Năm đột phá của "vũ trụ ảo"

2022 được dự đoán là năm chứng kiến “metaverse” (tạm dịch: vũ trụ ảo) bùng nổ mạnh mẽ nhất cho đến giờ khi Meta (công ty mẹ của Facebook), Apple, Microsoft, Google đồng loạt trình làng sản phẩm phần cứng và dịch vụ phần mềm cho lĩnh vực này.

Theo đài CNBC, “metaverse” mô tả phần cứng và phần mềm cho phép người sử dụng làm việc hoặc vui chơi trong không gian 3D ảo, hoặc lấy thông tin từ internet và tích hợp chúng với thế giới thực theo thời gian thực.

Theo trang Crunchbase, các nhà đầu tư mạo hiểm trong năm 2021 đã rót 10 tỉ USD vào nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thế giới ảo và con số này chưa tính đến tiền từ nhóm “ông lớn” công nghệ.

Chẳng hạn, Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Meta khẳng định họ đầu tư vào thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong năm 2021 nhiều đến mức lợi nhuận của công ty bị giảm 10 tỉ USD. Trong những năm tới, theo ước tính của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), sẽ có đến 1.350 tỉ USD được đầu tư để phát triển các công nghệ này.

Trước mắt, Meta đang lên kế hoạch ra mắt kính thực tế ảo Project Cambria trong năm nay. Thiết bị này được cho là sẽ có phần cứng mang lại trải nghiệm “thực tế hỗn hợp” tốt hơn, bên cạnh công nghệ theo dõi khuôn mặt và mắt giúp thiết bị này phản hồi nhanh hơn với lệnh của người dùng.

Sự đột phá ban đầu của Meta ở thị trường “metaverse” đã cho họ cái nhìn sớm về mong muốn của người dùng đối với phần mềm của kính thực tế ảo. Mới đây, công ty này đã khởi động nền tảng xã hội mang tên Horizon Worlds, nơi mọi người có thể tham dự các chương trình hài kịch và chiếu phim trong thế giới ảo của Facebook.

Meta cũng mua lại một số công ty sản xuất ứng dụng phổ biến cho kính thực tế ảo của công ty con Oculus, trong đó đáng chú ý nhất là trò chơi tập thể dục mang tên Supernatural.

CEO Mark Zuckerberg của Meta giới thiệu ứng dụng làm việc từ xa Horizon Workroom dành cho kính thực tế ảo Oculus Quest 2 vào năm ngoáiẢnh: Facebook

Không giống với Meta, Apple chưa bao giờ xác nhận họ đang nghiên cứu và phát triển kính thực tế ảo. Tuy nhiên, Apple đã và đang đặt nền tảng cho một sản phẩm hoàn toàn mới, được cho là một bộ kính cao cấp giúp người dùng trải nghiệm kết hợp VR và AR.

Sự ra đời của sản phẩm này có thể làm rung chuyển thị trường và tạo ra một hướng tiếp cận mới cho nhiều đối thủ thách thức, giống như những gì iPhone và Apple Watch từng làm với thị trường điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh.

Google cũng có những động thái cho thấy họ đang nghiêm túc trở lại với nỗ lực phát triển AR sau thất bại của kính thông minh Google Glass. Google đã mua lại North, một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển kính AR, vào năm 2020. Gã khổng lồ công nghệ này còn có một đội ngũ mới tập trung phát triển hệ điều hành AR và đang tuyển dụng nhân sự rầm rộ để hỗ trợ nỗ lực “cải tiến thiết bị AR”.

Trong khi đó, Microsoft đang đẩy mạnh đầu tư vào các dịch vụ đám mây để làm “chất kết dính cho các thế giới ảo”. Hồi tháng 3 năm ngoái, công ty này đã công bố Mesh, nền tảng cho phép người dùng chia sẻ trải nghiệm ảo cùng nhau.

Microsoft là hãng công nghệ lớn đầu tiên trên thế giới trình làng loại kính AR đầy đủ tính năng vào năm 2016, gọi là HoloLens. Tuy nhiên, đây không phải là sản phẩm hướng đến người dùng thông thường mà là doanh nghiệp muốn xem liệu thiết bị này có thể giúp người lao động của họ làm việc hiệu quả hơn hay không.

Khách hàng lớn nhất của HoloLens đến giờ là quân đội Mỹ. Microsoft đã đạt được thỏa thuận trị giá 22 tỉ USD để sản xuất 120.000 kính HoloLens được tùy chỉnh để binh sĩ có thể sử dụng nhằm tăng khả năng gây thương tích cho kẻ địch.

HoloLens cũng nhận được sự quan tâm từ các công ty y tế muốn tìm hiểu xem liệu AR có thể giúp cải thiện kết quả phẫu thuật hoặc thậm chí là giúp họ thực hiện phẫu thuật từ xa hay không.