“Dị nhân” vớt hơn 600 thi thể trôi dạt, lập nghĩa địa của oan hồn sông nước giữa Hà Nội
Trên lầu cao dưới cầu nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi,
Khi sao đông đúc vui cười,
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.
…
Cũng có kẻ vào sông ra bể,
Cánh buồm mây chạy xế gió đông
Gặp cơn giông tố giữa dòng,
Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê.
(Văn tế thập loại chúng sinh – Nguyễn Du)
Bến thuyền âm u. Nước sông Hồng nước dâng rồi cạn, đỏ quạch phù sa. Có những ngày, nước sông tanh nồng một mùi hôn ám. Lòng sông Hồng ẩn chứa nhiều kỳ bí. Nó đánh dạt vào bờ nào là những khúc cây tròn lẳn như thể bị nước bào mòn, nào là mũ bảo hiểm, bát hương bàn thờ cũ, giày dép, chăn chiếu…
Và có khi là một vài xác chết dập dềnh, theo dòng nước mênh mông chực trôi ra phía biển. Nếu “có duyên”, thi thể của họ sẽ gặp người của Đội cứu hộ cứu nạn sông Hồng, những người như anh Nguyễn Văn Dũng.
“Dị nhân” có cảm ứng với thi thể trôi sông
Nghề vớt xác trên sông là một trong những nghề kỳ quái mà hiếm ai muốn làm. Gọi là nghề vậy thôi, chứ chẳng ai muốn kiếm sống nhờ vào kỹ năng ấy. Anh Nguyễn Văn Dũng (1970) cũng thế, nhưng công việc đó, bằng một cách nào đó, nó tự chọn anh.
Anh Dũng nom dữ tướng. Đầu cạo trọc, thân mình vạm vỡ, da dẻ đỏ au như đồng thau vì dang nắng nhiều, “dị nhân” này dễ bị lầm là một tay “anh chị”, “giang hồ”. Nhưng kỳ thực, anh hiền khô, thậm chí còn hơi ít nói.
Chẳng biết có phải vì năm tháng tiếp xúc với những thi hài trôi dạt còn nhiều hơn người sống hay do bỏ học từ sớm, người đàn ông ấy dường như không mấy hoạt ngôn. Anh ăn nói khiêm cung, chẳng màu mè hoa mỹ.
Sống, anh cũng tách biệt với cuộc đời. Nhà có một khu đất trồng đào do vợ con chăm nom là chính, còn anh nhiều năm nay ở “ốc đảo” giữa sông, trồng chuối, nuôi gà, nuôi chó… Anh ở trong đảo một mình, ít va chạm với người trong phố.
Ngày rằm, mùng Một, anh dậy từ tinh mơ, chèo thuyền về miếu Cô Trôi (ngôi miếu mà chúng tôi sẽ hầu chuyện bạn đọc ở đoạn sau) từ 5 giờ sáng, đến 8 giờ lại về đảo lo công việc. Vợ muốn thăm thì chèo thuyền mà vào.
“Dị nhân” này ở đảo chuối còn vì nơi đây cách cầu Nhật Tân khoảng 200m đường chim bay, rất gần khu vực nhiều người chọn để quyên sinh. “Ở đây vắng người, yên tĩnh nên có ai nhảy cầu là tôi biết ngay. Ùm một cái rất to. Nhiều khi đêm hôm, đang nằm mà nghe động, tôi chạy ra ngay ngoài ấy, tìm cách vớt ngay.
Ngày xưa, xác người trôi ở sông Hồng đa phần là người gặp nạn, bị lũ cuốn, đuối nước… từ đầu nguồn sông Hồng, sông Lô từ mạn ngược trôi dạt về. Giờ thì người nhảy cầu nhiều hơn. Cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, cầu Thăng Long cũng qua khúc sông này.
Cũng có khi tôi cứu được người sống, nhưng ít. Hầu như các vụ nhảy cầu, buông ra là chết trước khi gặp nước, họ chết vì sợ. Xuống nước rồi lại bị sức ép lớn của nước đập vào người. Tôi câu được lên, thân thể họ đỏ rực như máu đông, trông thương lắm!” – anh Dũng kể với một YouTuber đến thăm mình.
“Dị nhân” này có một linh cảm kỳ lạ. Hôm nào anh thấy trong người nôn nao khó chịu, anh ra sông là biết “họ” trôi dạt qua. Đã hơn 30 năm kể từ khi tiếp xúc với thi thể đầu tiên, anh vẫn không thể quen nổi với cảm giác ấy. Dù vậy, anh vẫn cứ thế ra sông Hồng, đưa “họ” về với đất mẹ, để chặng đường cuối của họ thôi lênh đênh, để người nhà còn chút an ủi cuối.
Tự tay vớt hơn 600 thi thể
Người đàn ông ấy đã vớt được hơn 600 thi thể “đi ngang” qua khúc sông quen thuộc với anh. Họ là những phận đời xa lạ, vì sao mà lưu lạc trong dòng sông Hồng, anh Dũng không tài nào biết. Có người đủ đầy quần áo, nhưng không có giấy tờ tùy thân, rất khó tìm gia đình họ để thông báo. Có người chỉ có tấm thân trần, một chút che chắn trên người cũng bị dòng sông tước mất… Nhưng với anh, ai cũng tội nghiệp.
