Top những font chữ nên và không nên dùng cho CV xin việc: Đã đến lúc ngừng sử dụng Times New Roman hay Arial!

Curriculum Vitae, hay CV, là 1 trong những tài liệu không thể thiếu mỗi khi chúng ta ứng tuyển cho 1 công việc mới. Đây được xem là bản tóm tắt thông tin lý lịch cũng như kinh nghiệm học tập, làm việc của bản thân, và là ấn tượng đầu tiên giúp chúng ta qua được “vòng gửi xe”.

CV thường được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, sạch sẽ và dễ đọc để giúp nhà tuyển dụng chỉ cần nhìn lướt qua vài giây là đã có thể nắm được thông tin về bạn và đưa ra quyết định có nên liên hệ với bạn hay không. Đó chính là lý do vì sao ngoài kỹ năng sắp xếp bố cục, font chữ, hay chính xác hơn là typeface (1 kiểu chữ với nhiều font khác nhau) cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên “bộ mặt” cho CV của bạn.

Dưới đây là danh sách những font chữ tốt nhất, và tệ nhất khi dùng cho CV, theo nghiên cứu của chuyên trang Ladders.com.

Những font chữ tốt nhất nên dùng cho CV

Garamond

Garamond là 1 loại serif typeface (loại chữ có chân) đã tồn tại từ khoảng 500 năm trước và đến nay vẫn được nâng cấp, tinh giản để phù hợp với xã hội hiện đại mà vẫn giữ được chất cổ điển của mình.

Garamond sẽ mang lại cảm giác sang trọng 1 cách đầy hoài niệm hơn cho CV của bạn. Garamond cũng cho phép bạn co chữ lại mà không ảnh hưởng quá nhiều đến độ rõ ràng của văn bản, giúp bạn tiết kiệm không gian giấy hơn và có thể trình bày toàn bộ thông tin trong từ 1 – 2 trang một cách đẹp mắt nhất.

Gill Sans

Gill Sans là 1 loại sans-serif typeface (loại chữ không chân), được thiết kế tại Anh vào những năm 1920. Nó thường được sử dụng ở UK, trong các hệ thống xe lửa, và 1 vài quốc gia khác.

Vì là sans-serif typeface nên Gill Sans sẽ mang lại cảm giác rất nhẹ nhàng cho văn bản, tránh tình trạng nghiêm túc thái quá, đồng thời tạo ra cảm giác vừa cổ điển, lại vừa hiện đại trên cùng 1 trang giấy.

Cambria

Cambria là 1 serif font, thuộc họ typeface có tên ClearType Font Collection – vốn được sử dụng rất nhiều trong các chương trình Microsoft Office và được thiết kế đặc biệt để có thể hiển thị tốt nhất trên các loại màn hình máy tính cũng như trong in ấn.

Cấu trúc chữ cái vững chắc của Cambria giúp đoạn văn bản luôn rõ ràng, dễ đọc, dù ở những kích thước chữ nhỏ nhất.

Calibri

Calibri là 1 font chữ mặc định trong Microsoft Word từ năm 2007 nhưng lại không được trọng dụng bằng Arial, 1 font sans-serif tương tự khác. Chuyên gia viết CV Donna Svei nhận định ở cỡ chữ 12 pt., Calibri có thể viết được khoảng từ 500 – 750 từ và đủ để lấp đầy 2 trang giấy A4 – 1 độ dài lý tưởng cho 1 bản CV thông thường.

Constantia

Constantia cũng thuộc bộ ClearType Font Collection của Microsoft. Nhờ nét chữ bo tròn nên Constania không tạo cảm giác quá nghiêm túc như các serif font khác, và có thể hiển thị tốt cả trên màn hình máy tính hay trong các tài liệu giấy in, phù hợp cho cả CV online lẫn offline.

Lato

Lato là 1 sans-serif typeface và được mô tả là “nghiêm túc nhưng thân thiện”, quá hoàn hảo dành cho CV của bạn. Lato sở hữu nhiều font khác nhau, nhưng hãy lưu ý các font siêu mỏng như “hairline”, “thin” hay “light” có thể sẽ khiến văn bản bị khó đọc.

Didot

Didot là serif font rất phù hợp với trong những lĩnh vực sáng tạo như thời trang hay nhiếp ảnh. Tuy nhiên, vì đặc điểm siêu tương phản giữa các nét thanh nét đậm, Didot thường được dùng cho tiêu đề, đề mục có cỡ chữ lớn nhiều hơn, thay vì dùng cho những phần thông tin chi tiết.

Helvetica

Không cần phải giới thiệu quá nhiều, Helvetica là 1 sans-serif typeface được rất nhiều nhà thiết kế sử dụng, thậm chí còn tôn nó là “vua của các loại font chữ”.

Đặc điểm của Helvetica là rất hiện đại, rõ ràng, dễ đọc và từng xuất hiện trong nhiều logo của các thương hiệu lớn như BMW, American Airlines hay Microsoft.

