F0 có cần test nhanh hằng ngày không: Chuyên gia trả lời, chỉ ra 2 thời điểm cần test

Rất nhiều F0 cách ly tại nhà ngày nào cũng tự test nhanh, tuy nhiên chuyên gia cho rằng điều này là không cần thiết.

F0 tự cách ly điều trị tại nhà hiện nay rất phổ biến, chỉ những người trở nặng mới cần đi bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều F0 không biết họ nên test nhanh bao nhiêu lần mới dược.

TS. Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (Đại học Nguyễn Tất Thành), cho biết khi mắc Covid-19, không cần thiết phải xét nghiệm thường xuyên. Điều quan trọng nhất của bệnh nhân mắc Covid-19 là theo dõi các triệu chứng để biết bệnh có nặng lên hay không.

Theo TS Minh, có 2 thời điểm cần phải thực hiện test nhanh.

– Thời điểm có triệu chứng: Test nhanh Covid-19 để xem có bị dương tính hay không

– Thời điểm ngày thứ 5 hoặc thứ 7, hoặc thứ 14: Test nhanh Covid để biết đã âm tính hay chưa, tùy thuộc triệu chứng đã cải thiện vào thời điểm nào.

Phần lớn mọi người sẽ xét nghiệm test nhanh ra vạch T mờ vào khoảng ngày thứ 10 kể từ khi phát hiện triệu chứng. Tuy nhiên, đối với người sức khoẻ yếu, miễn dịch suy yếu thì thời gian dương tính sẽ kéo dài hơn.

TS Minh lưu ý trong trường hợp người chưa có biểu hiện triệu chứng như rát họng, ho, sốt, mệt mỏi… thì độ chính xác rất kém. Đối với trường hợp chưa có triệu chứng, nếu tiếp xúc trực tiếp với F0 có thể test sau 2- 3 ngày, lúc này test nhanh mới chính xác.

Các trường hợp đã hết triệu chứng nhưng test nhanh vẫn ra vạch T đậm cũng không phải lo lắng vì đây là giai đoạn cơ thể đang đào thải virus, phần lớn các virus này không còn lây bệnh dễ dàng như trong vài ngày đầu nữa.

“Người dân không nhất thiết cần phải tích trữ nhiều test trong nhà và test thường xuyên. Đối với gia đình đông người, nếu quá nửa là F0 thì không nhất thiết cần phải test tất cả vì có thể cả gia đình đã bị lây nhiễm, đặc biệt là những thành viên gia đình đã biểu hiện ra triệu chứng. Thời gian chuyển từ âm tính sang dương tính bằng kit test nhanh có thể tùy thuộc từng người, mặc dù nhiễm virus vào cùng một thời điểm. Thay bằng việc quan tâm tới kết quả test hàng ngày thì hãy cách ly và chăm sóc lẫn nhau để hết các triệu chứng.

Trên thực tế, test nhanh có độ nhạy kém khi người bệnh chưa có triệu chứng. Do vậy một người xét nghiệm âm tính nhưng thực tế có thể vẫn đang mang virus”, TS.Minh nói.

BS Bùi Nghĩa Thịnh – Phòng khám Gia đình TP HCM cho hay, theo WHO, đối với người không có triệu chứng, sau 10 ngày không cần phải xét nghiệm vì đã hết virus. Với người có triệu chứng thì 10 ngày sau khi khởi phát triệu chứng có thể test lại. Như vậy, người bệnh chỉ cần xét nghiệm để khẳng định dương tính và theo dõi triệu chứng hàng ngày, không nhất thiết phải xét nghiệm hằng ngày.

“Chúng ta không cần thiết làm xét nghiệm âm tính gây thêm lo lắng, lãng phí. Với trường hợp bệnh nhân cần phải quay trở lại làm việc, tôi thường khuyên bệnh nhân xét nghiệm vào ngày thứ 5 nếu, chưa âm tính thì đợi tới ngày thứ 7 xét nghiệm. Trong trường hợp ngày thứ 7 chưa âm tính thì có thể xét nghiệm vào ngày thứ 14. Lưu ý, sau khi test âm tính vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách”, bác sĩ Thịnh nói.

Test nhanh vạch mờ vạch đậm nghĩa là gì?

Trả lời câu hỏi này, TS Minh lý giải nếu vạch đối chứng C đậm và vạch T mờ thì rất có thể trường hợp này mới nhiễm virus.

Kết quả test có vạch mờ vạch đậm có nghĩa là người này mới nhiễm từ 2-3 ngày hoặc đã nhiễm 6-7 ngày, khi đã qua đỉnh tải lượng virus. Khi 2 vạch đậm ngang bằng nhau thì người nhiễm có thể đã nhiễm virus từ 4-5 ngày.

Nếu vào thời điểm test mà F0 đã ổn định sức khỏe sau 7-10 ngày thì vạch T đậm hay nhạt hơn vạch C cũng không thực sự quan trọng. Khi đã ổn định sức khỏe thì đây chỉ là dấu hiệu virus đã suy giảm khả năng lây nhiễm.

Còn khi vạch T mờ hơn nhiều vạch C và người bệnh xác định được mới nhiễm virus và có thêm nhiều triệu chứng thì cần cẩn thận theo dõi các nguy cơ có thể chuyển nặng.

“Do vậy khi tư vấn đọc test kit cho mọi người, tôi luôn lưu ý mọi người cần phải làm chính xác các thao tác và theo dõi triệu chứng của mình.

Việc theo dõi thời gian mốc 7-10 ngày từ khi nhiễm virus là rất quan trọng để biết được nguy cơ có thể chuyển nặng và khả năng lây nhiễm cho mọi người xung quanh. Dựa vào kết quả kết nhanh và xác định các nguy cơ tiếp xúc mọi người hoàn toàn có thể ước chừng mình đã nhiễm virus bao nhiêu ngày”, TS Minh nói.