Bác sĩ Alexandre Yersin: Người thầy đầu tiên của Trường Y khoa Đông Dương
Tượng Alexandre Yersin tại công viên Yersin – Đà Lạt do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện.
Đến Đà Lạt, đi ngang qua một công viên xinh xắn nằm tại vị trí “đắc địa”, gần khu quảng trường trung tâm, trông ra hồ Xuân Hương thơ mộng, du khách thấy ngay bức tượng bán thân của một người được tôn vinh đã có công khai mở ra thành phố Đà Lạt ngày nay. Người đó là bác sĩ A. Yersin và công viên này cũng mang tên ông.
Y học và sự mạo hiểm
Bức tượng bán thân Yersin được một điêu khắc gia nổi tiếng, người gốc Đà Nẵng là Phạm Văn Hạng tạo tác từ một khối đá hoa cương đẹp, nặng đến 36 tấn. Mặt tượng có chiều dài 3,3m, rộng 2,1m và cao 2,5m.
Phía trước tượng là bút tích chữ ký của Yersin được khắc một cách tinh xảo, hài hòa. Tượng được khánh thành cuối năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 115 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 – 2008), thay cho bức tượng thạch cao đã có trước đó từ lâu.
Với những người lớn tuổi ở Nha Trang, bác sĩ Yersin còn được gọi bằng một cái tên gọi Việt rất mộc mạc, gần gũi và thân thương là ông Năm. Chữ Năm bắt nguồn từ cấp bậc có 5 gạch lúc ông “nghỉ hưu” năm 1920, sau 28 năm tham gia lực lượng quân y hải ngoại để được nhận tiền lương và phụ cấp sinh sống, nghiên cứu.
Ông Năm hay bác sĩ Yersin, bác sĩ Alexandre Yersin có tên gọi đầy đủ là Alexandre Émile Jean Yersin. Ông là người Thụy Sĩ, có nguồn gốc từ Pháp, sinh ngày 22/9/1863 tại Lavaux, Thụy Sĩ. Đến năm 1887, lúc 26 tuổi, ông chuyển quốc tịch Pháp cho đến cuối đời. Ông mất tại Nha Trang (Khánh Hòa), ngày 1/3/1943, thọ 80 tuổi.
Mộ của ông được đặt trên một ngọn đồi ở Suối Dầu, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 20km, theo nguyện vọng ghi trong di chúc của ông. Đây có lẽ là ông Tây duy nhất được đông đảo nhân dân Việt Nam khóc thương, đưa tiễn và đặt linh vị thờ phụng trong một số chùa ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Những đóng góp vô giá cho y học thế giới
Trong tiểu sử trên các trang web nổi tiếng mang tính toàn cầu, bằng tiếng Pháp hoặc Anh, Alexandre Yersin được biết một cách rộng rãi là bác sĩ và là nhà vi khuẩn học người Pháp.
Mặc dù, cha mất trước khi chào đời, nhưng cậu học trò Alexandre được mẹ nuôi dưỡng tử tế và cho ăn học thành danh. Alexandre là con út trong gia đình có chị gái và anh trai. Năm 20 tuổi, Alexandre trở thành sinh viên của Trường Y khoa Lausanne (Thụy Sĩ).
Sau đó, ông sang học y khoa tại Marburg (Đức), rồi chuyển sang học y khoa tại kinh đô Paris tráng lệ của Pháp. Tại Pháp, vị bác sĩ trẻ tương lai bắt đầu thực hiện các nghiên cứu y học đầu tiên khi tham gia nhóm nghiên cứu phát triển huyết thanh chống bệnh dại tại phòng thí nghiệm danh tiếng của Louis Pasteur (1822 – 1895).
Trong thời gian này, Alexandre Yersin được cử sang Berlin (Đức) để theo khóa học ngắn, khoảng 1 tháng với nhà vi khuẩn học lừng danh Robert Koch (1843 – 1910) về các nghiên cứu chuyên sâu vi khuẩn.
Trở lại Paris, Yersin bắt đầu các nghiên cứu liên quan đến căn bệnh bạch hầu với bác sĩ Émile Roux. Hai ông đã cùng khám phá ra độc tố bạch hầu, mở ra chương mới cho việc điều trị căn bệnh chết người này.
Alexandre Yersin nhận bằng Tiến sĩ y học năm mới 25 tuổi. Việc bác sĩ trẻ xin nhận lại quốc tịch của tổ tiên có liên quan đến việc hành nghề y và nghiên cứu của ông tại Paris, vì đó là điều bắt buộc thời bấy giờ.
