Bất ngờ tìm thấy lăng mộ Ai Cập cổ đại dành riêng cho nữ thần sinh sản
Ngôi mộ này nằm trong quần thể giáo phái Hathor 3.500 năm tuổi, một quần thể ba ngôi đền nằm trong Đền Hatshepsut ở Deir el-Bahari, gần Luxor. Nhiều đồ tạo tác có niên đại của Vương quốc Mới, bao gồm các triều đại 18,19 và 20 trị vì từ thế kỷ 16 trước Công nguyên đến thế kỷ 11 trước Công nguyên.
Nhiều hiện vật trong số này là đồ cúng gồm những đồ vật đặc biệt, như những bức tượng nhỏ, có mục đích dâng các vị thần, các nhà lãnh đạo hoặc cơ sở tôn giáo ở Ai Cập cổ đại đã dâng tặng cho Hathor, nữ thần sinh sản.
Patryk Chudzik, giám đốc của Đoàn thám hiểm khảo cổ và bảo tồn Ba Lan-Ai Cập, cho biết: “Những đồ cúng dâng lên Hathor được phát hiện trong ngôi mộ này là một phần của ngôi đền Hatshepsut. Chúng không được sử dụng để thờ cúng, mà được dành làm nơi đổ rác”.
Nữ cai trị Hatshepsut thường cầu khẩn Hathor, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi bà có một nhà nguyện dành riêng cho nữ thần này tại ngôi đền này, theo Bách khoa toàn thư lịch sử thế giới .
Nhóm của Chudzik đã phát hiện ra lăng mộ này vào mùa xuân năm 2021 trong quá trình điều tra quần thể giáo phái Hathor, đồng thời đang nỗ lực bảo tồn và tái tạo nó, đặc biệt là để mở cửa công khai cho Đền Hathor.
Chudzik cho biết thêm: “Những vật liệu cổ nhất từ đồ dâng cúng như những bức tượng nhỏ bằng đất sét có niên đại vào triều đại thứ 18, trong khi những vật liệu khác được làm dưới triều đại của các pharaoh vương triều thứ 19 và 20”.
Ông lưu ý rằng bãi rác này rất lớn với các mảnh vỡ lấp đầy hành lang dài gần 15 m của lăng mộ. Mặc dù bãi rác lớn như vậy, nhưng nó đã từng bị các nhà khảo cổ học bỏ qua.
Nhà khảo cổ học Thụy Sĩ Édouard Naville ban đầu phát hiện ra ngôi mộ vào cuối những năm 1800, nhưng ngoài việc chú ý đến đống đổ nát quá nhiều, ông đã không điều tra về bãi rác này. Một đoàn thám hiểm người Mỹ khai quật ngôi đền vào những năm 1920 cũng đã bỏ qua nơi chôn cất rác này.
Cuộc điều tra mới cho thấy, những đồ cúng lễ cho Hathor bao gồm gốm tráng men, các bình đất sét, tượng con bò bằng đất sét; mảnh vỡ của tượng đá vôi, đá granit, những bức tượng nàng tiên nhỏ, đại diện của Hathor và các loại bùa hộ mệnh.
Chudzik cho biết: “Đôi khi khu vực đền thờ nhiều lễ vật đến nỗi không còn chỗ trống cho những đồ vật mới, và đó là lý do tại sao các thầy tu từ đền Hatshepsut thỉnh thoảng mang chúng ra ngoài, tạo thành đống rác”.
Khám phá cũng cho thấy rằng, lăng mộ này đã mở và có thể được vào bên trong vào thời Hatshepsut và dưới thời trị vì của các vị vua kế tiếp của Ai Cập.