Sinh sau đẻ muộn nhưng Nga vẫn có câu trả lời sắc bén, "đè bẹp" đối thủ từ Airbus, Boeing

Ngày 25 tháng 12 năm 2021, giới hàng không thế giới giật mình khi máy bay chở khách tầm trung, thân hẹp MC-21 được sản xuất tại Nga đã thực hiện chuyến bay đầu tiên, di chuyển từ Nga tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Họ “giật mình” là tất yếu, bởi trước đó Mỹ và cả Nhật Bản đã tìm đủ phương kế để dự án sản xuất máy bay chở khách Nga chết yểu từ khi nó còn chưa ra đời.

Gần như ngay sau khi bị phương Tây chèn ép, Chính phủ Liên bang Nga đã phân bổ quỹ cho dự án chế tạo loại máy bay MC-21 dân sự này. Có thông tin rằng số tiền mà Nga bỏ ra là hơn 61 tỷ rúp; nếu tính tổng mức đầu tư vào dự án thì số tiền có thể vượt 200 tỷ rúp. Nhìn vào các con số khổng lồ đó, các chuyên gia đã đặt ngay câu hỏi: Khi nào cỗ máy này bắt đầu mang tiền về?

Máy bay Магистральный Самолёт 21 века, viết tắt là MC-21. Tên của máy bay này có nghĩa là “Máy bay chở khách của thế kỷ 21”.

Trước hết, hãy tạm gạt những con số đó ra và nhìn về tương lai. Theo Boeing của Mỹ, trong vài năm tới, khi đại dịch kết thúc và dịch vụ hậu cần toàn cầu bắt đầu phục hồi, khoảng 9.000 tỷ USD sẽ được đầu tư vào hàng không dân dụng. Từ đây, có thể thấy tiềm năng rất lớn trong ngành vận tải hàng không, có thể là lúc mà MC-21 sẽ phát huy được lợi thế của mình.

Trên thực tế, MC-21 không phải là chiếc máy bay đầu tiên xuất hiện trong phân khúc máy bay thân hẹp. Trước đó, Boeing 737-MAX và Airbus A320neo đã được Mỹ và phương Tây trình làng, và đây cũng chính là đối thủ mà MC-21 phải cạnh tranh trong tương lai gần.

MC-21 vẫn được cánh truyền thông tung hô với những đặc điểm vượt trội hơn so với đối thủ từ Airbus và Boeing, nhưng chính xác thì đâu là điểm mạnh nhất của MC-21?

CÂU TRẢ LỜI CỦA MC-21 RẤT RÕ RÀNG: TÍNH KINH TẾ

Hiệu quả của mỗi mẫu máy bay dân dụng được đánh giá bằng một số thông số, trong đó giá thành có lẽ là một trong những thông số quan trọng nhất. Giá khởi điểm của MC-21 thấp hơn khoảng 10 triệu USD so với các đối thủ cạnh tranh từ Boeing của Mỹ hay Airbus châu Âu, khiến các hãng hàng không có thể đưa ra các điều khoản cho thuê máy bay thuận lợi hơn nhiều.

Các đối thủ cạnh tranh gần nhất của MC-21 hầu hết có giá thành đắt hơn. Ví thử để mua chiếc Boeing 737-MAX mới, các hãng hàng không sẽ phải bỏ ra từ 110 đến 120 triệu đô la; một chiếc Airbus A320neo họ sẽ phải trả nhiều hơn – mức giá từ 115 đến 120 triệu đô la cho phiên bản tiêu chuẩn.

Mẫu máy bay Boeing 737-MAX8 (trong ảnh) từng dính “lùm xùm” khi có 2 vụ rơi máy bay liên tiếp, được xác định là do lỗi của hệ thống MCAS – thiết bị an toàn giúp ổn định.

Điểm mạnh của MC-21 thực tế không chỉ nằm ở mỗi yếu tố kinh tế. Để tồn tại được khi ra đời sau những “ông lớn” nói trên, chắc chắn MC-21 còn phải tạo ra cho mình những ưu điểm kỹ thuật rõ rệt làm lợi thế cạnh tranh với đối thủ. 

Ưu điểm chính và đầu tiên của máy bay mới về tính năng kỹ thuật là thời gian quay vòng chuyến giảm tới 20%. Do một số giải pháp kỹ thuật, thời gian hành khách lên và xuống MC-21 tại sân bay nhanh hơn, thời gian xếp hành lý giảm nhiều lần. 

