Giải mã sự biến mất của nền văn minh tiên tiến Trung Quốc
Trầm tích còn lưu giữ tại khu vực này cho thấy thành phố Liangzhu đã phải hứng chịu những trận lũ lụt vô cùng khốc liệt.
“Venice phương Đông”
Khoảng 5.300 năm trước, nền văn minh cổ đại Liangzhu được hình thành tại Đồng bằng sông Dương Tử, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, cách Thượng Hải khoảng 160km. Là một trong những nền văn minh cổ đại rực rỡ nhất tại châu Á, người Liangzhu đã khép lại thời kỳ đồ đá tại xứ tỷ dân.
Thành phố Liangzhu từng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Dựa trên tàn tích khảo cổ, các nhà khoa học tìm thấy nhiều minh chứng cho sự tiến bộ về mặt xã hội, văn hóa và công nghệ trong thời kỳ này.
Sự phát triển mạnh mẽ nhất nằm ở lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Người Liangzhu đã xây dựng hệ thống thủy lực thông minh dẫn nước vào các kênh đào, đập, hồ biến thành phố trở thành “Venice của phương Đông” trong thời kỳ đồ đá. Thời kỳ này, người dân thường dựng nhà sàn, cách xa mặt đất nằm gần kênh, đào hoặc bờ biển.
Ước tính, diện tích của thành phố Liangzhu là 290 ha, được bao quanh bởi những bức tường đất sét với 6 cổng thành lớn. Tại mỗi hướng Bắc, Đông, Nam, 2 cổng thành được xây dựng vững chắc. Trung tâm của thành phố là một cung điện rộng 30 ha, với kiến trúc chống ngập lụt.
Xung quanh có nhiều gò đất, ngọn đồi tự nhiên. Toàn bộ công trình này cho thấy, người dân Liangzhu đã xây dựng nên một cấu trúc xã hội tương đối phức tạp, mang nhiều đặc điểm “vượt thời gian”.
Nhà địa chất học Christoph Spötl, làm việc tại Trường Đại học Innsbruck, Áo, giải thích: “Chúng tôi tìm thấy một lớp đất sét mỏng trên các tàn tích tại khu vực từng là thành phố Liangzhu. Đây có thể là bằng chứng cho mối liên hệ giữa sự sụp đổ của nền văn minh Liangzhu và lũ lụt từ sông Dương Tử. Tuy nhiên, chưa thể kết luận rõ ràng chỉ từ một lớp bùn”.
Tuy nhiên, nền văn minh Liangzhu không tồn tại lâu dài. Sau một thiên niên kỷ, thành phố đột ngột bị bỏ hoang. Có giả thuyết cho rằng, những trận lũ lụt thảm khốc đã phá hủy nền văn minh tân tiến này.
Từ giả thuyết trên, ông Christoph Spötl và các cộng sự đã nghiên cứu sâu hơn về trận đại hồng thủy nhấn chìm thành phố Liangzhu, từ đó vẽ nên bức tranh tương đối toàn cảnh đằng sau sự sụp đổ của “Venice phương Đông”.
Bên cạnh lớp bùn đất còn sót lại, các nhà địa chất đã nghiên cứu vào các hang động trong khu vực.
Họ thu thập được nhiều măng đá, thạch nhũ từ hai hang động nằm sâu dưới nước, nơi còn lưu giữ dấu hiệu hóa học trong điều kiện khí hậu từ thời kỳ đồ đá. Để kiểm tra khu vực này từng chịu lũ lụt hay không, các nhà khoa học đã xác định niên đại và cấu trúc của măng đá, thạch nhũ thông qua phương pháp đồng vị carbon.
Đồng bằng sông Dương Tử từng là “quê hương” của nhiều nền văn minh tiên tiến.
Chìm trong biển lũ
Kết quả phân tích các mẫu thạch nhũ cho thấy, sự sụp đổ của thành phố Liangzhu trùng khớp với giai đoạn khu vực này xuất hiện mưa lớn kéo dài nhiều thập kỷ. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt được cho là do sự tác động của hiện tượng El Nino, còn gọi là Dao động phương Nam.
Là hiện tượng thời tiết bất thường gây thảm họa cho con người hơn 5.000 năm nay, El Nino chỉ việc nước biển nóng lên, gây ảnh hưởng đến thời tiết trên phạm vi toàn cầu. El Nino gây ra mưa bão, lũ lụt gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người. Ở một số khu vực Đông bán cầu, El Nino gây ra hiện tượng hạn hán kéo dài.
Ông Spötl cho biết: Kết quả này trùng khớp với các sự kiện khí hậu diễn ra trong lịch sử. Những trận mưa lớn khiến mực nước tại sông Dương Tử dâng cao, dẫn đến lũ lụt. Trong khi đó, thành phố Liangzhu lại khơi dẫn nhiều kênh, đào, hồ nước nên khi mực nước sông dâng cao, nó sẽ phá hủy toàn thành phố, buộc người dân phải sơ tán.
Theo các nhà nghiên cứu, những trường hợp biến đổi khí hậu trước đây ở khu vực Đồng bằng sông Dương Tử cũng đã gây tác động tiêu cực đến nhiều nền văn hóa trong thời kỳ đồ đá.
Nền văn minh Liangzhu may mắn được hình thành và phát triển thịnh vượng trong điều kiện môi trường khô hạn, khí hậu tương đối ổn định. Song khi El Nino diễn ra, Liangzhu cũng không thể tránh khỏi kết cục ảm đạm như những nền văn minh khác.
Ông Spötl giải thích, các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, người dân tại thành phố Liangzhu đã thiết kế hệ thống thủy lực quy mô lớn như đập đất, hệ thống kênh, đào.
Người dân trong thời kỳ này đã quản lý hiệu quả nguồn nước bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng giảm thiểu lũ lụt, hỗ trợ tưới tiêu cho ngành nông nghiệp, chăn nuôi thủy hải sản khi khí hậu khô hạn.
Tuy nhiên, theo thời gian, khí hậu ngày càng trở nên khô hạn hơn. Đỉnh điểm vào khoảng 4.400 năm trước, nơi này từng xảy ra hiện tượng “siêu hạn hán”. Các đập nước trong thành phố rơi vào tình trạng khô cằn buộc người dân phải tiếp tục mở rộng quy mô của hệ thống thủy lực.
Thế rồi, những cơn mưa ập đến liên tục, dai dẳng trong thời gian dài vào khoảng 4.400 đến 4.300 năm trước Công nguyên. Các ghi chép bảo tồn hang động và bằng chứng địa hóa về trầm tích tại khu vực thành phố Liangzhu đã chỉ ra tàn tích lũ lụt để lại như phù sa.
Trong hàng trăm năm sau đó, tàn tích của lũ lụt vẫn còn đọng lại nhưng không còn khắc nghiệt như xưa nên nhiều người dân đã đến đây sinh sống. Tuy nhiên, họ không thể xây dựng một thành phố quy mô như trước đây.
Cùng thời gian này, lịch sử Trung Quốc bước sang chương mới với sự thành lập của triều đại nhà Hạ vào năm 2070 trước Công nguyên, triều đại đầu tiên tại Trung Quốc. Vua nhà Hạ đã đối phó tương đối thành công với các trận lũ lụt sau đó nền văn minh Liangzhu dần rơi vào quên lãng. Còn những người dân Liangzhu đã phân tán đi tứ phương và không bao giờ quay trở lại.