Khoa học chỉ ra 1 nhóm người chống Covid-19 rất tốt! Bất ngờ về kết quả trắc nghiệm MBTI

Hẳn là nhiều người trong chúng ta đã nghe đến khái niệm người hướng nội – người hướng ngoại rất phổ biến trong cuộc sống, và có lẽ không ít người, dù không nói ra, nhưng cũng thường cảm thấy mình “hợp” với một trong hai xu hướng đó.

Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi: Vì sao lại có sự phân chia này, nó có ý nghĩa gì trong cuộc sống, và, trong thời kỳ dịch Covid-19 với những khuyến cáo liên quan đến giao tiếp xã hội có liên quan gì đến các “kiểu” tính cách này không? Sau đây là câu trả lời khả dĩ cho bạn.

Hướng nội – Hướng ngoại và lý thuyết của Carl Jung

Thời gian đầu của đại dịch Covid-19, khi thế giới chỉ có cách duy nhất ứng phó với sự lây lan của virus COVID-19 là áp dụng các biện pháp giãn cách hoặc phong tỏa. Có một số người lại nhận ra rằng hóa ra “lối sống thời phong tỏa” vốn lại giống… xu hướng sống bình thường của họ!

Bởi vì, những người này có xu hướng thích ở nhà nhiều hơn, không nhiều nhu cầu giao tiếp xã hội.

Được gọi tên chung là “người hướng nội” (introverts), nhóm người này có kiểu thích ứng nhẹ nhàng hơn với giãn cách/phong tỏa trong đại dịch so với nhóm ngược lại – những “người hướng ngoại” (extroverts).

Có những bức ảnh chế hài hước mô tả người hướng nội đã “luyện tập cả đời cho thời khắc phong tỏa” tràn ngập Internet một thời.

Hướng nội và hướng ngoại là khái niệm lần đầu được đề cập trong cuốn sách “Psychological Types” (tạm dịch: Các mẫu hình tâm lý) được xuất bản năm 1921 bằng tiếng Đức của Carl Jung – nhà phân tâm học người Thụy Sĩ.

Carl Jung ban đầu là một học trò xuất sắc của Sigmund Freud (cha đẻ thuyết “Phân tâm học”), nhưng sau này ông chọn con đường khác với nhiều quan điểm trái chiều với thầy của mình.

Cuốn sách rất nổi tiếng này là kết quả của 20 năm Carl Jung làm việc thực tiễn, dưới vai trò một bác sỹ, một nhà tâm lý học trị liệu, nhằm mục đích giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân với thế giới, với mọi người và mọi thứ xung quanh.

Trong lý thuyết mình đề ra, Carl Jung cho rằng con người có 4 chức năng tâm lý: 2 chức năng lý trí (rational) là tư duy (thinking) và tình cảm (feeling), còn 2 chức năng phi lý trí (irrational) là và cảm giác (sensation) và trực giác (intuition).

Người thiên về tư duy sẽ quyết định mọi việc dựa vào logic, khách quan, trong khi người thiên về tình cảm sẽ quyết định dựa vào giá trị cá nhân, chủ quan. Người thiên về cảm giác thì tin vào những gì họ mắt thấy tai nghe được, trái lại, người thiên về trực giác thì tin vào những gì họ thấy ấn tượng.

Bên cạnh đó, con người có 2 cách cơ bản để điều hướng năng lượng bản thân: Ra bên ngoài (hướng ngoại – extroverts) và vào bên trong (hướng nội – introverts).

Từ những đặc điểm chức năng tâm lý và kiểu điều hướng năng lượng như vậy, theo Carl Jung, sẽ có 8 loại hình tính cách khác nhau:

1. Tư duy hướng ngoại (extraverted thinking)

2. Tư duy hướng nội (introverted thinking)

3. Tình cảm hướng ngoại (extraverted feeling)

4. Tình cảm hướng nội (introverted feeling)

5. Cảm giác hướng ngoại (extraverted sensation)

6. Cảm giác hướng nội (introverted sensation)

7. Trực giác hướng ngoại (extraverted intuitive)

8. Trực giác hướng nội (introverted intuitive)

MBTI: Trắc nghiệm tính cách phổ biến nhất

Cách phân loại tính cách của Carl Jung được phát triển dựa trên phân tích thống kê và nghiên cứu thực tiễn của ông. Ứng dụng từ lý thuyết này, nhà tâm lý học người Mỹ Katherine Cook Briggs cùng con gái của bà, Isabel Briggs Myers, đã xây dựng nên một bộ trắc nghiệm tính cách MBTI (Myers-Briggs Type Indicator).

MBTI được công bố vào năm 1962, là phương pháp phân loại tính cách dựa vào việc trả lời một bộ trắc nghiệm tỉ mỉ và dài. 

Theo phương pháp MBTI, tổng thể tính cách mỗi người bao gồm 4 nhóm cơ bản, mỗi nhóm là một cặp lưỡng phân của 8 yếu tố chức năng, nhận thức. 

