Cô gái Hưng Yên sụt cân, tổn thương gan nặng vì thói quen ăn rau nhiều người tưởng tốt

Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng không ít người vẫn bỏ ngoài tai, vô tư ăn các loại rau sống, nhất là rau thủy sinh ở ngoài hàng quán để rồi phải nhập viện điều trị.

Theo thống kê tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), trong vài tháng trở lại đây số bệnh nhân đến khám và điều trị do nhiễm ký sinh trùng có chiều hướng gia tăng. Trong đó, đáng lưu ý là số người bị ấu trùng giun sán chó mèo và sán lá gan lớn có tỷ lệ không hề nhỏ. Đây là hai loại ký sinh trùng lây nhiễm qua việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Điển hình như trường hợp của cô gái trẻ tên Thủy (24 tuổi, quê Hưng Yên) nhập viện với tâm lý vô cùng lo lắng vì có biểu hiện đau thượng vị lan sang vùng hạ sườn. Ngoài ra, Thủy còn có biểu hiện đại tiện máu, vàng mắt, sụt cân, ăn uống không ngon, mất ngủ nên gia đình nghĩ đến bệnh về gan. Đầu tiên, Thủy đi khám tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội và bị nghi ngờ mắc bệnh về đường mật. Sau khi làm các xét nghiệm và chụp chiếu chuyên sâu, các bác sĩ nhận thấy gan bệnh nhân bị tổn thương do bị nhiễm sán lá gan lớn. Chính điều này đã khiến gan bị tổn thương, từ đó gây đau bụng, vàng mắt, vàng da…

Một số loại rau thủy sinh khi ăn sống nguy cơ mắc các bệnh giun sán rất cao. Ảnh minh họa.

Tại bệnh viện, qua khai thác tiền sử dịch tễ và thói quen sinh hoạt, bệnh nhân cho biết thi thoảng có đi ăn hàng quán, mỗi lần ăn sáng cô đều ăn rau sống – tái, trong đó có các loại rau thủy sinh như rau ngổ, rau muống chẻ, cần nước. Hiện sau khi điều trị chuyên ngành, nữ bệnh nhân đã giảm các tình trạng vàng mắt, vàng da, ăn uống ngon miệng hơn.

Một trường hợp khác là một nam bệnh nhân 50 tuổi, ở Thái Bình, bị đau bụng âm ỉ, sụt cân, đi khám phát hiện có khối u trong bụng và được bác sĩ khuyên đi khám ung thư. Khi đó, người đàn ông này vô cùng sốc và lo lắng, vì tuổi còn trẻ, gia đình không có ai có tiền sử từng bị ung thư gan.

Đi khám ở Hà Nội, các bác sĩ phát hiện khối u không phải là ung thư, nguyên nhân là do sán lá gan làm tổ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về BV Đặng Văn Ngữ điều trị. Bệnh nhân cho biết, ông thường xuyên ăn các loại rau sống, nhất là một số loại rau nhà trồng được như rau rút, rau muống và gia đình hay làm món nộm.

Bác sĩ Thọ cho biết, nên hạn chế dùng đồ sống để tránh nhiễm bệnh do ký sinh trùng. Ảnh: Lê Phương

TS.BS Trần Huy Thọ – Phó giám đốc BV Đặng Văn Ngữ cho biết, thực tế bệnh do ký sinh trùng, trong đó có sán lá gan có xu hướng gia tăng là do nhận thức của người dân đã tốt lên, đi khám ngay sau khi có triệu chứng lâm sàng. “Đây cũng là điều tốt, nhưng để xử lý tận gốc vấn đề thì người dân cần nâng cao nhận thức trong phòng bệnh, từ đó mới không mắc bệnh”, bác sĩ Thọ cho hay.

Theo bác sĩ Thọ, khi bị nhiễm sán lá gan biểu hiện ban đầu thường không đặc hiệu, khó nhận biết. Thậm chí, nhiều trường hợp khi có biểu hiện thì nhầm lẫn sang bệnh khác, trong đó nhiều nhất là ung thư. Do vậy, kinh nghiệm trong khai thác tiền sử và thăm khám là điều rất quan trọng để phát hiện bệnh lý do ký sinh trùng gây nên.

Với sán lá gan, biểu hiện khi còn nhẹ thường chỉ là thiếu máu, mệt mỏi, chán ăn. Trường hợp nặng hơn có thể có cơn đau quặn bụng, đôi khi đau dữ dội, thậm chí là bị rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, xuất huyết tiêu hóa, viêm đường mật…

“Với sán lá gan nếu phát hiện chính xác, kịp thời thì việc điều trị không khó khăn, chỉ cần dùng thuốc đặc hiệu theo chỉ định của bác sĩ là diệt được sán. Tuy nhiên, nếu để muộn có thể gây nên hệ lụy như gây nên ổ áp xe, hoặc có thể chẩn đoán nhầm dẫn tới cắt gan do tưởng ung thư. Thực tế đã có bệnh nhân bị như vậy”, TS Thọ chia sẻ.

Để phòng bệnh, việc thực hành ăn chín uống sôi là rất quan trọng. Tuyệt đối không ăn sống các loại rau thủy sinh như rau ngổ, rau muống, rau rút, cần nước… dù là ở ngoài quán xá hay ở nhà. Ngoài ra, cần tẩy giun định kỳ hàng năm, nên đi khám khi thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, nghi do bị nhiễm giun sán.