Điều này cho phép các hãng hàng không tăng thời gian bay của các đội bay; và nếu cần thiết, bù đắp các chuyến bay bị chậm trễ và tiết kiệm chi phí sử dụng sân bay – từ việc cung cấp cầu lên máy bay cho đến công việc của người bốc xếp.

Máy bay Airbus A320neo thuộc dòng máy bay thân hẹp, đồng hạng với Irkut MC-21.

Phạm vi bay thẳng của cả 3 loại máy bay từ Mỹ, Châu Âu và Nga khá tương đồng. Airbus A320neo có chỉ số hàng đầu – bay được 6.280km trong một lần tiếp nhiên liệu, nhưng liệu có xứng đáng để trả thêm khoảng 20 triệu USD so với MC-21?

Một chỉ số quan trọng khác mà mỗi máy bay được đánh giá là chi phí của một giờ bay, có thể kể đến như chi phí nhiên liệu, bảo trì, lương phi công.

Máy bay Airbus A320neo, dẫn đầu về phạm vi bay, hóa ra lại có chi phí một giờ bay đắt nhất: Một giờ bay của Airbus A320neo có giá 3.200 USD, và trong một số trường hợp, con số này lên tới 3.500 USD – một kỷ lục tuyệt đối trong số những chiếc máy bay thân hẹp phổ biến nhất trên thị trường.

Boeing 737-MAX rẻ hơn một chút: Một giờ bay có giá từ 2.500 USD đến 2.700 USD.

MC-21 có vị trí dẫn đầu tuyệt đối trong phân khúc này – chi phí ước tính cho một giờ bay dao động từ 2.100 USD đến 2.500 USD. Con số cuối cùng của MC-21 sẽ được công bố dựa trên kết quả sau một vài năm hoạt động.

QUÁ HẤP DẪN VỚI CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG

Hai phiên bản MC-21, trang bị động cơ PD-14 của Nga (MC-21-310, chiếc bên trái) và Pratt Whitney PW1000G của Mỹ (MC-21-300, chiếc bên phải).

Làm thế nào để giảm thời gian lên và xuống của hành khách cho máy bay thân hẹp? Câu trả lời là thân máy bay càng rộng càng tốt.

Đường kính của MC-21 là hơn 4 mét, rộng nhất trong phân khúc. Đường kính thân máy bay Airbus A320neo là 3,9 mét, và Boeing 737-MAX thì kém hơn cả về khoản này – chỉ 3,76 mét.

Điều này mang lại cho hành khách những khác biệt gì? Oleg Panteleev, giám đốc điều hành của cơ quan công nghiệp AviaPort, chia sẻ với tạp chí Life:

“Đường kính lớn của thân máy bay không chỉ mang đến sự rộng rãi và diện tích không gian cá nhân cho hành khách mà nó còn giúp có lối đi rộng rãi giữa hai dãy ghế.

Thêm vào đó là các giá treo lớn trên cao, nơi có thể xếp các vali theo chiều dọc. Điều này có nghĩa là việc lên và xuống máy bay sẽ nhanh hơn nhiều (thứ nhất là sẽ dành ít thời gian hơn cho việc sắp xếp đồ đạc trên giá, và thứ hai là trong khi một hành khách bỏ vào hoặc lấy ra thứ gì đó, thì một hành khách khác có thể thoải mái đi ngang qua anh ta).

Tính đến việc quay đầu tại sân bay, việc cất cánh và hạ cánh, nếu có thể tiết kiệm được vài phút cho mỗi lượt, thì điều này có thể biến thành vài ba triệu đô la thu nhập bổ sung mà máy bay sẽ tạo ra do không để hành khách nhàn rỗi tại các sân bay”.

Trước khi tiếp tục so sánh MC-21 với các đối thủ cạnh tranh, cần nhớ một trong những bộ phận chính của máy bay, đó là cánh làm từ composite. Không cần phải nhắc lại áp lực trừng phạt của Phương Tây nữa, bởi nó đã ở phía sau rồi, nhưng có lẽ vẫn cần nói thêm về quy trình sản xuất. 