3 nhóm đầu phát triển từ lý thuyết của Carl Jung, bao gồm: 

– Xu hướng Tự nhiên: Hướng ngoại (Extroversion) – Hướng nội (Introversion); 

– Tìm hiểu và Nhận thức Thế giới: Cảm giác (Sensing) – Trực giác (iNtution); 

– Quyết định và chọn lựa: Tư duy (Thinking) – Tình cảm (Feeling). 

Nhóm cuối cùng được hai nhà tâm lý bổ sung thêm đó là: 

– Cách thức và Hành động: Nguyên tắc (Judgment) – Linh hoạt (Perception).  

Dựa vào đó, con người được phân loại thành 16 loại tính cách, biểu trưng bằng những bốn chữ cái đầu của một yếu tố nổi trội trong mỗi nhóm. 

Hình ảnh các nhân vật thế giới truyện tranh Marvel dưới đây là một minh họa khá dễ hiểu về 16 loại tính cách, là sự phối kết hợp của 4 nhóm khác nhau nêu trên. Chẳng hạn, tính cách của nhân vật Spider Man (Người Nhện) thuộc nhóm INFP – tức là Hướng nội (Introversion) – Trực giác (iNtution) – Tình cảm (Feeling) – Linh hoạt (Perception).   

Thông thường, bỏ ra khoảng 30 phút tập trung thực hiện bộ trắc nghiệm sẽ giúp một người hiểu rõ bản thân hơn và cũng hiểu hơn về những người xung quanh. Do đó, MBTI cũng được coi là một công cụ hỗ trợ đắc lực giúp nhiều doanh nghiệp tìm được nhân viên phù hợp với các nhu cầu tuyển dụng khác nhau của họ.

Tuy nhiên, cũng có những đánh giá cho rằng cấu trúc tính cách theo phương pháp trắc nghiệm MBTI có sự thay đổi lớn, thậm chí có thể coi là “bóp méo” lý thuyết của Carl Jung. 

MBTI mặc dù bị nhiều người phê phán là yếu về phương pháp luận, kém hợp lệ về thống kê và kém tin cậy, nhưng vẫn phổ biến nhất vì dễ tiếp cận với số đông. 

Theo Forbes, 80% doanh nghiệp trong danh sách Fortune 100 từng dùng MBTI để xây dựng tổ chức.

Cơ sở sinh học của hướng nội – hướng ngoại

Ngoài MBTI, hướng nội – hướng ngoại còn được nhắc đến trong nhiều lý thuyết tính cách khác như mô hình 5 tính cách lớn (Big Five model), mô hình 3 yếu tố của Hans Eysenck, 16 yếu tố tính cách của Raymond Cattell, hay thống kê nhân cách đa pha (MMPI)…

Nhà tâm lý học Hans Eysenck đã đưa ra lời giải thích hướng nội – hướng ngoại từ cơ sở tâm sinh lý học. 

Theo cuốn sách “The Biological Basis of Personality” (tạm dịch: Cơ sở sinh học của tính cách, xuất bản năm 1967), điều phân biệt người hướng nội – hướng ngoại là mức độ phản ứng của não bộ với cùng một kích thích khác nhau. Người hướng ngoại có mức độ kích thích vỏ não cơ bản (base line of arousal) thấp hơn so với người hướng nội, do đường dẫn truyền xung thần kinh tiếp nhận các kích thích từ bên ngoài tới não bộ ngắn hơn.

Sau này, kỹ thuật chụp điện não (brain scan) đã chứng minh Hans Eysenck đúng. Lớp vỏ bọc trước trán (prefrontal cortices) ở người hướng nội dày hơn so với ở người hướng ngoại, khiến họ có xu hướng lập kế hoạch và suy nghĩ sâu sắc hơn.

Do vậy, hành vi hướng ngoại là hoạt động tìm kiếm kích thích bên ngoài để nâng cao mức độ kích thích vỏ não. Những người hướng nội có thể chỉ cần đi dạo nhẹ nhàng là đủ, nhưng người hướng ngoại cần cảm giác mạnh, phiêu lưu hơn mới đủ khiến họ phấn khích.

Hướng nội – hướng ngoại: Khái niệm phổ biến nhất

Từ lý thuyết nguyên bản của Carl Jung cho đến các lý thuyết ứng dụng phức tạp sau này, các phương tiện truyền thông đã đơn giản hóa và phổ biến khái niệm hướng nội – hướng ngoại, khiến đây trở thành nét tính cách đặc trưng nhất ở mỗi người, bỏ qua hết những đặc điểm khác.

Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý là ngay cả Jung cũng cho rằng không khi nào có người thuần hướng nội hoặc hướng ngoại. “Người như thế sẽ ở trong nhà thương điên”, ông từng nói. 

Thực tế, phần lớn mọi người sẽ chỉ nằm ở đâu đó trong khoảng giữa của hai thái cực, với tính cách có xu hướng nghiêng nhiều hơn về một bên so với bên còn lại. Người có xu hướng cân bằng được gọi là ambivert (thuật ngữ do nhà tâm lý học Hans Eysenck đề ra).