Georgia

Georgia cũng được coi là 1 lựa chọn thay thế nếu bạn đã chán ngấy Times New Roman. Loại serif font này có nét chữ to, đậm, rất dễ đọc trên màn hình máy tính dù là ở cỡ chữ nhỏ nhất.

Avenir

Avenir là 1 loại sans-serif typeface khá gọn gàng và hiện đại. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế sử dụng những loại font mảnh như “book” hay “light” trong bộ typeface này để tránh dẫn đến tình trạng khó đọc và khiến CV của mình mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Những font chữ tệ nhất không nên dùng cho CV

Times New Roman

Times New Roman là 1 trong những font chữ phổ biến nhất hiện nay và được rất nhiều người sử dụng trong CV hay các văn bản quan trọng. Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến nó trở nên quen thuộc đến mức nhàm chán, khó gây được ấn tượng.

Ngoài ra, Times New Roman thực sự rất khó đọc ở những cỡ chữ nhỏ, hiển thị không tốt trên màn hình máy tính.

Futura

Futura ra đời vào những năm 1920 tại Đức và là 1 font chữ khá sạch, rõ ràng, dễ đọc. Tuy nhiên, vì được cách điệu quá nhiều, nét chữ lạ với những con chữ quá cao, góc chữ bo tròn những cạnh lại sắc nét, Futura phù hợp để trang trí hơn là trong những văn bản cần tính nghiêm túc như CV hay hồ sơ xin việc.

Arial

Tương tự như Times New Roman, Arial là 1 loài font sans-serif được sử dụng quá nhiều, và thậm chí còn bị đánh giá là “lựa chọn lười biếng”, phần nào đó cho thấy bạn không đầu tư quá nhiều thời gian cho CV của mình. Ngoài ra, Arial cũng có thể coi là 1 biến thể của Helvetica, với cấu trúc chữ lỏng lẻo hơn một chút.

Courier

Courier là 1 loại serif typeface được thiết kế mô phỏng lại máy đánh chữ cổ điển, khá thú vị, lạ mắt nhưng lại không phù hợp trong những văn bản hành chính.

Ngoài ra, Courier còn có đặc điểm monospace, nghĩa là khoảng cách giữa các chữ cái luôn bằng nhau bất chấp cấu tạo của con chữ đó ra sao. Điều này sẽ khiến những đoạn văn bản dài bị thiếu tự nhiên và phần nào đó mỏi mắt khi đọc quá lâu.

Brush script

Brush Script là 1 loại font trang trí, mô phỏng lại chữ viết tay và ra đời từ năm 1942. Tuy nhiên đến nay, nó bị sử dụng nhiều đến mức mất đi giá trị của mình và không còn mang lại vẻ cổ điển, hoài niệm nữa.

Ngoài ra, những loại typeface tương tự như thế này thường được dùng trong các tác phẩm nghệ thuật nhiều hơn chứ không phải văn bản hành chính. Đừng nghĩ rằng nếu bạn để tiêu đề CV bằng 1 loại font như Brush Script sẽ có thể gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng.

Comic sans

Loại font này được tạo ra vào năm 1994 để mô phỏng lại chữ viết trong những cuốn truyện tranh nổi tiếng. Và nói đến đây là bạn cũng đã hiểu rồi: Nó chỉ nên được dùng trong truyện tranh, hoặc những tác phẩm đời thường, dành cho trẻ nhỏ mà thôi.

Century gothic

Century gothic sở hữu thiết kế tinh tế, hiện đại. Tuy nhiên, 1 số chữ cái trong loại typeface này lại có nét khả mảnh, rất khó đọc ở những cỡ chữ nhỏ.

Papyrus

Tương tự như Comic Sans, Papyrus là loại typeface “thiếu nghiêm túc”, và không nên dùng trong những văn bản quan trọng như CV. Tuy nhiên, vì 1 lý do nào đó, Papyrus vẫn được rất nhiều người sử dụng, như một phương pháp để phá cách và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Impact

Impact sở hữu những chữ cái có nét to, rõ ràng, dễ đọc, chắc chắn. Tuy nhiên, nó chỉ hợp để sử dụng cho những đề mục mà thôi. Nếu bạn dùng Impact cho 1 đoạn văn dài thì sẽ rất dễ khiến cho người đọc mỏi mắt và bỏ qua CV của bạn ngay lập tức.

Trajan pro

Trajan pro được thiết kế theo phong cách những chữ cái chạm khắc trên Cột Trajan (Ý), với những nét chữ cách điệu lạ mắt và ấn tượng.

Tuy nhiên, loại typeface này chỉ có các chữ cái in hoa, không có chữ cái thường. Vì vậy, Trajan pro, hay tất cả những font tương tự khác, chỉ hợp trong các thiết kế như poster phim hay bìa sách, không nên sử dụng trong văn bản thông thường.