Vạn Lý Trường Thành có bất khả xâm phạm?
Kỳ quan trải dài hơn 21.000 km tức hơn 1/2 chu vi Trái đất. Nhưng bức tường rộng lớn với chiều cao trung bình là 7,8 mét này có thực sự bảo vệ Trung Quốc khỏi thế giới bên ngoài?
Câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào cách bạn đánh giá những thành công và thất bại của Vạn Lý Trường Thành. Người Trung Quốc đã xây dựng Vạn Lý Trường Thành như một kiệt tác của kiến trúc phòng thủ và trong khi nó chắc chắn đã giúp quân đội Trung Hoa ngăn chặn nhiều cuộc tấn công của một số kẻ xâm lược, song bức tường này không phải là bất khả chiến bại.
Mặt khác, bức tường cũng giúp thể hiện sự giàu có, chuyên môn kiến trúc và sức mạnh kỹ thuật của Trung Quốc trong lịch sử. Trên mặt trận này, nó chắc chắn đã thành công và đang tiếp tục thành công khi Trung Quốc sử dụng bức tường như một biểu tượng yêu nước.
Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các bức tường ở cực Bắc đất nước vào khoảng năm 700 trước Công nguyên nhưng phải đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc và trở thành hoàng đế đầu tiên vào năm 221 trước Công nguyên, dự án Vạn Lý Trường Thành mới được tiến hành một cách nghiêm túc.
Ông chỉ đạo nông dân kết nối các pháo đài được xây dựng từ trước thành một bức tường để bảo vệ đế chế đang phát triển của mình khỏi các bộ lạc du mục khác nhau ở khu vực Mông Cổ, theo Britannica. Các vị hoàng đế sau này tiếp tục mở rộng và củng cố bức tường, thêm vào các tháp đèn hiệu có thể được thắp sáng để gửi thông điệp về các cuộc đột kích.
Nhưng Vạn Lý Trường Thành không đảm bảo tuyệt đối an toàn. Trong nhiều trường hợp, những kẻ xâm lược chỉ cần hành quân từ nhiều phía. Một trong những thất bại rõ ràng nhất của bức tường đã dẫn đến sự kết thúc của cả một triều đại thống trị.
Julia Lovell – Giáo sư lịch sử và văn học Trung Quốc hiện đại từ Đại học Birkbeck, London, Anh – cho biết, bức tường đã không thể bảo vệ được nhà Minh khỏi một trong những kẻ thù lớn nhất của họ – người Mãn Châu ở phía Đông Bắc. Người Mãn Châu sau đó thành lập triều đại nhà Thanh vào năm 1644, kéo dài cho đến năm 1912.
Louise Edwards, Giáo sư danh dự về lịch sử Trung Quốc tại Đại học New South Wales ở Australia, cho biết: “Những người bình thường đã phải cung cấp sức lao động trong nhiều năm để xây dựng nó, và nó đã trở thành biểu tượng. Đây là sức mạnh thực sự và trường tồn của nó”.