Kiểm tra xác ướp, choáng vì virus gây "dịch bệnh lạ" 2.000 năm trước

Kết quả phục hồi DNA từ da dầu hàng loạt xác ướp 1.500-2.000 năm tuổi từ nền văn hóa Ansilta ở tỉnh San Juan, miền Tây Argentina, đã giúp tìm ra bí mật ẩn trong các con chấy cổ đại, có vẻ lây lan mạnh trong một số quần thể Nam Mỹ thời bấy giờ. Nhưng đó không đơn thuần là một phiền toái về đầu tóc. Các con chấy này mang một loại virus, theo Ancient Origins.

Đại diện nhóm nghiên cứu từ Argentina, Anh và Đan Mạch, phó giáo sư – tiến sĩ Alejandra Perotti từ Đại học Reading (Anh) cho biết kỹ thuật phục hồi DNA này nhắm vào chính những con chấy trên da dầu, thứ được bảo quản rất tốt ở các hài cốt cổ đại

Khi chúng đẻ trứng, một loại “xi măng” sinh học sẽ được tạo ra để gắn chặt trứng vào thân tóc. Thứ vật liệu gắn kết này có chứa rất nhiều tế bào người bên trong và được bảo quản cực kỳ tốt theo thời gian.

DNA cổ đại đã cho thấy mối liên hệ di truyền giữa 3 trong số các xác ướp và các quần thể người ở Amazon 2.000 năm trước. Kiểm tra toàn diện hơn cho thấy nền văn minh cổ xưa này đã được xây dựng bởi một nhóm người di cư từ khắp vùng đồng bằng Bắc Amazon đến Trung Tây Argentina.

Trứng chấy gắn kết vào thân tóc bằng một vật liệu đặc biệt mang DNA trong trạng thái cực tốt – Ảnh: Đại học Reading

Bài công bố trên tạp chí Molecular Biology and Evolution còn tiết lộ một thứ khác thường họ tìm thấy trong vật liệu gắn kết này: virus, một loại gây bệnh ung thư da và có thể đã lây lan trong nhiều quần thể cổ đại vào thời các xác ướp này còn sống.

Những phát hiện trên chứng minh triển vọng cho kỹ thuật phân tích DNA cổ đại từ vật liệu gắn kết trứng chấy và chân tóc trên các xác ướp, bởi lượng DNA họ thu thập được dồi dào ngoài mong đợi và lưu giữ được rất nhiều thông tin quan trọng.