Cá hồng mặt hung dữ, biết 'đi bộ' lần đầu tiên phát hiện ở Australia sau 2 thập kỷ
Con cá màu hồng quý hiếm có vây to, một cấu trúc kỳ lại giống ‘bàn tay", sử dụng để ‘đi lại" ở dưới nước. Lần cuối cùng người thợ lặn phát hiện ra loài cá kỳ dị này ở Tasmania là năm 1999.
Gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện một cá thể cá hồng qua đoạn video do camera dưới đáy biển sâu ghi lại tại vùng biển ngoài khơi Australia.
Loài cá vốn thích sống ở vùng nước nông nhưng lần này họ tìm thấy nó di chuyển ở độ sâu khoảng 20-30 mét. Phát hiện về vị trí sống khác lạ khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên.
Giáo sư Neville Barrett, từ Viện Nghiên cứu Nam Cực và Biển tại Đại học Tasmania cùng nhóm nghiên cứu đã thả máy ảnh có gắn mồi xuống đáy biển để khảo sát san hô, tôm hùm và các loài cá.
Neville Barrett cho biết: “Đây là một khám phá thú vị, mang lại hy vọng cho sự tồn tại của loài cá hồng. Rõ ràng chúng có môi trường sống và phân bố rộng hơn so với suy nghĩ trước đây”.
Con cá màu hồng chui ra từ một mỏm đá sau khi bị con tôm hùm tấn công. Nó quan sát xung quanh vài giây rồi bơi đi. “Vào thời điểm đó, máy ảnh ghi lại được hình ảnh thực sự tuyệt vời, giúp chúng tôi xác định một cách chính xác về loài cá và đo kích thước của nó.
Chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng vì có thể sử dụng hàng loạt các kỹ thuật hiện đại phát hiện nhiều loài quý hiếm và thực sự thấy tầm quan trọng của những môi trường sống sâu dưới đáy biển”, Neville Barrett cho biết.
Theo ông Neville Barrett, cá màu hồng khá nhỏ và khó phát hiện, có kích thước khoảng 15 cm.
Cá màu hồng ‘có tay" là một trong 14 loại cá đặc biệt, có tay sinh sống xung quanh Tasmania, hòn đảo phía nam Australia. Lo sợ cho sự tồn tại của loài cá này, các quan chức gần đây đã xếp nó vào loại có nguy cơ tuyệt chủng.