Dòng sông nhuốm đỏ bởi hàng chục triệu sinh vật di cư từ biển vào, đây là sinh vật gì?

Cứ 4 năm một lần, vào khoảng cuối tháng 10, tại vịnh Bristol (Alaska) lại chào đón một cuộc di cư ngoạn mục với 32 triệu con cá hồi đỏ (tên khoa học: Oncorhynchus nerka). Những đàn cá hồi di chuyển tạo nên một khung cảnh vô cùng kỳ vĩ thu hút rất nhiều du khách tới xem.

Ước tính hơn 200.000 người đến những con sông có cá hồi di cư qua để chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú này. Thậm chí người dân địa phương còn tổ chức lễ hội Cá hồi đỏ mỗi khi đến mùa di cư của cá hồi.

Đây là loài cá hồi kỳ lạ và bí ẩn nhất thế giới. Chúng có thể sống ở nhiều môi trường khác nhau như mặn, ngọt, lợ. Khi ở biển, chúng lại không hề có màu đỏ mà có màu bạc ánh lam. Một con cá hồi đỏ trưởng thành dài tới 60 – 84 cm, cân nặng khoảng 2,3 – 7 kg.

Xem video:

Cả dòng sông nhuốm đỏ vì sinh vật này.

Giống như nhiều loài cá hồi khác, chúng sẽ quay về nơi mình sinh ra (quãng đường hồi hương dài đến 1.600 km) để đẻ trứng cũng như kết thúc vòng đời của mình (do kiệt sức sau quãng đường dài không được ăn) sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả này.

Việc có thể quay trở lại chính xác nơi sinh ra của cá hồi vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học. Nhiều giả thuyết được đưa ra như cá hồi đỏ có thể định hướng vị trí cũ bằng cách sử dụng mùi đặc trưng của dòng sông hoặc nhờ vào mặt trời.

https://soha.vn/dong-song-nhuom-do-boi-hang-chuc-trieu-sinh-vat-di-cu-tu-bien-vao-day-la-sinh-vat-gi-20211230093729358.htm