Các hãng xe Trung Quốc tìm cách tự chủ chip
SiEngine Technology – một đơn vị của nhà sản xuất ô tô tư nhân hàng đầu Trung Quốc Geely – đã ra mắt chipset tiên tiến dành cho ô tô mang tên DragonHawk 1 vào ngày 10/12 vừa qua. Trong buổi ra mắt này, Chủ tịch Geely Lý Thư Phúc đã tuyên bố: “Chip bán dẫn vô cùng quan trọng đối với đất nước [Trung Quốc]. Nó là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định và bền vững”.
DragonHawk 1 được thiết kế với tiến trình 7nm thuộc hàng tiên tiến nhất hiện nay, với mục đích điều khiển hệ thống “buồng lái thông minh” bao gồm hệ thống hiển thị, dẫn đường, hỗ trợ và dịch vụ nền tảng điện toán đám mây. Quá trình sản xuất hàng loạt chip DragonHawk 1 dự kiến sẽ bắt đầu vào quý 3/2022; Geely sau đó sẽ đưa chip này vào xe của hãng trước khi năm 2022 kết thúc. Một số hãng truyền thông Trung Quốc cho biết Geely sẽ đặt hàng chip 7nm cho DragonHawk 1 từ TSMC.
SiEngine được thành lập bởi đơn vị ECARX của Geely và Arm China – chi nhánh Trung Quốc của nhà sản xuất chip từ Anh Arm. SiEngine đang nhắm đến mục tiêu ra mắt một chip 5nm sớm nhất vào năm 2024 để đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của công nghệ xe tự lái.
Mẫu xe điện hạng sang Zeekr của Geely, được thiết kế với mục tiêu trở thành đối thủ của Tesla. Ảnh: Shunsuke Tabeta.
Geely không phải là hãng xe đơn độc trong hành trình tự chủ chip tại Trung Quốc. SAIC-GM-Wuling Automobile, một công ty liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước SAIC Motor và General Motors cũng đã bắt đầu tự nghiên cứu phát triển chip. Liên doanh này chuyên sản xuất xe điện phân khúc giá rẻ (khoảng 4500 USD) và đang có kế hoạch tự chủ được ít nhất 90% chip dùng trong xe điện trước năm 2025.
Bên cạnh đó, Dongfeng Motor đã bắt đầu sản xuất hàng loạt linh kiện bán dẫn công suất cho các xe ô tô điện, trong khi BYD cũng đang tiến hành thành lập đơn vị chuyên về chip bán dẫn để tăng cường năng lực phát triển.
Những động thái trên diễn ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng chuỗi cung ứng bền vững trong nước và ít bị ảnh hưởng hơn từ đại dịch Covid-19 và các lệnh trừng phạt của Mỹ. Chip bán dẫn là một nguồn cơn gây lo ngại đáng kể, đặc biệt khi hạn chế xuất khẩu của Mỹ đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các công ty công nghệ như Huawei.
Theo một số nguồn thông tin nhất định, tỷ lệ tự chủ về tất cả các loại chip bán dẫn của Trung Quốc là khoảng 20%, nhưng trong ngành ô tô tỷ lệ này chỉ là khoảng 5% hoặc thậm chí thấp hơn. Theo công ty nghiên cứu LMC Automotive, khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu đã giảm lượng xe ô tô sản xuất trong năm 2021 hơn 2 triệu xe, tương đương với khoảng 10% thị trường xe tại Trung Quốc.
Để đối phó với rủi ro chuỗi cung ứng, các hãng sản xuất ô tô đang nhắm đến việc tự phát triển và sản xuất chip. Bên cạnh những nỗ lực nói trên, SAIC Motor, GAC Group và nhiều hãng xe hàng đầu khác tại Trung Quốc đã đầu tư vào Horizon Robotics – một startup chuyên về chip và các giải pháp AI cho ô tô – với hy vọng biến startup này thành một nhà cung ứng toàn diện cho ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.
Tuy nhiên, rất nhiều thử thách vẫn còn đó với các hãng ô tô Trung Quốc. Ngành ô tô Trung Quốc hiện vẫn phải phụ thuộc nặng vào các nhà sản xuất chip theo hợp đồng nước ngoài. Công ty sản xuất chip hợp đồng hàng đầu Trung Quốc SMIC đang nỗ lực tăng cường sản lượng để đối phó với khủng hoảng, nhưng SMIC không có nhiều khả năng cung ứng cho ngành ô tô. Bên cạnh đó, SMIC hiện đang phải đối phó với việc không nhập được thiết bị sản xuất chip do lệnh cấm của Mỹ.