Hầu hết thi thể anh vớt được không còn nguyên vẹn, người khuyết phần đầu, người thiếu chân, người mất tay. Nhiều thi thể, chết rồi vẫn bị chà đạp thêm, mang đầy thương tích, vì khi xuôi ngược trên sông, họ bị bánh lái thuyền bè va chạm, chém phải. Hoặc những xác từ thượng nguồn về hay dạt vào ngòi, vũng sông Hồng, trương phềnh lên không còn rõ hình hài…
Lần đầu anh vớt xác người, ấy là năm anh còn nhỏ tuổi, đi chăn bò cho bố mẹ. Anh dắt bỏ vào chỗ cỏ rậm rạp cho nó ăn, bất giác thấy xác người trên búi lau sậy. Chẳng nghĩ nhiều, anh vớt lên. Rồi tâm trí cứ quẩn quanh với cái chết, anh học không vào nữa, chưa hết cấp 2 là anh bỏ học luôn.
Mỗi lần gặp “họ” là một lần ám ảnh khôn nguôi. Có ngày anh vớt hơn 20 người. Một trong những ký ức đau thương nhất là hồi năm 1994. Anh Dũng kể, hôm ấy, anh vừa ra bãi chăn trâu thì thấy giữa sông, nào thúng mủng, nào nón, mì chính, bao thuốc lá,… nổi dập dờ giữa sông. Linh cảm trỗi dậy, anh tìm thấy hàng loạt thi thể mắc ở các bụi cây ven sông. Họ là nạn nhân tròn vụ chìm đò ở Phú Thượng. Anh vớt được 30 người, 29 người chết, chỉ duy nhất 1 người sống sót.
Rồi lại đến vụ năm 1996, thuyền chở những người đi chợ buôn bán hoa quả đâm phải một sà lan đang đỗ trên sông lúc nửa đêm. Tất cả mọi người đều chết hết.
“Một mình tôi vớt 60 người, lúc đó xác người nổi trắng sông, vớt trong 5 ngày mới hết xác. Có người trôi xa tôi phải dùng dây buộc vào tay hay chân kéo vào bờ”, anh Dũng nhớ lại.
Cũng có khi anh vớt được một cặp đôi, có lẽ là tự tử, vì tay họ trói chặt vào nhau. Rồi trẻ em cũng nhiều, có cả những hài nhi còn nguyên dây rốn. Mỗi lần như thế, anh lại phải nén khóc, vì sợ khóc rồi, tất cả ám ảnh, sự thương cảm từ trước dồn về một lúc, anh không thể tiếp tục công việc khó khăn này nữa.
Kỳ bí ngôi mộ phát ở miếu Cô Trôi
Thuở trước năm 1995, khi ấy Nhật Tân chưa thuộc quận Tây Hồ, những thi thể vô thừa nhận, không tìm được thân nhân, anh Dũng sẽ mang về chôn cất ở miếu Cô Trôi – một khoảnh đất ruộng nằm giữa những vườn trồng đào.
Thời ấy, anh cuốn cho họ một manh chiếu an ủi rồi mang đi chôn tại đây. Miếu Cô Trôi trở thành “điểm tập kết” những người xấu số trôi dạt qua sông Hồng mà anh Dũng và các “đồng nghiệp” vớt lên. Đất đai có hạn nên đến kỳ cải táng, anh Dũng làm nghi thức tâm linh rồi đặt cốt vào trong các tiểu sành, 5 người chung một mộ. Đó đều là những ngôi mộ vô danh, nhưng được xếp nằm cạnh nhau, anh Dũng và người dân gần đó thắp hương cho phần mộ đỡ lạnh lùng.
Có khoảng 100 người đã được chôn cất ở miếu Cô Trôi, quần tụ xung quanh ngôi mộ lớn nhất, “khởi thủy” của miếu này. Người già kể lại, sở dĩ có tên đó là thời các cụ, có một cô gái dạt vào nơi đây, người ta đẩy ra mấy lần vẫn cứ quay lại chỗ cũ. Thấy vậy, các cụ mới chôn cất tử tế, gọi là miếu Cô Trôi.
Nhưng lạ là, mộ phần người phụ nữ ấy ngày càng phát, mỗi năm lại to thêm một chút. Dân ở đây cũng truyền tai nhau, ngôi miếu rất thiêng, nên nhiều người đã dạt vào bờ bãi Nhật Tân, để anh Dũng và các đồng nghiệp đưa về, giúp họ đoàn tụ với người thân. Ai không có người nhận thì cũng được an táng trên bờ, được hương khói cho khỏi tủi phận.
Anh Dũng kể, anh chỉ đại diện chăm nom, còn người dân làng Nhật Tân, mỗi người chung tay một ít để tạo lập miếu này. Có bà con công đức xi măng, có người góp gạch, góp công… Thấy cái tên Cô Trôi nghe xót xa quá, anh chú giải thêm tên là miếu thờ Bà Chúa Sông Chúa Ngòi, bên cạnh tên cũ mà người làng đào hay gọi.
Người phụ nữ bí ẩn ấy, cùng gần 100 người khác đã nằm lại ở làng Nhật Tân trong ngôi miếu đặc biệt ấy. Từ sau năm 1995, nơi đây không “tiếp nhận” người mới, vì những người không rõ danh tính sẽ được Nhà nước lo an táng.
Anh Dũng vẫn làm công việc vớt người trên sông Hồng, với tư cách là một thành viên Hội Chữ thập đỏ của phường. “Dị nhân” ấy không biết bao giờ cái duyên của mình với công việc kỳ lạ này chấm dứt, không biết đến chừng nào anh thôi cảm ứng với những người trôi dạt trên sông Hồng. Chỉ biết là, khi còn có thể, anh vẫn làm việc đó với tinh thần phụng sự vô vị lợi, với sự thương cảm đến tận cùng của kiếp người.