Chứng kiến kẻ buôn người sát hại mẹ dã man, 2 anh em bị bắt cóc thất lạc gần 3 thập kỷ, nhưng cái kết khi đoàn tụ lại khiến ai nấy xót xa

Những năm đầu thập niên 90 ở thị trấn Vĩnh Hưng, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thường xuyên xảy ra các vụ bắt cóc trẻ em.

Cuộc đời của Triệu Vĩnh Dũng đã thay đổi vào năm 7 tuổi, khi anh và em trai bị bắt cóc, đồng thời phải chứng kiến cảnh ​​mẹ mình bị những kẻ buôn người sát hại dã man.

Sau khi mẹ bị bọn buôn người sát hại, 2 anh em bị đưa đến 1 căn hầm tối tăm, chỉ cần mở miệng kêu cứu liền bị chúng dùng gậy đánh vào chân. Triệu Vĩnh Dũng từng cố gắng chạy trốn nhiều lần nhưng đều không thành. Mặc dù gia đình Triệu Vĩnh Dũng đã báo cảnh sát tìm con trai thất lạc và ráo riết tìm kiếm nhưng không vẫn không hề có kết quả.

Bức ảnh quý chụp đầy đủ thành viên gia đình họ Triệu vào năm 1993, Triệu Vĩnh Dũng (phía dưới bên phải ảnh) và em trai Triệu Vĩnh Khoan (phía dưới bên trái ảnh)

Tuy bị bán đi nơi khác nhưng hình ảnh về quê nhà vẫn in sâu trong tâm trí anh. 20 năm sau, Triệu Vĩnh Dũng tìm thấy cha ruột của mình, và kẻ giết hại mẹ anh cũng bị đưa ra trước vành móng ngựa. Dẫu vậy, ván cờ của số phận đã hoàn toàn thay đổi khi cha anh đã lập gia đình mới, em trai thì không muốn thay đổi cuộc sống hiện tại, anh cảm thấy mình như là người ngoài cuộc, từ đó cũng không còn liên lạc với gia đình nữa. Triệu Vĩnh Dũng tự nhận mình chỉ là kẻ trắng tay, khi cả bố và em trai đã có cuộc sống mới, chỉ còn anh sống mãi trong những ký ức về mẹ không thể xóa nhòa.

Hồi ức

“Mẹ là người đẹp nhất làng, học hết cấp 3 và yêu thích văn chương.” – Triệu Vĩnh Dũng đầy xúc động khi nhớ về mẹ. Trong tâm trí của Triệu Vĩnh Dũng, hồi ức về mẹ luôn đẹp đẽ và trân quý nhất.

Tiếu Học Cầm (mẹ của Triệu Vĩnh Dũng) được anh miêu tả là người giản dị, tốt bụng và dễ gần. Bà sống nội tâm, ít nói và có tính cách hiền hậu. Tiếu Học Cầm là con cả trong gia đình có 3 chị em gái, nên hầu hết việc trong nhà từ đồng áng đến nội trợ đều đến tay bà.

“Mặc dù bận nhiều việc nhưng mẹ vẫn dành thời gian chăm sóc và đặc biệt chưa bao giờ cáu gắt với 2 anh em chúng tôi.” – Triệu Vĩnh Dũng nhớ lại.

Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi, đến năm 1994 thì biến cố bất ngờ xảy đến thay đổi tất cả.

Niềm tin

Ảnh minh họa

Triệu Vĩnh Dũng còn nhớ khoảng 1 tuần sau khi bị bắt cóc, vào 1 hôm trời còn chưa kịp sáng 2 anh em đã bị bọn buôn người đánh thức. Bọn họ đi bộ băng qua con đường núi hiểm trở để đến 1 bến xe. Trên chuyến xe chật ních không có chỗ ngồi ấy, lần đầu tiên cậu bé Triệu Vĩnh Dũng được ngắm nhìn nhiều cảnh đẹp khi xe di chuyển qua nhiều tỉnh thành Trung Quốc. Chỉ có điều đây không phải chuyến du lịch cùng gia đình mà Triệu Vĩnh Dũng hằng mơ ước. Sau nhiều giờ đồng hồ phải đứng trên xe, cuối cùng anh được đưa xuống và bán cho 1 hộ dân ở tỉnh Phúc Kiến với giá 5.800 tệ (tương đương 20,9 triệu đồng), đồng thời tên cũng được đổi thành Từ Dương.

Em trai “được giá” hơn và sau khi bọn buôn người nhận 7.800 tệ (tương đương 28 triệu đồng), 2 anh em cũng buộc phải chia tay nhau.

Đến “ngôi nhà mới”, Triệu Vĩnh Dũng không dám không quên đi thân phận thật sự của mình.

“Bố mẹ nuôi chỉ cho học hết cấp 1 và bảo tôi đi làm sớm kiếm tiền. Do đó, tôi đã chọn đi học nghề điêu khắc ngọc.” – Triệu Vĩnh Dũng nói.

Năm 13 tuổi, Triệu Vĩnh Dũng được bố mẹ nuôi gửi đến học việc trong 1 xưởng điêu khắc ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Hồi đó anh chưa thạo việc lại không 1 xu dính túi, điều đơn giản nhất anh có thể làm đó là nhắc bản thân không được quên tên thật. Cho đến nay, anh vẫn còn nhớ như in chuyện xảy ra ngày hôm đó, nhớ về hình ảnh mẹ ngã trên mặt đất, nhớ về căn nhà của họ, nhớ về cả quá trình anh em họ bị đem ra trả giá như món hàng ngoài chợ.

