Tiếng 'kêu cứu' từ các rạn san hô phía Tây Ấn Độ Dương
Nghiên cứu của viện nghiên cứu đại dương CORDIO Đông Phi, có trụ sở ở Kenya, phối hợp cùng Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế, cảnh báo nguy cơ các rạn san hô ở khu vực này có thể sụp đổ hoàn toàn trong 50 năm nữa.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành Nature Sustainability ngày 6/12, các nhà khoa học cảnh báo nếu có hành động khẩn cấp, các rạn san hô dọc bờ biển miền Đông châu Phi và các nước như Mauritius và Seychelles sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao. Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đánh giá những mối đe dọa đối với các rạn san hô riêng lẻ trên khắp vùng biển rộng lớn phía Tây Ấn Độ Dương, cũng như xác định nguy cơ chính đối với san hô.
Nghiên cứu đánh giá 11.919 km2 rạn san hô, chiếm khoảng 5% tổng diện tích san hô trên thế giới, theo đó cho thấy tất cả rạn san hô trong khu vực này đều đối mặt với “sự sụp đổ hoàn toàn của hệ sinh thái cũng như thiệt hại không thể phục hồi” trong nhiều thập kỷ. Sự ấm lên của đại dương cũng đồng nghĩa môi trường sống của san hô bị đe dọa nghiêm trọng. Không chỉ vậy, tình trạng đánh bắt quá mức dọc bờ biển miền Đông châu Phi từ Kenya đến Nam Phi cũng là mối đe dọa đối với hệ sinh thái rạn san hô.
Nghiên cứu khẳng định các rạn san hô tô đẹp cho các quốc đảo, trong đó có Mauritius, Seychelles, Comoros và Madagascar – vốn là các điểm du lịch sinh thái nổi tiếng phụ thuộc nhiều vào môi trường biển – có nguy cơ cao nhất.
Trên thực tế, các rạn san hô chỉ bao phủ một phần nhỏ đại dương, khoảng 0,2%, song đây là hệ sinh thái quan trọng, là nơi cư trú của khoảng 1/4 loài sinh vật đại dương. Không chỉ giữ gìn hệ sinh thái biển, các rạn san hô này còn cung cấp protein, việc làm cho hàng triệu người dân trên thế giới, giúp bảo vệ họ khỏi bão và xói mòn bờ biển. Do đó, việc các rạn san hô bị tổn hại sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn. Nghiên cứu đề nghị các nước nhanh chóng giải quyết các mối đe dọa trong đó có biến đổi khí hậu và đánh bắt cá quá mức.