Sau này, trong thời gian làm việc tại Đông Dương, bác sĩ Yersin đã sang Hồng Kông nghiên cứu về bệnh dịch hạch và phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh, tháng 6/1894. Ông trở về Viện Louis Pasteur (Paris) cùng đồng nghiệp nghiên cứu chế tạo thành công huyết thanh chống lại căn bệnh này.
Trong nhiều thập niên qua, bệnh dịch hạch đã được loại trừ trên phạm vi toàn thế giới. Để nhớ đến công lao to lớn của ông, các nhà khoa học đặt tên cho vi khuẩn gây bệnh dịch hạch là Yersinia Pestis.
Đối với nền y học Việt Nam, ông Năm Yersin là người tích cực vận động mở trường y khoa đầu tiên ở Đông Dương tại Hà Nội, năm 1902. Trường có tên Pháp là École de Médecine de l’Indochine (Trường Y khoa Đông Dương).
Đây chính là tiền thân Trường Đại học Y Hà Nội ngày nay. Trong 2 năm đầu, chính Alexandre Yersin đảm nhận chức vụ hiệu trưởng. Khóa học đầu tiên có 28 sinh viên trong nước và 1 người nước ngoài. Tất cả đều nhận được học bổng trong quá trình theo học.
Viện Pasteur Nha Trang cũng được ông “manh nha” thành lập từ năm 1895, bắt đầu là một phòng thí nghiệm nhỏ chuyên sản xuất huyết thanh phòng bệnh. Đến năm 1905, phòng thí nghiệm này phát triển thành chi nhánh của Viện Pasteur Pháp.
Năm 1915, ông còn gây dựng một cơ sở ở Hòn Bà nhập cây Canh-ki-na từ Nam Mỹ về Việt Nam trồng để điều chế ra ký ninh chữa bệnh sốt rét. Vì không chịu quay về đất mẹ, nên năm 1934, ông được bổ nhiệm làm “giám đốc danh dự” của của Viện Pasteur Paris (Pháp) cho đến cuối đời.
Mạo hiểm qua những vùng đất mới
Bác sĩ Alexandre Yersin.
Năm 1890, bác sĩ Alexandre Yersin đã khiến cho các đồng nghiệp và bạn bè ngạc nhiên khi ông quyết định giã từ kinh đô ánh sáng, nơi mà điều kiện sống và nghiên cứu thuận lợi nhất, để đến Đông Dương – nơi được xem như là vùng đói nghèo và lạc hậu.
Để thỏa nguyện ước mơ mạo hiểm, phiêu lãng và khám phá, bác sĩ Alexandre Yersin nhận làm “người chăm sóc sức khỏe” cho Công ty Hàng hải Messageries đi tuyến Sài Gòn – Manila (Philippines), sau đó là tuyến Sài Gòn – Hải Phòng.
Những cuộc hải hành dài cho ông nhiều thời gian rỗi rãi để đọc sách và nghiên cứu. Ông đã học từ thuyền trưởng cách sử dụng bản đồ và các phương tiện quan trắc khác. Nhờ vậy, khi lên đất liền ông biết cách xâm nhập vào các địa hình rừng núi phức tạp mà không bị lạc đường.
Sau hơn một năm rong ruổi trên biển khơi, Alexandre Yersin xin thôi việc ở Công ty Hàng hải Messageries và chọn Nha Trang là nơi bắt đầu cuộc sống tại Việt Nam. Quyết định này kéo dài dằng dặc qua gần 52 năm.
Mặc dù không phải là người đầu tiên thám hiểm vùng Tây Nguyên, nhưng những chuyến đi và nghiên cứu của Alexandre Yersin về vùng đất hoang sơ đầy bí ẩn này đã đặt nền móng cho quyết định hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt mộng mơ và ngàn hoa ngày nay.
Thời bấy giờ, muốn đi từ Nha Trang vào Sài Gòn chỉ có đường thủy, không có đường bộ. Alexandre Yersin muốn tìm ra con đường ấy và ông phát hiện ra cao nguyên Di Linh. Tuy nhiên, từ Di Linh không thể đi tiếp đến Sài Gòn được.
Giữa năm 1893, theo sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương, đoàn thám hiểm của ông đi ngược từ Biên Hòa ra Đồng Nai, đến Di Linh và rồi khám phá ra cao nguyên Lâm Viên khí hậu mát mẻ không thua kém gì châu Âu. Về nguồn gốc tên gọi Đà Lạt, theo các nghiên cứu còn có vài cách giải thích khác nữa.