Ảnh minh họa

Anh tập cho mình thói quen viết nhật ký và ngày nào cũng ghi lại những hồi ức ấy vì “sợ quên mất cội nguồn.”

Học việc được 1 năm thì Triệu Vĩnh Dũng rời xưởng điêu khắc để đi kiếm tiền. Anh thuê 1 phòng trọ với giá 300 tệ (tương đương hơn 1 triệu đồng)/ tháng.

“Trong nhà không có gì ngoài dụng cụ làm việc. Thời điểm khó khăn nhất, thậm chí mì gói cũng chẳng có mà ăn, đói quá thì uống nước máy cho no.” – Triệu Vĩnh Dũng nói.

Trong những ngày tháng quá khó khăn, Triệu Vĩnh Dũng từng nghĩ đến việc tự tử, nhưng hình ảnh mẹ cùng nụ cười hiền từ hiện lên trong đầu như tiếp thêm sức mạnh để anh vực dậy tinh thần.

Trở về

Vào ngày 11/9/2012, sau bao nhiêu năm xa cách, dưới sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, Triệu Vĩnh Dũng đã được gặp lại người thân.

Cảnh sát tìm được nơi chôn xác của Tiếu Học Cầm

Sau ngày 2 cha con đoàn tụ không lâu, văn phòng công an huyện Khai Giang, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc cũng bắt được 2 nghi phạm năm đó là Bồ Tế Kiến và Liêu Định Kiệt, chúng thú nhận đã giết Tiếu Học Cầm và bắt cóc anh em Triệu Vĩnh Dũng. Theo lời khai nhận, cảnh sát cũng tìm được hài cốt của Tiếu Học Cầm chôn sâu 3m trong khu vườn sau nhà của Bồ Tế Kiến.

“Chúng để mẹ tôi ở ngoài trời phơi nắng ăn sương ngần ấy năm trời…” – Triệu Vĩnh Dũng nói chưa hết câu liền bật khóc.

Vào tháng 5/2015, Bồ Tế Kiến và Liêu Định Kiệt lần lượt bị tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc lần lượt kết án tử hình và tù chung thân trong phiên sơ thẩm thứ 2. Bên cạnh đó, cảnh sát cũng tìm thấy em trai của Triệu Vĩnh Dũng là Triệu Vĩnh Khoan, và cuối cùng gia đình họ cũng được đoàn tụ.

Triệu Vĩnh Dũng (bên phải ảnh) và em trai Triệu Vĩnh Khoan (bên trái ảnh)

Nhưng chỉ có Triệu Vĩnh Dũng mới có thể hiểu hết những cay đắng đằng sau cái kết tưởng chừng như viên mãn ấy.

Cha của Triệu Vĩnh Dũng đã lập gia đình mới sau khi mất hy vọng trong việc tìm lại vợ con, em trai Triệu Vĩnh Khoan có gia đình nhỏ ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc và bắt đầu cuộc sống mới.

Triệu Vĩnh Dũng nói rằng mối quan hệ của anh với gia đình không tốt và kể từ năm 2017, họ cũng không còn liên lạc.

“Mẹ kế không cho tôi làm tang cho mẹ, bà nói đợi tôi kết hôn rồi tính. Nhưng do duyên chưa tới nên tôi vẫn lẻ bóng 1 mình, bởi vậy chuyện hậu sự của mẹ vẫn bị trì hoãn cho đến nay.” – Anh đau khổ nói.

Trải qua muôn vàn đắng cay, đến khi tìm lại được gia đình thật sự, ai ngờ Triệu Vĩnh Dũng vẫn cô đơn.

Mong ước

Triệu Vĩnh Dũng hiện đang làm điêu khắc ngọc tại 1 cửa hàng ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Anh tận hưởng tuổi 35 của mình bằng cách ghi lại cảnh sinh hoạt thường ngày, đánh đàn, đọc sách trên mạng. Cư dân mạng cũng để lại lời nhắn mong anh quên đi quá khứ và đón nhận cuộc sống mới. Triệu Vĩnh Dũng cũng chân thành cảm ơn những người bạn xa lạ trên mạng đã quan tâm đến mình.

Cho đến nay, Triệu Vĩnh Dũng vẫn chưa bao giờ hối hận khi cố gắng tìm lại gia đình năm xưa. Anh cho biết dù những ngày tháng tiếp theo có thể sẽ rất vất vả, nhưng anh sẽ sống tích cực và không để mẹ thất vọng.

Vào lễ hội Thanh Minh (tức tảo mộ, nghi thức đầu xuân quan trọng, được xem là sự kết nối nỗi buồn và hy vọng của người dân Trung Quốc), Triệu Vĩnh Dũng luôn mua trái cây và hoa để bày tỏ lòng kính trọng đối với người mẹ đã khuất của mình tại nhà riêng.

Mong ước của Triệu Vĩnh Dũng là nhanh chóng làm được hậu sự để linh hồn mẹ sớm được siêu thoát, còn anh cũng sớm gặp được người thương và có gia đình của riêng mình.

Nguồn: QQ