Lý do người Nhật Bản không bao giờ ăn hoa quả do chính mình trồng
Người Nhật thích trồng cây nhưng lại không ăn thành phẩm mình tạo ra
Ở khắp các vùng quê Việt, hầu như gia đình nào cũng sẽ có những vườn cây trái trĩu nặng. Cứ đến mùa chín quả là cả người già, người trẻ đều háo hức thi nhau ra thu hoạch. Thế nhưng trái ngược hoàn toàn với nước ta, tại Nhật Bản, người dân vẫn tự trồng cây nhưng lại không bao giờ hái xuống và ăn chúng.
Nếu có dịp đi du lịch hoặc xem nhiều video trên YouTube ghi lại cuộc sống diễn ra ở đất nước mặt trời mọc, để ý thì chúng ta sẽ thấy rằng tại nhiều vùng ngoại ô, người dân sống rất bình yên trong những ngôi nhà có thiết kế tối giản và một khoảng sân vườn rộng lớn.
Tuy nhiên, đến khi những loại cây mà họ trồng bắt đầu vào mùa đơm hoa kết trái, một điều thật kỳ lạ xảy ra là không gia đình nào có ý định thu hoạch để ăn dù chúng thơm ngon đến mấy. Tất cả quả cứ thế treo lủng lẳng trên cành cho đến khi chín nẫu, tự rụng xuống thì thôi. Hoặc nếu không sẽ do chim chóc, côn trùng khắp bốn phương tự kéo đến “đánh chén” hộ.
Việc làm nghe qua tưởng chừng rất khó hiểu này của người Nhật Bản thực tế đều có lý do của nó.
Trở lại lịch sử, toàn nhân loại chắc hẳn vẫn chưa quên cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Vào tháng 8 năm 1945, Mỹ từng thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, phá hủy hoàn toàn 2 thành phố này.
Sau đó đến 2011, thảm họa kép gồm trận động đất lớn nhất trong lịch sử và sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima liên tiếp xảy ra khiến toàn bộ Nhật Bản ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Vì vậy, cho đến tận ngày nay, nhiều gia đình vẫn sợ đất đai còn bị nhiễm phóng xạ và không dám ăn luôn cả những thực phẩm được nuôi trồng trên đó. Cây cối chỉ có tác dụng để làm cảnh vào tạo bóng mát.
Mặt khác, nếu gia đình nào mua đất xây nhà nhưng lại để thừa quá nhiều diện tích trống sẽ bị đánh thuế rất cao. Và để giảm bớt một khoản phí phải nộp cho Chính phủ, họ quyết định canh tác thành vườn và trồng các loại cây ăn quả.
Tiếp đến, người Nhật vốn rất coi trọng vấn đề sức khỏe lên hàng đầu. Để có thể sống lâu và an toàn, họ gần như không bao giờ ăn những thực phẩm chưa qua kiểm định và chỉ mua ở siêu thị. Trong khi đó, việc kiểm định cây trái theo đúng quy định ở đất nước này lại vô cùng gắt gao, phức tạp. Thế nên, việc không ăn hoa quả do chính mình trồng lại càng hợp lý và đỡ phiền phức.
Chắc hẳn nghe đến đây, có bạn sẽ lập tức thắc mắc rằng, thay vì bỏ phí tại sao không thu hoạch rồi đem đi kinh doanh, bán lấy lời? Tuy nhiên, muốn làm việc đó ở Nhật không hề dễ chút nào.
Tất cả những ai có ý định buôn bán bất cứ mặt hàng nào đều phải xin giấy phép từ chính phủ chứ không được tự ý đem ra chợ hay treo biển, bày một sạp nhỏ ngay trước cửa nhà.
Ngoài ra, vì bản thân các gia đình trồng cây còn chẳng dám ăn chính loại quả do mình trồng nên tất nhiên, họ cũng vô cùng e ngại và không có ý định biếu, tặng chúng cho hàng xóm.
Ngay cả khi bạn chủ động đến xin, khả năng cao là chủ nhà vẫn lắc đầu từ chối. Tuy nhiên, trong trường hợp đó đừng dại dột mà nảy ra ý tưởng tự ý lấy hoa quả của họ nhé. Hành vi này dù không tổn tại nhiều đến vật chất nhưng vẫn bị cảnh sát bắt và quy vào tội trộm cắp đấy.
Nói tóm lại, dù Nhật Bản là một trong những nước nổi tiếng là tiết kiệm, hạn chế sự lãng phí nhưng hóa ra thực tế vẫn có những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi và kỳ lạ đến không ngờ.