Phát hiện "chất kịch độc" ở vùng sâu nhất đại dương
Đó là thuỷ ngân. Theo đó, thông qua việc sử dụng thiết bị lặn điều khiển từ xa do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Hadal (thuộc Đại học Hải dương Thượng Hải) tự phát triển, các nhà khoa học đã thu được nhiều mẫu trầm tích từ vùng biển sâu nhất. Trong đó có những nơi sâu nhất của đại dương cách bề mặt nước biển từ 6.000 đến 11.000 m, bao gồm cả rãnh Mariana.
Thiết bị lặn điều khiển từ xa của Trung Quốc trở về sau chuyến thám hiểm Thái Bính Dương, ngày 30/5/2019. Ảnh: Xinhua
Rãnh Mariana là rãnh tự nhiên sâu nhất thế giới, nằm ở phía tây Thái Bình Dương, cách 200 km về phía đông của đảo Mariana.
Kết quả phân tích mẫu cho thấy, vùng biển khơi tăm tối này đang tích tụ thuỷ ngân với tốc độ cao đáng kể, lớn hơn so với mức trung bình của biển sâu trên toàn cầu. Đặc biệt, hầu hết lượng lớn thuỷ ngân này đều có nguồn gốc từ bề mặt đại dương.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, nồng độ thuỷ ngân ở trong các vùng lõi của rãnh sâu hiện có xu hướng tăng nhanh từ trước năm 1900 đến sau năm 1950. Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng đáng báo động trên là do phát thải thuỷ ngân từ các nguồn do con người tạo ra đổ ra biển.
Theo nghiên cứu, vùng Hadal là một bể chứa thuỷ ngân lớn trên đại dương và có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều chỉnh chu trình sinh hoá toàn cầu của thuỷ ngân.
Nghiên cứu này được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) được Đại học Hải dương Thượng Hải thực hiện. Nghiên cứu do chuyên gia Xu Yunping dẫn đầu, phối hợp cùng với những cộng tác viên quốc tế.
Bài viết tham khảo nguồn: Xinhua
https://soha.vn/phat-hien-chat-kich-doc-o-vung-sau-nhat-dai-duong-20211222164532417.htm