Bên trong phòng nghiên cứu bí mật nơi Apple tạo ra iPhone và hàng loạt sản phẩm khác
Apple Park là trụ sở của hãng công nghệ nổi tiếng nhất thế giới, tọa lạc tại Cupertino và là nơi làm việc của 12.000 nhân viên, trong đó có đội ngũ thiết kế của Apple. Là công ty cực kỳ kín tiếng, chúng ta hiếm khi biết được những gì đang diễn ra bên trong Apple Park, nhất là với Apple Design Team, nơi tạo ra những thiết kế sản phẩm cho Apple.
Tuy nhiên, trang Wallpaper đã được phép ghé thăm trụ sở của Apple và quan trọng hơn là được tham quan Apple Design Team, hé lộ những hình ảnh trước đây chưa bao giờ được nhìn thấy.
Apple Design Team được dẫn dắt bới Evans Hankey, Giám đốc thiết kế công nghiệp của Apple, và Alan Dye, Phó Giám đốc thiết kế giao diện người dùng. Cả hai là đồng nghiệp và là bạn thân của Jony Ive, họ đã lãnh đạo nhóm thiết kế khi Jony Ive rời Apple vào năm 2019.
Dye và Hankey xem trọng việc “khiêm tốn”, đặc biệt là khi Apple đang thâm nhập thị trường mới. Mặc dù những sản phẩm như Apple Watch và AirPods có thể dễ dàng chiếm lĩnh thị trường, nhưng công việc đằng sau những sản phẩm đó thật đáng kinh ngạc.
Ví dụ như nhóm Nhân tố Con người (Human Fators Team), gồm các chuyên gia về công thái học, nhận thức và tâm lý học. Khi quá trình phát triển AirPods bắt đầu cách đây một thập kỷ, nhà nghiên cứu về các yếu tố con người Kristi Bauerly đã phải xem xét sự phức tạp của tai người để hỗ trợ cho sản phẩm.
Cô nói: “Chúng tôi đã tạo khuôn và scan cấu tạo tai, làm việc với các học giả gần đó, tập trung vào tai ngoài để thiết kế tai nghe và tai trong cho âm học. Hàng nghìn tai người đã được scan và bằng cách kết hợp tất cả chúng lại với nhau, công ty mới tìm thấy đặc điểm thiết kế. Tôi nghĩ chúng tôi đã tập hợp một trong những thư viện dữ liệu tai người lớn nhất thế giới”.
Đối với Apple Watch, nhóm phải thiết kế, xây dựng và triển khai hệ thống thông báo vật lý. Nhóm phải tính toán xem thông báo mạnh như thế nào, trong bao lâu, và làm thế nào để người dùng thấy tự nhiên. Hankey nói: “Chúng tôi biết rằng Watch sẽ là sản phẩm mang tính cá nhân nhất mà chúng tôi từng làm.”
Ngay cả đối với một sự thay đổi bên ngoài để bảo vệ môi trường như việc loại bỏ lớp seal nilon trên iPhone 13 cũng phải được nhóm thiết kế tính toán cẩn thận. Làm thế nào để giữ được trải nghiệm mở hộp?
Làm thế nào để đơn giản hóa? Vấn đề này được nghiền ngẫm, phân tích và cuối cùng đưa ra giải pháp bằng seal giấy. Sự thay đổi này sẽ giúp giảm khoảng 600 tấn nhựa trong vòng đời của iPhone 13.
Các font chữ cũng được chú ý cẩn thận, Steve Jobs nhận ra máy tính sẽ ngày càng tiến bộ và sẽ có tiêu chuẩn cho font chữ. Jobs yêu cầu Macintosh phải có các font chữ quen thuộc, đặc biệt là Helvetica và Times New Roman.
Nó cũng bao gồm các font chữ dành riêng cho Apple như Chicago, Toronto và Geneva. Cuối cùng, Apple đã phát triển tiêu chuẩn font chữ TrueType vẫn phổ biến cho đến ngày nay.
Lance Wilson, một trong những chuyên gia typographic của mhóm thiết kế, là một trong những người đứng sau font chữ San Francisco, đã xuất hiện cùng với Apple Watch đầu tiên vào năm 2014 và cuối cùng đã được tung ra với iOS 9 và OS X. San Francisco còn được phát triển rộng hơn, hoạt động trên 150 ngôn ngữ và phát triển thành các biến thể, bao gồm SF Rounded, SF Mono và phiên bản 3D được sử dụng cho Apple Pay.
Ứng dụng SF Symbols cung cấp cho các nhà phát triển hơn 100.000 tổ hợp ký hiệu, với khả năng thay đổi đa dạng, tất cả đều nhằm mục đích “tạo ra sự liền mạch giữa phần cứng và phần mềm”, theo Wilson.
Để có được camera chất lượng cao như ngày nay, nhóm đã phải nghiên cứu rất nhiều về lịch sử của chân dung. “Chúng tôi có được những hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của việc lấy nét vào mắt, xử lý hậu cảnh và ánh sáng. Những điều này dẫn đến các tính năng mà chúng tôi đã thêm vào iPhone trong những năm qua”, nhà thiết kế giao diện người dùng Johnnie Manzari cho biết. Việc tập trung vào nhiếp ảnh cũng tác động đến thiết kế phần cứng, như việc bố trí camera.
Công nghệ ngày càng trở nên gần gũi với con người hơn. Đây là thách thức của Apple Watch. Hankey nói: “Apple Watch là một ví dụ tuyệt vời về những gì chúng tôi phối hợp cùng nhau trong studio”. Apple Watch cũng có cách tương tác độc đáo, Digital Crown.
Nhà thiết kế Molly Anderson cho biết: “Chúng tôi muốn hợp nhất phần mềm và phần cứng. Digital Crown đến từ việc tham khảo lịch sử của đồng hồ và nhận ra rằng chúng tôi cần phải có cơ chế vật lý và xúc giác để làm cho Apple Watch thực sự khác biệt so với một chiếc iPhone trên cổ tay.”
Đối với nhóm thiết kế, bản thân Apple là một nguồn cảm hứng to lớn với lịch sử đầy sáng tạo của thương hiệu này và hiện tại trung tâm của tất cả chính là Apple Park. Tại Apple Park, nhóm thiết kế của Apple đã tìm thấy một nơi tối ưu, một nơi mà tất cả sự phát triển của công nghệ được nghiên cứu, mổ xẻ, phát triển và thiết kế trước khi chuyển đến tay hàng triệu người dùng.
Tham khảo: Wallpaper