Bé gái 2 tuổi bị dậy thì sớm, mức độ phát triển hormone ngang với trẻ 10 tuổi, nguyên nhân xuất phát từ đồ vật luôn hiện hữu trong phòng ngủ của mỗi gia đình
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều trường hợp trẻ dậy thì sớm, điều này khiến các bậc cha mẹ chú ý đến mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của con cái mình. Dù vậy, vẫn có những tác nhân nguy hiểm luôn hiện hữu trong ngôi nhà mà chúng ta chưa từng để tâm đến như với bé gái 2 tuổi dưới đây.
Theo tờ Nhật báo Quảng Châu (Trung Quốc), mới đây một bé gái 2 tuổi được chẩn đoán dậy thì sớm tại bệnh viện. Khi có kết quả kiểm tra, không chỉ gia đình mà ngay cả bác sĩ cũng thực sự sửng sốt. Từ bảng báo cáo, mức độ phát triển hormone của bé gái 2 tuổi này đã ngang 1 đứa trẻ 10 tuổi, tuổi xương phát triển gần bằng trẻ 4 tuổi rưỡi.
Nhận được thông tin này, bố mẹ cô bé vô cùng hoang mang, họ đã đọc rất nhiều trường hợp trẻ bị dậy thì sớm do đó luôn chú trọng đến cơm ăn, áo mặc hàng ngày của con. Thậm chí, họ cũng không bao giờ cho con ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán, kiểm soát đồ ăn vặt, đồ ngọt của con… thì sao có thể xảy ra chuyện này.
Sau khi tìm hiểu thói quen sinh hoạt hàng ngày của bé, bác sĩ mới phát hiện ra nguyên nhân chính xuất phát từ đồ vật hiện hữu trong phòng ngủ của cô bé. Hóa ra đó là chiếc đèn ngủ!
Các bé gái khi ngủ vào ban đêm thường có thói quen bật đèn ngủ rất lâu mới đi vào giấc ngủ, thông thường là do trẻ sợ bóng tối. Chính thói quen này của con mà cha mẹ không để ý đã dẫn đến tình trạng trẻ bị dậy thì sớm.
Tại sao ánh sáng ban đêm gây dậy thì sớm?
Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng việc bật đèn vào ban đêm để con ngủ có tác dụng ức chế quá trình sản xuất melatonin của chính cơ thể và khiến khả năng miễn dịch bị suy giảm. Bật đèn ngủ trong thời gian dài để đi vào giấc ngủ dễ gây ra các vấn đề sau:
1. Cận thị
Khi trẻ được 2 đến 3 tuổi là thời kỳ quan trọng để phát triển thị lực, lúc này võng mạc đã phát triển hoàn thiện, ánh sáng tốt đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của võng mạc mắt ở trẻ.
Khi bật đèn ngủ trong thời gian dài để ngủ sẽ phá vỡ sự cân bằng phát triển của võng mạc, ánh sáng chiếu vào mắt trẻ khiến thần kinh và cơ mắt căng thẳng, lâu ngày không thể thư giãn thực sự và nghỉ ngơi được, sau đó sẽ dẫn đến cận thị.
2. Ảnh hưởng đến chiều cao
Cho dù trẻ may mắn không bị dậy thì sớm khi bật đèn trong lúc ngủ thì chiều cao của bé vẫn sẽ bị ảnh hưởng.
Chỉ có chất lượng giấc ngủ tốt mới giúp ích cho sự phát triển thể chất của trẻ, hormone tăng trưởng do cơ thể tiết ra khi ngủ sẽ bị đèn ngủ chiếu vào gây rối loạn bài tiết hormone tăng trưởng, không có lợi cho sự phát triển chiều cao của trẻ.
3. Dậy thì sớm
Sau khi trẻ ngủ, tuyến tùng ở não sẽ tiết ra một lượng lớn melatonin. Tuyến tùng có đặc điểm, nếu mắt tiếp xúc với nguồn sáng thì kích thích tuyến tùng, ức chế quá trình tiết ra chất nêu trên.
Nếu tiếp xúc với ánh sáng trong thời gian ngủ dài ngày, tuyến tùng không thể tiết melatonin bình thường, sau khi chức năng ngủ bị rối loạn sẽ càng thúc đẩy tiết hormone kích thích nang trứng, trực tiếp dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ.
Sử dụng đèn ngủ như thế nào cho hợp lý?
Đối với trẻ nhỏ, việc bật đèn ngủ có thể mang lại một số lợi ích như chăm sóc giấc ngủ của trẻ vào ban đêm, giảm nỗi sợ bóng tối của trẻ… do đó, việc sử dụng đèn ngủ hợp lý là điều mọi người cần lưu ý.
Cha mẹ có thể đồng hành cùng con, tạo cho con cảm giác đủ an toàn, dần dần rèn luyện thói quen tắt đèn ngủ cho con.
Lưu ý quan trọng: Khi chọn đèn ngủ cho trẻ, không nên chọn đèn ngủ quá sáng, màu có thể là đỏ, cam hoặc hổ phách, đèn ngủ có ánh sáng dịu nên đặt cách xa trẻ, không nên đặt đèn ngủ chiếu sáng trực tiếp vào mắt trẻ.