Khi người Pháp có nhu cầu xây dựng một khu nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn châu Âu, Alexandre Yersin đã đề nghị với Toàn quyền Đông Dương chọn một địa điểm tại cao nguyên Lâm Viên và xây dựng thành Đà Lạt ngày nay.
Không chỉ khám phá các vùng đất hoang sơ thuộc các cao nguyên Di Linh, Lâm Viên, Alexandre Yersin còn “vạch” rừng lên tận Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk, xuôi ra Đà Nẵng hoặc sang tận Nam Lào…
Đôi lúc, ông còn lênh đênh trên biển đi vòng từ Phan Rí về Nha Trang hoặc theo sông Mekong ra tận Phú Quốc, rồi về cập cảng Sài Gòn. Mỗi chuyến đi là một cuộc hành trình gian nan với những hiểm nguy luôn rình rập như thú dữ, mưa rừng, bão tố, cướp bóc…
Trong mỗi chuyến đi, ông đều chụp hình, vẽ các sơ đồ và tỉ mỉ ghi chép nhật ký hành trình qua những vùng đất mới đến với các đặc điểm vị trí địa lý, khí hậu, thời tiết và những con người mới gặp với những đặc điểm, phong tục, tập tục sinh hoạt. Đây là nguồn tư liệu quý và vô giá để nghiên cứu về vùng đất và con người Tây Nguyên trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.
Tấm lòng của một con người vĩ đại
Trước hết nói đến tấm lòng hiếu thảo của ông dành cho người mẹ già qua khoảng 1.000 lá thư mà ông viết gửi từ khắp nơi trên thế giới về cho bà. Những lá thư này còn là tư liệu quý để người ta hiểu được bổn phận làm con và qua đó nhận ra sự hồn nhiên, hóm hỉnh và tính cách hài hước của ông.
Trong một lá thư viết gửi từ Hồng Kông khi đến nghiên cứu về căn bệnh dịch hạch đang bùng phát làm chết nhiều người, ông viết: “Con còn nhiều điều nữa muốn thưa với mẹ, nhưng có hai xác chết đang chờ con. Họ muốn ra nghĩa địa cho sớm. Tạm biệt mẹ thân yêu. Mẹ rửa tay sau khi đọc thư này kẻo bị lây dịch hạch, mẹ nhé”.
Với trách nhiệm của một thầy thuốc, đến đâu gặp người bệnh ông cũng đều khám chữa, nhưng… miễn phí. Trong một lá thư khác gửi cho mẹ, ông viết: “… Không bao giờ con có thể đòi tiền người bệnh cho việc chăm sóc họ. Con coi y khoa như là một chuyên môn và là một mục vụ. Đòi tiền để chăm sóc bệnh nhân chẳng khác nào nói với người đó rằng: Tiền hay mạng sống?”.
Giữa làng chài bé nhỏ và nghèo có tên là xóm Cồn, bên bờ biển Nha Trang, ông Năm sống độc thân, thân thiện, gần gũi với dân làng, thường xuyên giúp đỡ họ khi ốm đau và những lúc khó khăn cơ nhỡ.
Nhờ có kính thiên văn quan sát đặt trên tầng 3 của ngôi nhà cổ, ông Năm đưa ra “dự báo thời tiết” cho cả làng chài được biết mà ra khơi hay nằm nhà. Khi bão xảy ra, ông gọi dân làng đến nhà ông trú ẩn và cung cấp cho họ lương thực mà ông đã chuẩn bị trước bằng lương của riêng mình.
Một chuyện khác, có thể là giai thoại, kể rằng, khoảng cuối năm 1920 Alexandre Yersin đáp tàu đi Marseille. Tới bữa ăn, ông bị người gác cửa phòng ăn ngăn cản không cho vào bởi trông thiếu… lịch sự, vì không đeo cà vạt.
Ông mỉm cười, xin lỗi và nhanh chóng quay về phòng mình rồi trở ra hỏi người chặn cửa: “Chiếc cà vạt này cậu có chấp nhận được không?”. Thì ra, trên cổ áo, ông vừa đeo vào đó tấm Huân chương Bắc đẩu bội tinh mà không mấy người Pháp… lịch sự nào có được!
Sau khi qua đời, theo di nguyện, toàn bộ tài sản của ông tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Tên gọi Alexandre Yersin đã đi vào bất tử trong lòng nhân loại.