Quân đội nhà Tần đánh đâu thắng đó, nếu đấu với đế chế La Mã thì kết quả liệu có khác?

Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, chỉ có khoảng 10 quốc gia có thể duy trì sự thịnh vượng lâu dài trên một vùng lãnh thổ rộng lớn và được gọi là một đế chế vĩ đại. Trong số đó, không thể không kể tới Vương triều Tần – Hán và đế chế La Mã. 

Trong thời kỳ hoàng kim của mình, dân số của mỗi đế chế này chiếm tới một phần tư dân số thế giới và duy trì được một triều đại hòa bình, ổn định trong hơn nhiều năm. Trong khi Nhà Tần tự hào về việc thống nhất thiên hạ thì Đế chế La Mã lại tin rằng mình đã nắm giữ vị trí bá chủ của trái đất. 

Có câu hỏi đặt ra rằng: Giả sử nhà Tần và đế chế La Mã có cơ hội đụng độ nhau, bên nào là bên chiến thắng?

NHÀ TẦN VÀ SỨC MẠNH QUÂN SỰ

Nhà Tần có chiến thuật sử dụng kỵ binh phát triển nhất trong số các quốc gia thời Chiến quốc. Quân đoàn La Mã có bộ binh mạnh với dao găm, giáo dài và khiên. Ảnh: JoongAng Ilbo

Đế chế La Mã và nhà Tần đều được coi là hai đế chế nắm giữ vị trí bá chủ ở phương Đông và phương Tây. Giả thuyết đặt ra rằng nếu như nổ ra chiến tranh, tức là vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, có người cho rằng nhà Tần sẽ có nhiều khả năng thắng hơn.

Quan điểm đó được đưa ra dựa trên lợi thế không chỉ về bản lĩnh và kỹ năng chiến đấu của những người lính nhà Tần, mà còn vì sự khác biệt trong phương pháp chiến đấu. Nhà Tần tập trung vào kỵ binh trên chiến trường, phát triển nhiều loại vũ khí bao vây và vũ khí tầm xa. Cũng vì thường tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược nên quân đội nhà Tần được đánh giá là có kinh nghiệm và rất giỏi trong các cuộc chiến tranh vây hãm. Các loại vũ khí như cung tên, nỏ của nhà Tần cũng rất phát triển.

Nhà Tần tập trung phát triển nhiều loại vũ khí bao vây và vũ khí tầm xa. Ảnh: JoongAng Ilbo

Mặc dù đế chế La Mã cũng sử dụng kỵ binh và cung tên, nhưng nòng cốt lại là bộ binh. Vào thời kỳ hoàng kim của đế chế La Mã, mỗi ‘Binh đoàn La Mã’ thường được tổ chức với từ 3.000 đến 7.000 quân được trang bị vũ khí đầy đủ, có thêm kỵ binh hỗ trợ. Trên chiến trường, những người lính tạo hàng rào dày bằng khiên và tấn công bằng cách thọc giáo xuyên qua những khoảng trống hẹp giữa những chiếc khiên, tức là sử dụng phương phánh đánh “giáp lá cà”.

Các binh đoàn bộ binh hạng nặng ra trận với vũ khí chủ yếu sử dụng là kiếm, giáo và những chiếc khiên lớn có thể che toàn bộ cơ thể. Tất nhiên, quân Tần có số lượng bộ binh lớn hơn nhiều, nhưng chủ lực trong chiến đấu thực tế là kỵ binh trên lưng ngựa.

Ngoài ra, khi nhà Tần đã có lịch sử chiến tranh kéo dài hàng trăm năm, nhiều chiến thuật đa dạng đã được sử dụng nên cũng sẽ mang lại lợi thế cho quân Tần. Thực ra, không chỉ nhà Tần mà tất cả các nước thời Chiến Quốc đều phải trải qua chiến tranh thường xuyên, vì vậy nhiều phương pháp tác chiến đã được phát triển.

ĐẾ CHẾ LA MÃ VÀ SỨC MẠNH VĂN HÓA

Nếu nhìn trên quan điểm quân sự, nhà Tần được xem là nắm phần thắng trong cuộc chiến với đế chế La Mã, nhưng nhà Tần lại sụp đổ chỉ sau 15 năm, còn đế chế La Mã thì phát triển thịnh vượng tới hơn 1.000 năm. Lý do là gì?

Học giả người Na Uy tên là Johan Galtung, người thành lập Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Oslo, nêu ra trong cuốn sách ‘A Structural Theory of Imperialism’ rằng có 3 điều kiện để hình thành một đế chế, đó là sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế và sức mạnh văn hóa. Điều đó cũng có nghĩa là “một đế chế chỉ trở nên vẹn toàn khi giai cấp bị trị cũng thấy hài lòng.”

Vũ khí được sử dụng bởi lính bộ binh của Đế chế La Mã là kiếm, giáo và khiên. Ảnh: JoongAng Ilbo

Trên phương diện này, nhà Tần có sức mạnh quân sự và kinh tế, nhưng có lẽ lại thiếu đi yếu tố thứ ba là sức mạnh văn hóa. Hùng mạnh về kinh tế và quân sự, nhưng dưới thời nhà Tần, sự áp bức về hệ tư tưởng và học thuật, tiêu biểu là sự kiện ‘Đốt sách chôn Nho’, đã khiến giai cấp bị trị cảm thấy căm phẫn và bất bình. Hệ thống chính trị của nhà Tần không cởi mở và khoan dung cũng là một trong những yếu tố được cho là khiến sức mạnh văn hóa không phát triển được.

Ngược lại, đế chế La Mã lại có “văn hóa La Mã” – một công cụ cai trị hùng mạnh chẳng kém gì “Binh đoàn La Mã”. Nếu chỉ có sức mạnh quân sự và kinh tế mà thiếu đi sức mạnh văn hóa, Rome đã không thể tồn tại 1.000 năm lịch sử. Văn hóa của đế chế La Mã được hình thành bằng sự kết hợp văn hóa bản địa và văn hóa của các dân tộc khác trong nhiều năm.

Ngay cả khi thành lập thuộc địa, sự đa dạng trong lối sống và văn hóa địa phương vẫn được tôn trọng, điển hình là cách thề trung thành và chấp nhận hệ thống chính trị của riêng từng vùng lãnh thổ. Đặc biệt, La Mã cổ đại xây dựng một đế chế không chỉ đơn giản qua chinh phục quân sự bằng vũ lực mà còn bằng phương pháp chính trị “liên minh” và “sáp nhập”. 

Tóm lại, nhà Tần có thể giành chiến thắng trên chiến trường, nhưng về phương diện văn hóa để duy trì sự tồn tại của để chế, chiến thắng này lại thuộc về người La Mã.

Trong thời đại của chúng ta, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra sẽ khiến khoa học kỹ thuật trở thành sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên, ngay cả khi công nghệ tiến bộ, nếu sức mạnh văn hóa không được phát triển theo kịp, thì ngay cả những công ty đế chế tân tiến nhất đã chinh phục thế giới cũng sẽ không tồn tại được lâu, giống như thời nhà Tần. Nói cách khác, cùng với sự phát triển về vật chất, sự phát triển về tinh thần như thể chế và ý thức cũng phải tiến bộ theo.

Theo joongang.co.kr

https://soha.vn/quan-doi-nha-tan-noi-tieng-hung-manh-neu-dau-voi-de-che-la-ma-thi-ket-qua-se-ra-sao-20211223162832339.htm