MC-21 sử dụng cánh composite được làm bằng công nghệ truyền chân không. Phương thức này rẻ hơn so với cánh nồi hấp tương tự (khi các sợi dệt thành một hình dạng nhất định được nung trong một lò lớn), chu kỳ sản xuất của cánh như vậy ngắn hơn, có nghĩa là nhà sản xuất Irkut có thể lắp ráp máy bay cho khách hàng nhanh hơn Boeing hay Airbus.

Bảng so sánh các thông số giữa Boeing 737-MAX8, MC-21 và Airbus A320neo. Nguồn ảnh: Life

MANG TỚI THUẬN LỢI CHO HÀNH KHÁCH

Khi hành khách vui mừng cầm được thẻ boarding card và bước vào máy bay thì điều làm họ khó chịu nhất trong cabin là gì? Có phải là việc xếp hàng dài ở lối vào không, hay là phải chịu đựng trên những chiếc ghế không thoải mái? Có lẽ là cả 2.

Nhưng ở MC-21 thì cả 2 vấn đề đó đều không tồn tại: Ngoài việc các giá để hành lý ở phía trên, các ghế ngồi trên máy bay của Nga được bố trí với độ cao tối đa là 32 inch, tức 81,2 cm. 

Airbus A320neo có rất nhiều không gian nhưng lại chỉ có 5 hàng đầu tiên và ở các hàng sau là có không gian rộng rãi. Boeing 737-MAX có không gian trống bằng nhau – 30 inch, hay 76 cm. Ngay cả khi bạn ngả lưng ra sau ghế, sẽ rất khó để duỗi chân, không chỉ đối với những hành khách cao mà cả những người có chiều cao trong khoảng 170 – 175 cm.

Cabin máy bay MC-21.

Cabin của mẫu máy bay có thân rộng nhất phân khúc còn có thêm một số ưu thế khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến bay phức tạp, kéo dài hàng giờ đồng hồ và khiến chuyến bay trở nên thú vị ngay cả đối với người vốn mắc hội chứng aerophobes – chứng sợ đi máy bay.

Ông Oleg Panteleev mô tả: “MC-21 có những điểm mạnh riêng đối với trải nghiệm của khách hàng. Ở cùng một độ cao, áp suất trong cabin MC-21 sẽ cao hơn, đồng nghĩa với việc sẽ dễ thở hơn.

Các cửa sổ lớn hơn với viền mỏng giúp khách hàng nhìn ngắm không gian bên ngoài tốt hơn, đồng thời mang đến nhiều ánh sáng tự nhiên hơn; ghế rộng tạo cảm giác thoải mái; nhà vệ sinh kích thước lớn và thoải mái hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh”.

Hai thông số cuối vừa nhắc ở trên ít khi được hành khách quan tâm, nhưng lại là những điều mà các hãng hàng không thường yêu cầu từ nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, tốc độ bay của MC-21 cũng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Theo một số nguồn tin, MC-21 có thể bay với tốc độ 870 km/h. Giám đốc điều hành của cơ quan công nghiệp AviaPort Oleg Panteleev cũng cho biết thêm rằng MC-21 an toàn hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh: “Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến có khả năng bảo vệ tốt hơn bất kỳ máy bay tầm trung nào khác. Đó là, bảo vệ tối đa khỏi các lỗi của phi hành đoàn”.

Một ưu điểm quan trọng khác của MC-21 là thể tích sử dụng được bên trong. Ở nửa thân dưới máy bay là khoang hành lý. Thể tích của khoang này ở phiên bản MC-21-300 lên tới gần 50 mét khối, trong khi ở Boeing 737-MAX, con số này là khiêm tốn nhất trong phân khúc – 43,5 mét khối, Airbus A320neo có thể chứa nhiều hơn một chút – 44 mét khối.

Nhìn lại về các ưu điểm của MC-21, chúng ta sẽ rõ tại sao dự án này lại hứng nhiều lệnh trừng phạt đến vậy. MC-21 của Nga hóa ra lại có công nghệ tiên tiến hơn, rẻ hơn và tiện lợi hơn so với hai loại máy bay vốn được đặt hàng nhiều nhất thế giới. Cũng từ chính những thế mạnh đó mà có suy đoán, cho rằng MC-21 sẽ cạnh tranh sòng phẳng với những “con quái vật” trên thị trường hàng không.

https://soha.vn/sinh-sau-de-muon-nhung-nga-van-co-cau-tra-loi-sac-ben-de-bep-doi-thu-tu-airbus-boeing-20211230143937386.htm