễu Tư Mã Ý? Há chẳng phải là tha mạng cho Tư Mã Ý hay sao?

Vì sao Gia Cát Lượng tha mạng cho Tư Mã Ý?

Gia Cát Lượng nổi tiếng thần cơ diệu toán. Việc ông không cho người bắn tên cũng như cho quân truy sát Tư Mã Ý trên đường tháo chạy khỏi Thượng Phương Cốc, hẳn đều phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Dưới đây là 2 nguyên nhân khiến Gia Cát Lượng từ bỏ cơ hội vàng để trừ khử Tư Mã Ý.

Diệu kế dùng hỏa công của Gia Cát Lượng đổ bể vì một trận mưa.

Thứ nhất, chênh lệch về lực lượng binh sĩ.

Do quá tin vào diệu kế của mình nên Gia Cát Lượng không có phương án dự phòng cho tình huống ngoại lệ. Ban đầu, để có thể dụ Tư Mã Ý vào Thượng Phương Cốc, Ngụy Diên chỉ mang theo rất ít binh sĩ. Trong khi đó, số quân sĩ phụ trách mai phục ở lối ra cũng chỉ vài trăm người.

Hơn nữa, do không có kế hoạch dự phòng nên binh sĩ của Thục Hán cũng không đủ cung tên để bắn quân địch. Mặt khác, khoảng cách lớn cũng khiến việc nhắm bắn chính xác trở nên khó khả thi.

Với lực lượng ít ỏi này thì khó mà cản được đại quân của Tào Ngụy lên tới hàng nghìn người. Hơn nữa, phần còn lại của đội quân do Tư Mã Ý thống lĩnh còn đợi ở bên ngoài thung lũng. Do đó, nếu Gia Cát Lượng nhất quyết dùng cách bắn tên hoặc truy sát Tư Mã Ý đến cùng thì thiệt hại của quân Thục là không nhỏ.

Gia Cát Lượng không cho quân đuổi theo truy sát Tư Mã Ý có lẽ là do ý trời.

Thứ hai, trong một trận chiến, việc quan trọng nhất chính là đúng chỗ, đúng người và đúng thời điểm. Trong trận tập kích ở Thượng Phương Cốc, ngọn lửa lớn như vậy lại bị một trận mưa dập tắt. Đây có lẽ là ý trời đã giúp Tư Mã Ý thoát chết.

Người xưa thường kỵ nhất là làm việc trái với ý trời. Gia Cát Lượng là người hiểu rõ điều đó không thể cưỡng cầu nên chỉ đành ngậm ngùi để Tư Mã Ý chạy thoát thân.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Toutiao, Baidu

https://soha.vn/dung-hoa-cong-danh-up-tu-ma-y-lua-bi-dap-tat-vi-sao-gia-cat-luong-lai-khong-duoi-theo-20220102013800954.htm