'Tôi là F0 đang nhẹ, tắm gội xong thì phải thở oxy' là sao: BS lý giải về vấn đề nhiều người hỏi
Ngay sau khi những thông tin liên quan tới việc F0 có cần tắm hay không lan truyền trên mạng xã hội, nhiều chuyên gia đã lên tiếng chia sẻ về vấn đề này
Mới đây nhất, một tài khoản Facebook chia sẻ việc người nhà mình bị chuyển nặng sau khi tắm: “Ông xã mình bị tầm 7 ngày, triệu chứng nhẹ chỉ ho và nghẹt mũi, tối của ngày thứ 7 đi tắm xong sốt lên 38,8 độ C, sau đó SpO2 giảm 2 ngày liên tục, sau đó còn 90-92, có lúc xuống 88, 89…
Trong phòng điều trị, qua trò chuyện thì thấy các bệnh nhân đa số chuyển nặng sau 1 trận tắm. Một cô thì đi gội đầu sau 5 ngày triệu chứng nhẹ, một anh khác điều trị tại nhà test nhanh thấy âm tính nên đi tắm, xong bị sốt, mệt không thở được… Hiện tại mọi người vẫn đang phải thở oxy, bao gồm cả ông xã mình”.
Tài khoản trên cũng đưa ra lời khuyên: “Tóm lại nếu bị nhiễm anh chị em chịu khó đừng tắm, lau người, vệ sinh phần phụ cho hết 14 ngày cho chắc… Anh em đừng chủ quan khi thấy triệu chứng nhẹ mấy ngày đầu rồi chủ quan đi tắm, đi làm việc nặng… “.
Đọc thông tin trên, nhiều người lo lắng, nhất là các bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại nhà, một số người phải gọi bác sĩ hỏi “tôi có nên tắm không?”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 1-3, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương – cho biết hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định việc tắm sẽ khiến bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng hơn.
“Việc tắm hay không tắm không liên quan tới việc bệnh nhân bị COVID-19 chuyển biến nặng hay nhẹ cả. Mọi người bị F0 cứ sinh hoạt và vệ sinh cá nhân bình thường.
Tất cả những hướng dẫn về chăm sóc bệnh nhân COVID-19, tự theo dõi, điều trị đã được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ, trong đó không ghi người bệnh không được tắm. Tôi mong người dân không nên làm theo những hướng dẫn không có cơ sở khoa học trên mạng xã hội”, bác sĩ Trung Cấp nêu quan điểm.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải – trưởng khoa hồi sức cấp cứu, phó giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) – cũng khẳng định không có cơ sở khoa học để kết luận tắm rửa sẽ khiến bệnh nhân bị trở nặng.
“Người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái, vệ sinh cá nhân đầy đủ, giữ ấm, tránh gió lùa, đây là điều kiện tốt để nhanh khỏi bệnh”, ông Hải cho hay.
Ông cũng lưu ý người bệnh không nên tắm lúc đang mệt, chỉ tắm khi bản thân thấy đủ sức khỏe.
“Giai đoạn đầu mới ốm dậy thì nên chú ý tắm nhanh từ 5-10 phút, tắm bằng nước ấm; khu vực tắm và sau tắm cần kín gió, ấm áp, tránh mất nhiệt đột ngột.
Với người bình thường không ốm tôi cũng khuyên không nên tắm khuya, với bệnh nhân càng nên thế, tranh thủ tắm lúc trời ấm áp để tránh chênh lệch nhiệt độ lớn, khi tắm nên xối nước từ từ phần chân tay rồi mới đến người, đầu, cổ để quen với nhiệt độ”, ông nhắc nhở.
Trước đó, bác sĩ trao đổi với Báo Giao thông, BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM khẳng định: “Không có khuyến cáo nào về việc F0 trong quá trình điều trị cần kiêng nước và không tắm, gội. Bởi lẽ khi người mắc bệnh vốn khó chịu, dễ mất ngủ, nếu không tắm, gội sẽ khiến cơ thể thêm bức bối hơn”.
Theo BS. Hữu Khanh, trong quá trình điều trị, luôn cần chú ý đến vệ sinh cá nhân, cần tắm, gội nếu cảm nhận cơ thể ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, điều lưu ý là nên tắm, gội bằng nước ấm; đặc biệt ở ngoài Bắc, hiện thời tiết giá lạnh, sau khi tắm, gội cần phải mặc quần áo đủ ấm trước khi bước ra ngoài buồng tắm.
“Ngay cả xông cũng vậy, tuyệt đối không xông lá khi đang sốt và đặc biệt lưu ý đến trẻ nhỏ, nhiều trẻ bị bỏng trong quá trình xông nước lá. Hơn nữa, không xông nước lá thường xuyên, nhiều lần trong ngày, sẽ gây mất nước, khiến cơ thể thêm mệt mỏi. Mọi người nên nhớ sau khi xông cần uống thêm cốc nước ấm đề bù nước thất thoát khi xông”, ông Khanh cho biết.
Cùng quan điểm, BS. Đinh Thế Tiến, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho hay giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn là nền tảng của một cơ thể khỏe mạnh. Thực tế, những “lời đồn” bệnh Covid-19 nặng lên sau 1 lần tắm, gội là không có cơ sở. Miền Bắc đang trong những ngày rét đậm, rét hại, các F0 điều trị tại nhà cần đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, quan trọng là luôn giữ ấm cơ thể.
Dù truyền tai nhau kiêng tắm gội, nhưng nhiều người lại khuyên nhau nên xông lá để ra nhiều mồ hôi, hạ sốt, thông mũi… BS. Tiến cho rằng, việc làm dụng thái quá bất kỳ điều gì cũng không tốt. Lạm dụng xông liên tục, kéo dài thời gian cũng vậy, không chỉ khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi mà còn tổn thương niêm mạc hô hấp, sẽ là yếu tố thuận lợi bội nhiễm vi khuẩn giai đoạn sau.