Tại sao không có con thỏ to bằng con bò? Hóa ra đáp án lại rắc rối hơn bạn tưởng rất nhiều
Các loài vật trên đời thường có xu hướng chung: Tổ tiên của chúng có kích thước rất lớn, cho đến khi quá trình tiến hóa (vì thay đổi môi trường) bắt chúng phải thu bé lại. Ngay cả tổ tiên của loài chuột xưa kia thậm chí còn có kích cỡ của một con bò kia mà.
Nhưng với loài thỏ thì lại là một câu chuyện khác! Xuyên suốt quá trình tiến hóa, chưa bao giờ thỏ có kích cỡ thực sự lớn cả. Lý do tại sao?
Ảnh minh họa thôi, con thỏ trong hình không có thật đâu
Trên thực tế, việc các loài vật tiến hóa khác biệt về kích cỡ đã là câu hỏi hết sức quan trọng đối với khoa học rồi. Chẳng hạn như chủng lagomorph – bao gồm thỏ và thỏ rừng, chúng không thay đổi quá nhiều về kích cỡ trong quá trình tiến hóa, dù chuột thì từng rất khổng lồ.
“Loài thỏ thuộc chủng lagomorph lớn nhất từng tồn tại chỉ nặng khoảng 5kg – bằng 1/10 so với loài gặm nhấm lớn nhất là capybara,” – Susumu Tomiya, nhà cổ sinh vật học tại ĐH Kyoto (Nhật Bản) cho biết.
“Dẫu vậy, cũng có một vài loài thỏ nhà và một số loài đã tuyệt chủng nặng được tới 8kg. Nhìn chung thì điều này khá gây ngạc nhiên, khiến chúng tôi phải tìm hiểu xem điều gì đã khiến các loài chủng lagomorph hoang dã trên thế giới không thể tiến hóa lên cỡ lớn hơn.”
Để có được kết quả, các chuyên gia đã phân tích kích cỡ của chủng lagomorph trong quá khứ và hiện tại, dựa trên dữ liệu hóa thạch và lịch sử tiến hóa của các loài thú, kết hợp với một số yếu tố sinh thái khác. Kết quả cho thấy, lý do ngăn cản chúng to lớn hơn liên quan đến các loài móng guốc – như ngựa và bò!
Chuột có loài to bằng con bò, nhưng thỏ thì không thể
Cụ thể, các chuyên gia nhận thấy khi chủng lagomorph đạt tới khoảng 6kg, chúng sẽ gặp bất lợi lớn so với các loài vật kia. Khả năng sinh tồn giảm hẳn khi chúng to lớn hơn, vì kết cấu cơ thể chúng không tối ưu năng lượng như các loài cạnh tranh. Đó là chưa kể, kích cỡ to lớn hơn sẽ làm giảm tốc độ, và khiến chúng gặp quá nhiều nguy hiểm khi phải đối mặt với kẻ thù.
Tuy nhiên trong tất cả các yếu tố, sự tồn tại của các loài móng guốc là gây ảnh hưởng nhiều nhất, hơn cả quá trình biến đổi khí hậu. Đối với khoa học, nó cho thấy chúng ta không thể bỏ qua ảnh hưởng của việc cạnh tranh giữa các loài vật, bởi sức ảnh hưởng là rất lớn. Như với loài thỏ, việc cạnh tranh đã ngăn trở chúng đạt kích cỡ lớn, và hệ quả là Trái đất chưa từng có một con thỏ nào to bằng con bò cả.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Evolution.
Nguồn: Science Alert