Tranh khắc kỳ bí trong sa mạc Qatar
Trong Al Jassasiya có khoảng 900 điêu khắc trên mặt đá, họa tiết dấu cốc chiếm ưu thế.
Nó đầy sáng tạo, nhưng chỉ có thể chiêm ngưỡng trong tầm nhìn của… loài chim, vì quá khổng lồ.
Nghệ thuật thú vị
Tên của vùng tranh khắc trên đá này là Al Jassasiya. Nó nằm cách thủ đô Doha, Qatar khoảng 1 giờ xe ô tô, bên cạnh hải trấn cổ bị bỏ hoang Al Huwaila.
Al Jassasiya được phát hiện vào năm 1973 – 1974, do nhóm khảo cổ Đan Mạch dưới sự dẫn dắt của 2 cha con khảo cổ gia Holger Kapel tìm thấy. Nó gồm 900 bức điêu khắc trên mặt đá, trải rộng khắp cồn cát sa mạc đá vôi trũng thấp, nhìn hệt như tấm thảm họa tiết khổng lồ.
Có rất nhiều hình ảnh khắc đá khác nhau trong Al Jassasiya, ví dụ như hoa, tàu thuyền, động vật, đồ đạc… “Chúng vô cùng độc đáo, không thể thấy ở bất cứ nơi nào khác. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể chiêm ngưỡng từ trên cao”, Ferhan Sakal – Trưởng bộ phận khai quật và quản lý địa điểm tại Bảo tàng Qatar chia sẻ.
Hầu hết, các điêu khắc trên mặt đá phẳng, ngang của Al Jassasiya đều cực lớn. Nếu chỉ đứng dưới mặt đất, tầm mắt của con người không thể bao quát hết.
Sau nhiều công sức quan sát và lập bản đồ chi tiết, Kapel nhận ra có tới quá 1/3 họa tiết là dấu cốc (1 hình thức điêu khắc thời tiền sử, gộp chung các kiểu vết lõm miệng tròn do đục sâu vào bề mặt đá tạo thành). Chúng đa dạng về kích thước, kiểu dáng, hình thức sắp đặt…
Nổi bật nhất là cặp hàng lỗ song song, mỗi hàng 7 lỗ. Một số người cho rằng, nó mô phỏng kiểu bàn cờ của trò chơi ô ăn quan (mancala) vốn phổ biến trên toàn thế giới từ thời cổ đại.
Ở trò chơi này, 2 người chơi bốc đá, rải từng viên vào các hố lõm. Một số người khác thì phản đối, suy đoán đây là bàn bói toán, dãy hố phân loại và lưu trữ ngọc trai, hệ thống tính toán thời gian và thủy triều…
Bí ẩn khó giải
Sau khi được phát hiện, Al Jassasiya thu hút sự chú ý toàn cầu. Các nhà khảo cổ đã kiểm tra niên đại. Tuy nhiên, họ cũng chưa xác định được những tranh khắc đá này bao nhiêu tuổi.
“Có rất nhiều giả thuyết về thời gian hình thành của điêu khắc đá Al Jassasiya. Người thì nói, nó phải từ thời kỳ đồ đá mới, người lại bảo nó thuộc cuối thời kỳ Hồi giáo. Cá nhân tôi cho rằng, các điêu khắc này không được tạo ra cùng một lúc” – Ferhan Sakal nói.
Khoảng 10 năm trước, các nhà khảo cổ học Qatar từng báo cáo kết quả kiểm tra 9 bức tranh khắc đá Al Jassasiya. Họ cho biết, không có bằng chứng nào xác nhận chúng đã vài trăm năm tuổi. Điều này có nghĩa, điêu khắc đá Al Jassasiya có khả năng là tác phẩm của thời kỳ trung – hiện đại.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không dám khẳng định chắc chắn. Họ cần kiểm tra kỹ lưỡng hơn nữa, bao gồm cả các kỹ thuật chạm khắc dành riêng cho đá vôi, mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.
“Chúng tôi không có manh mối nào về các họa tiết được khắc ở Al Jassasiya”, Sakal buồn bã. Tính tới hiện tại, Qatar vẫn mù tịt về tác giả, ý nghĩa và mục đích của các điêu khắc đá.
Hiện, các nhà nghiên cứu đặc biệt tập trung vào bức khắc hình chiếc thuyền, được chạm khắc bằng công cụ kim loại đầu nhọn. Nó phác họa kiểu tàu dáng con cá, đuôi nhọn, 2 hàng mái chèo. Họ hy vọng, hình khắc này cung cấp thông tin về loại tàu thuyền được sử dụng đương thời.
Theo tư liệu sử sách, công nghiệp đóng tàu từng là ngành kinh tế cột trụ của Qatar trong suốt nhiều thế kỷ. Kỹ thuật đóng tàu chia giai đoạn, mỗi giai đoạn có các đặc trưng riêng. Chỉ cần trên hình khắc của Al Jassasiya lưu lại dấu vết đặc biệt nào đấy, người ta có thể thông qua đó đoán niên đại.
Khu vực nghi lễ?
Nhiều người nghi ngờ, Al Jassasiya là địa điểm nghi lễ tôn giáo cổ, có từ trước Công nguyên.
“Theo tôi, tranh khắc đá Al Jassasiya có khả năng mang ý nghĩa tín ngưỡng và khu vực này là sân nghi lễ lâu đời”, Sakal gợi ý. Ngoài Al Jassasiya, Qatar còn khoảng 12 địa điểm điêu khắc đá đáng chú ý. Chúng nằm dọc theo bờ biển và hầu hết đều có tranh khắc thuyền.
“Tàu thuyền đóng vai trò quan trọng trong đời sống và tín ngưỡng các dân tộc cổ đại”, Frances Gillespie và Faisal Abdulla Al Naimi – 2 tác giả của Ẩn trong cát: Khám phá quá khứ Qatar (Hidden in the Sands: Uncove of Qatar’s Past), phân tích.
Ở lĩnh vực tâm linh, tàu thuyền đóng vai trò phương tiện đưa linh hồn sang thế giới bên kia. Qatar không lưu truyền thần thoại về thuyền đưa vong, nhưng các nền văn hóa xung quanh thì đều có.
Cả người Babylon lẫn Ai Cập đều tín niệm, linh hồn người chết từ dương gian đi sang âm ti trên một con tàu. Người Hy Lạp thì tin có người lái đò Charon, chở linh hồn người đã khuất sang cõi âm qua sông Styx.