Dù vậy, hai thuật ngữ hướng nội – hướng ngoại vẫn tự hào xuất hiện mọi nơi để mô tả tính cách một người, từ giới thiệu bản thân trên các nền tảng hẹn hò đến hướng nghiệp và tuyển dụng!

Theo một số cách giải thích phổ biến nhất hiện nay, hướng nội – hướng ngoại phân biệt ở cách mà họ tái tạo năng lượng. 

Người hướng nội lấy lại năng lượng cho mình bằng việc dành thời gian riêng tư cho bản thân. Họ thường bị mất năng lượng khi ở môi trường phải tiếp xúc với nhiều người trong thời gian dài, đặc biệt là trong đám đông. Ngược lại, người hướng ngoại, tái tạo năng lượng thông qua việc giao tiếp với người khác. Những người này thực sự bị tụt năng lượng khi phải ở một mình quá nhiều.

Hướng nội – hướng ngoại ứng phó đại dịch Covid-19

Trở lại với câu chuyện ứng phó với đại dịch Covid-19 ở trên. “Sự khác biệt giữa phản ứng của người hướng nội và hướng ngoại đối với đại dịch đã bị phóng đại quá mức”, Susan Cain, tác giả hai cuốn sách nổi tiếng khích lệ xu hướng hướng nội nói về phỏng đoán người hướng nội sẽ ổn hơn với việc phong tỏa.

“Đúng là người hướng nội cần ít kích thích xã hội hơn người hướng ngoại. Nhưng tình huống khắc nghiệt của đại dịch không hề dễ dàng đối với bất kỳ ai”, bà Cain cho biết.

Theo nghiên cứu của Dunigan Folk, Đại học British Columbia, cả hai nhóm người đều chịu ảnh hưởng ở mức độ như nhau. Thậm chí, phong tỏa còn giúp người hướng ngoại kết nối tốt hơn với người thân. Trong khi đó, người hướng nội lại có mong muốn kết nối xã hội nhiều hơn.

Lý thuyết tâm lý và kiểm chứng thực tiễn rõ ràng có sự chênh lệch. Vậy có phải các phương pháp giúp xác định tính cách không hoàn hảo?

“Bất cứ nhãn dán nào cũng hạn chế bạn”, theo giáo sư Nicholas Haslam từ Đại học Melbourne. “Chỉ có quản lý tồi mới chia việc chỉ dựa trên trắc nghiệm tính cách”, ông phê phán việc phân loại tính cách. 

Theo ông, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng đặc điểm tính cách có khoảng 40% là do di truyền, phần còn lại đến từ trải nghiệm và học tập.

Giáo sư Haslam cũng cho rằng Susan Cain “lãng mạn hóa” người hướng nội. “Bà ấy gán cho người hướng nội những đặc điểm bổ sung: Thích đọc sách và sáng tạo. Đó thực sự không phải một phần của hướng nội”, ông nhận xét.

Nhà tâm lý học Donna Cameron làm việc tại Melbourne cũng đưa ra lời cảnh báo: “Thường thì khi một người tự cho mình là hướng nội hoặc hướng ngoại, họ có nguy cơ phải sắm vai nhiều hơn mức họ thực sự cần”.

Dẫu là thế, hẳn rằng việc biết được câu trả lời để điền vào hồ sơ hẹn hò hay ứng tuyển, hay thậm chí giải đáp thêm nhiều tò mò về chính bản thân, cũng đủ để người ta thực hiện vài câu trắc nghiệm nho nhỏ. Khi đó, động lực để làm việc này, không hẳn là “tự dán nhãn”…

Khảo sát nhanh: Bạn là người hướng nội hay hướng ngoại? Hãy dành đôi ba phút để chọn phương án phù hợp với bạn nhé!

Phương án A

Phương án B

Bạn nạp lại năng lượng bằng cách ở một mình.

Bạn nạp lại năng lượng bằng cách giao tiếp với người khác.

Bạn thường suy nghĩ kỹ trước khi ra quyết định.

Bạn ra quyết định nhanh chóng.

Bạn lắng nghe nhiều.

Bạn nói chuyện nhiều.

Bạn thích trò chuyện chỉ hai người.

Bạn không ngại là tâm điểm của một đám đông.

Bạn cởi mở hơn với người thân quen.

Bạn dễ làm quen người mới.

Bạn học tốt nhất bằng cách quan sát.

Bạn học tốt nhất qua hành động, trải nghiệm cụ thể.

Bạn thường lập kế hoạch trước khi hành động.

Bạn hay hành động bộc phát.

Bạn là người kiên nhẫn.

Bạn dễ cảm thấy nhàm chán.

Nếu bạn chọn nhiều phương án A hơn, bạn chính là người có xu hướng hướng nội đấy, và ngược lại!

Chúc bạn và gia đình luôn tràn đầy năng lượng tích cực trong cuộc sống, và không quên ủng hộ mục Khám Phá với những tri thức hữu ích, thú vị. 

https://soha.vn/nguoi-huong-noi-chong-covid-19-tot-hon-nguoi-huong-ngoai-trac-nghiem-mbti-co-ich-gi-20211213181253969.htm